Tin ngành điện

Trở lại vụ tranh chấp dự án Nhà máy nước BOO Thủ Đức (TPHCM):Chủ đầu tư phải trả 5,7 triệu USD cho nhà thầu (?!)

Thứ sáu, 28/8/2009 | 09:04 GMT+7
Việc các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ vụ tranh chấp hợp đồng dự án NM nước BOO Thủ Đức đã phần nào làm dịu đi cái "nóng bỏng", căng thẳng trong "cuộc chiến" pháp lý giữa chủ đầu tư (Cty cổ phần BOO nước Thủ Đức - viết tắt TDW) và nhà thầu (Cty Hyundai Rotem, Hàn Quốc - viết tắt H.R). Và, đúng - sai trong vụ việc này đã dần sáng tỏ... Tịch thu 5,7 triệu USD, xài hết gần 858.000USD
Việc các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ vụ tranh chấp hợp đồng dự án NM nước BOO Thủ Đức đã phần nào làm dịu đi cái "nóng bỏng", căng thẳng trong "cuộc chiến" pháp lý giữa chủ đầu tư (Cty cổ phần BOO nước Thủ Đức - viết tắt TDW) và nhà thầu (Cty Hyundai Rotem, Hàn Quốc - viết tắt H.R). Và, đúng - sai trong vụ việc này đã dần sáng tỏ...

Tịch thu 5,7 triệu USD, xài hết gần 858.000USD

DA Nhà máy nước BOO Thủ Đức có công suất 300.000m3