Tin ngành điện

Xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam:Làm gì để tăng sức cạnh tranh?

Thứ ba, 8/9/2009 | 08:15 GMT+7
Ngay sau sự kiện VN trở thành nhà sản xuất giày thứ hai trên thế giới, một số DN xuất khẩu (XK) giày vào Canada sắp tới phải đối chọi với một loạt mức thuế chống bán phá giá mới, do Canada ban hành.
Ngay sau sự kiện VN trở thành nhà sản xuất giày thứ hai trên thế giới, một số DN xuất khẩu (XK) giày vào Canada sắp tới phải đối chọi với một loạt mức thuế chống bán phá giá mới, do Canada ban hành.

Sự việc này nối tiếp sau hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá ở EU, hay việc các nhà XK giày VN không còn được hưởng mức thuế GSP của EU...

Điều đó cho thấy, hơn lúc nào hết, ngành da giày VN phải cải thiện mọi mặt mới có thể giữ vững sức cạnh tranh, đủ sức đối mặt với mọi vụ kiện trong tương lai v.v...

Cạnh tranh ngày một quyết liệt!


Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày VN (Lefaso VN) - tại Hội thảo xúc tiến thương mại ngành da giày, được tổ chức ngày 27.8 vừa qua tại TPHCM: Toàn thế giới, mỗi năm tiêu thụ khoảng 6 - 7 tỉ đôi giày, thì 70% số lượng này được sản xuất bởi các nước Trung Quốc, VN, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Campuchia.

VN đứng thứ hai trong số 5 quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và XK giày - chỉ sau Trung Quốc. Trong 5 nước XK giày lớn nhất thế giới (Trung Quốc, VN, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia) - XK vào EU, Trung Quốc và VN không được EU dành cho ưu đãi GSP và phải chịu thuế quan AD khi XK giày vào EU (16,5% cho giày Trung Quốc và 10% cho giày VN).

Điều này cho thấy, chỉ tính riêng khoản thuế, các nhà XK giày VN không chỉ phải cạnh tranh với “ông lớn” Trung Quốc, mà còn phải cạnh tranh khốc liệt với 3 nước còn lại trong khu vực, khi các nước này được quá nhiều ưu đãi từ thị trường EU.

Về mặt nguyên liệu, nếu như Trung Quốc, Ấn Độ gần như có sẵn trong nước, thì ngành da giày VN phải nhập nguyên liệu trên 70% từ nước ngoài. Đây là một bất lợi.

Về giá nhân công, Trung Quốc từ 120 - 180USD/tháng, VN từ 100 - 150USD/tháng, cạnh tranh giữa VN và Trung Quốc ngang nhau; nhưng với Ấn Độ, giá nhân công chỉ 100 - 120USD/tháng, Bangladesh từ 50 - 70USD/tháng và Indonesia từ 70 - 100USD/tháng, thì VN còn phải cố gắng rất nhiều mới cạnh tranh, thu hút được đơn hàng.

Làm gì để tăng sức cạnh tranh?


Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May VN - góp ý rằng: “Trong tương lai, không thể dựa vào lao động rẻ làm lợi thế nữa. Ngành da - giày VN phải có lao động tay nghề cao, đủ cho ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chúng ta phải trở thành nhà sản xuất “5 sao” có đẳng cấp, có sản phẩm “5 sao”, VN sẽ thừa sức cạnh tranh trên thương trường thế giới”.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso VN - thì cho rằng: “Trên cơ sở VN đã tạo cho mình một lực lượng lao động đông đúc (650.000 người), trẻ, lành nghề và làm chủ được nhiều công nghệ sản xuất giày, ngành da - giày VN phải nâng cao lợi thế qua chủ động nguồn nguyên liệu, thoát dần vị thế gia công, phải tạo cho được thương hiệu riêng biệt của giày VN, mới đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu lớn của thế giới”.

Trong khi đó, với ông Bùi Thế Hùng - Tổng GĐ Cty TNHH cổ phần giày Khải Hoàn (TPHCM): “Ngành giày VN không thể phát triển một cách manh mún, thiếu sự liên kết giữa các DN và giữa DN với các bộ, ngành chức năng... Sự đột phá cùng những thành quả mà ngành giày VN đạt được trong nhiều năm qua rất đáng biểu dương. Nhưng ngành giày mong Chính phủ có một chính sách căn cơ hỗ trợ các DN xuất khẩu giày VN xây dựng cho được thương hiệu quốc gia, giúp các DN xúc tiến thương mại sâu rộng hơn nữa vào EU, Hoa Kỳ...

Tóm lại, phải tạo cho các DN một động lực mạnh, thì việc cạnh tranh với các đối thủ XK giày trên thương trường thế giới sẽ là chuyện không có gì đáng ngại”.

(Theo báo lao động số 200)

btp