Nhưng trước mắt, người nông dân đang rất lo lắng vì mất ruộng lúa, đất sản xuất nông nghiệp bao đời nay!
Vì lợi ích gì mà sân golf nối đuôi nhau... san sát?
Mới đây, có lẽ tỉnh Bình Thuận giật mình vì cả nước đang rà soát lại các dự án sân golf, nên Bình Thuận cũng "nhạy bén" cho thu hồi 4 dự án đã cấp phép từ 5-7 năm qua. Song với 15 dự án sân golf còn lại, Bình Thuận vẫn vô địch cả nước về mật độ dày san sát sân golf .
Theo điều tra của PV Báo Lao Động, chiều dài của hai huyện từ Hàm Tân đến Bắc Bình chỉ 120km, nhưng có đến 12 sân golf, cứ cách nhau chục cây số là một sân golf thì quả là phải thốt lên "ai đánh golf mà nhiều sân cỡ vậy !". Thậm chí chỉ ở khu du lịch nho nhỏ Thuận Quý-Tân Thành, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, có đến những... 2 sân golf hoành tráng!
Theo tính toán của chúng tôi, 15 dự án sân golf, vừa nhiều, vừa dày đặc ở Bình Thuận, phải ngốn hết 7.000ha đất. Điều đáng nói là với diện tích khổng lồ cho các dự án gọi là sân golf, thì chỉ có khoảng 1.800ha thực sự là xây dựng sân golf, còn lại diện tích phần lớn đều làm biệt thự để bán. Nếu tính sơ sơ, từng cái dự án sân golf hoàn thành, thì phải hơn 2.000 ngôi biệt thự hoành tráng "núp" trong dự án sân golf được bán... với giá tầm cỡ từ 4 đến 5 tỉ đồng/ngôi biệt thự!
|
Bình Thuận đang đứng đầu cả nước về mật độ sân golf. |
Nông dân khóc ròng vì dự án sân golf!
Theo nghiên cứu tác động môi trường, thì các dự án sân golf đa số là dùng đất bạc màu ven biển, tuy nhiên trong đó vẫn có đến khoảng 600ha đất nông nghiệp phải "hy sinh" cho golf. Trong đó có người nông dân xã nghèo Tân Thắng, huyện Hàm Tân, bị thu hồi 328ha đất nông nghiệp, cho Cty TNHH Sun resort Vina-Oh Chan Geun (100% vốn Hàn Quốc) đầu tư.
Dự án này có sân golf 36 lỗ, chiếm chỉ có 90 ha đất, còn lại phần lớn đều dành đất cho khách sạn, khu thương mại, thể thao cao cấp... cùng 400 ngôi biệt thự và nhà đơn lẻ khác. Để phục vụ dự án, 328ha đất nông nghiệp của xã đã bị thu hồi, trong đó có 142ha đất trồng lúa nước từ 2 đến 3 vụ mỗi năm. Ruộng lúa này đã nuôi sống người nông dân hơn 100 năm qua.
Số hơn phân nửa diện tích phục vụ dự án, là đất nuôi trồng thủy hải sản của người nông dân. Theo người dân phản ánh, khi tỉnh thu hồi đất, bà con "khóc ròng" vì mất ruộng, mất đất sản xuất, không biết bám víu vào nghề gì khác. Song quá đáng là bà con nông dân càng khốn khó hơn khi giá bồi thường chỉ bằng bát cháo cho một mét vuông (11.600 đồng/m2).
Gia đình ông Trần Văn Túc đã 72 tuổi, có 11 người con sinh sống trông chờ vào 6 sào ruộng, nay mai ruộng đồng bị thu làm sân golf, thì cả nhà ông không biết làm nghề gì. Khi chúng tôi gặp người nông dân ở nơi đây, ai cũng buồn thê lương, nhìn cánh đồng lúa, ai cũng khẩn khoản bảo: "Các anh làm sao lên tiếng cho người nông dân, chứ nông dân chỉ biết ruộng đồng, mất ruộng đồng thì biết làm sao đây ! Nếu cần phải thực hiện dự án, ít ra cũng phải tìm cách chuyển hóa ngành nghề sinh sống cho bà con, giá bồi thường cũng để chúng tôi thở với chứ...!".
Mong muốn lớn nhất của họ là dự án sân golf đừng chiếm đất ruộng đồng, đất sản xuất nông nghiệp để bà con được tồn tại, sinh sống nhờ vào sản xuất, canh tác ổn định bao đời qua!
(Theo báo lao động số 198)