Tin ngành điện

Ứng dụng năng lượng tái tạo cho sản xuất điện ở Việt Nam: Có hướng đi, song còn nhiều “rào cản” …

Thứ sáu, 28/8/2009 | 09:10 GMT+7
Viễn cảnh cho một nền năng lượng bền vững, trong đó năng lượng tái tạo sẽ đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng quốc gia xem ra còn xa vời.

Viễn cảnh cho một nền năng lượng bền vững, trong đó năng lượng tái tạo sẽ đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng quốc gia xem ra còn xa vời.  

Kỷ nguyên khai thác và sử dụng nguyên liệu hóa thạch cho phát điện được dự báo là sẽ bị cạn kiệt trong tương lai rất gần. Sự tăng giá dầu lửa khó có thể dự đoán, được phản ánh bởi nhu cầu rất lớn của các cường quốc kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Trong khi, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới vì sự tăng trưởng kinh tế được dự báo nhanh hơn sự tăng trưởng các nguồn năng lượng trong nước. Tiềm năng thủy điện lớn cũng sẽ được khai thác hết trong thập kỷ tới, trong khi nguồn khí và than có giới hạn, điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ sớm phải nhập khẩu than cho phát điện.

Ngoài các yếu tố đơn thuần về mặt kinh tế như sự tăng giá và cạn kiệt dần nguyên liệu hóa thạch, thì các dự án ứng dụng NLTT còn có nhiều lý do để phát triển, đó là:

Các dự án thủy điện nhỏ (TĐN) ở những vùng sâu, vùng xa là chất xúc tác cho phát triển kinh tế nông thôn, đem lại những lợi ích lớn cho người dân địa phương do ít tác động đến môi trường, khí hậu và tái định cư.

Ứng dụng NLTT sẽ làm giảm tác động và chi phí môi trường cũng như đảm bảo tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng do giảm các ảnh hưởng từ việc đốt than, dầu khí gây ra.

Các dự án điện sinh khối thường sử dụng ngay các nguyên liệu phế thải của các cơ sở chế biến (như trấu tại các cơ sở xay xát lúa, bã mía trong các nhà máy đường, mùn cưa trong nhà máy chế gỗ…).

Hiệu quả sử dụng các nguồn NLTT như mặt trời, khí sinh học, biogas… để đun nóng bình nước sẽ góp phần giảm đáng kể lượng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch.

Tiềm năng gió của Việt Nam cũng được đánh giá có thể ứng dụng trong sản xuất điện tại các khu vực hải đảo thay thế một phần cho các máy phát điện chạy dầu, do điều kiện lưới điện quốc gia không thể tiếp cận được các khu vực này.

Đồng thời, nhiều dự án NLNT sẽ có cơ hội được bổ sung các nguồn tài chính khi triển khai do bán được các chứng chỉ giảm phát thải cac-bon cho cộng đồng quốc tế.

Như vậy, với vị trí địa lý, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp đã tạo ra cho Việt Nam những nguồn NLTT dồi dào và đa dạng. Nguồn NLTT này hoàn toàn có thể khai thác và đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường do sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ra.

Thực tế ứng dụng… nhỏ

Mặc dù, Việt Nam có nhiều tiềm năng về các nguồn NLTT bao gồm: TĐN, sinh khối, gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều, sóng biển và các dạng nhiên liệu sinh học khác, nhưng cho đến nay sự đóng góp của NLTT vào sản xuất năng lượng nói chung và sản xuất điện năng nói riêng lại thực sự chưa đáng kể. Hiện đã có 5 loại NLTT được khai thác cho sản xuất điện bao gồm gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt. Nhưng theo thống kê của Bộ Công thương thì tổng sản lượng điện từ các nguồn NLTT mới chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng nhu cầu điện (năm 2005) và tỷ lệ này đang có nguy cơ tiếp tục giảm do các dự án NLTT chậm được triển khai trong khi các nguồn thủy điện lớn và điện từ NL hóa thạch mới ngày một gia tăng.

Việc ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện cũng chỉ tập trung chủ yếu thông qua khai thác thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, năng lực tài chính của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế (nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới) thì việc thu xếp vốn cho các dự án thủy điện nhỏ không hề đơn giản. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư tăng cao trong khi giá bán điện thấp cũng là cản trở lớn cho các dự án thủy điện nhỏ có điều kiện phát triển. Theo kết quả nghiên cứu phân ngưỡng công suất TĐN do Bộ Công Thương tiến hành năm 2006, thì tiềm năng kỹ thuật TĐN ở Việt Nam với gam công suất từ 0,1 MW đến 30 MW có tổng công suất đặt khoảng trên 4.000 MW, chiếm 10 – 12% tổng trữ năng nguồn thủy điện toàn quốc.

Các dự án khai thác năng lượng tái tạo cho sản xuất điện khác như gió, rác thải, mặt trời theo đánh giá của Tổ công tác về NLTT của Bộ Công thương là rất ít, hầu hết chỉ được hình thành thông qua các nguồn tài trợ từ vốn ngân sách hoặc các tổ chức quốc tế. Nhưng khi triển khai thì nhiều dự án lại gặp các vấn đề bất cập trong thiết kế, quản lý, vận hành và bảo dưỡng thiết bị, khiến hiệu quả khai thác không cao. Có dự án phải bỏ dở hay ngừng hoạt động do thiếu kinh phí bảo trì hay thay thế thiết bị.

Các nguồn năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, thủy triều, sóng biển hiện vẫn chỉ dừng ở dạng nghiên cứu sơ khai mà trong tương lai gần chắc chắn chưa thể ứng dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Cần đầu tư bài bản ở cấp quốc gia

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu tổng quan và cụ thể từng lĩnh vực trong ứng dụng NLTT, Tổ công tác về NLTT của Bộ Công thương đã chỉ ra rằng: Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều tiềm năng về NLTT nhưng để khai thác được thì rất cần một sự đầu tư bài bản, cụ thể, đủ mạnh ở cấp quốc gia và phải đặt nó vào vị trí xứng đáng để tạo ra những tiền đề cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách cũng như lộ trình phát triển cụ thể.

Những giải pháp cấp thiết hiện nay là: Phải thiết lập khuôn khổ tổ chức ở tầm vĩ mô phục vụ việc hoạch định chiến lược phát triển; khẩn trương xây dựng một khuôn khổ pháp quy và quy chế quốc gia làm cơ sở cho điều tra, thăm dò, khảo sát, khai thác và sử dụng các nguồn NLTT theo hướng khuyến khích cộng đồng cùng tham gia. Yếu tố đặc biệt quan trọng là các cơ chế tài chính hiệu quả giúp các nhà đầu tư tư nhân, các hợp tác xã hay chính quyền, người dân địa phương có thể có được những khoản trợ cấp ban đầu cho các dự án NLTT dưới hình thức tín dụng trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi nhằm giúp họ vượt qua những chi phí ban đầu thường là lớn để phát triển ứng dụng NLTT. Vấn đề giá điện sản xuất từ NLTT, giá trang thiết bị NLTT nói chung và giá thiết bị NLTT nhập khẩu nói riêng cần được xem xét theo một quy chế riêng theo hướng ưu tiên nguồn năng lượng sạch. Nhà nước cũng cần mở rộng chương trình xóa đói giảm nghèo và điện khí hóa nông thôn sang lĩnh vực khai thác NLTT với các chính sách tài chính ưu đãi. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thúc đẩy các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực NLTT, Nhà nước cần tạo cơ chế tài chính thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng NLTT; xúc tiến thành lập Quỹ phát triển NLTT nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLTT ở Việt Nam. Các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương phải có ý thức, trách nhiệm giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực NLTT… Nếu những yếu tố hỗ trợ cơ bản này được hoàn tất, chắc chắn NLTT sẽ không chỉ dừng lại ở những ứng dụng nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.

Đánh giá nguyên nhân của việc ứng dụng NLTT tại Việt Nam vì sao chưa tương xứng với tiềm năng, Tổ công tác về NLTT của Bộ Công thương cho rằng, còn rất nhiều tồn tại trong cơ chế chính sách và những điều kiện cần thiết cho NLTT phát triển tại Việt Nam.

Về cơ chế chính sách: Việt Nam đang thiếu một chính sách đồng bộ bao gồm từ điều tra, thăm dò tiềm năng đến khai thác sử dụng NLTT. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là chưa có cơ chế tài chính hiệu quả để khuyến khích việc đầu tư, quản lý và vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới điện quốc gia. Thiếu một cơ quan đầu mối tập trung với chức năng đủ mạnh để điều hành.

Về cơ sở dữ liệu cho quy hoạch và lập kế hoạch phát triển: Do tính đặc thù của NLTT là phân tán, phụ thuộc vụ mùa, thời tiết nên nguồn số liệu không sẵn có. Hiện cũng chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Việc đánh giá thấu đáo tiềm năng NLTT có sự dao động lớn là do thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy.

Về trình độ áp dụng công nghệ: Ở Việt Nam hiện cũng đang thiếu các doanh nghiệp thương mại cung cấp các thiết bị NLTT và dịch vụ liên quan đến NLTT. Do vậy, các công nghệ NLTT chủ yếu phải nhập khẩu, các dịch vụ sau lắp đặt, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hình thành.

Về đối tượng và phạm vi áp dụng: Mặc dù chủ trương mua điện từ các dự án NLTT để đấu nối vào lưới điện quốc gia đã thực hiện, nhưng trong quá trình triển khai còn có nhiều khó khăn trong thương thảo, chưa có quy chế cụ thể về giá bán điện lên lưới. Đối với việc cung cấp điện từ NLTT cho vùng sâu, vùng xa ngoài lưới điện quốc gia cũng chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư và hướng trợ cấp cho dân cư.

(Tạp chí Điện lực)

btp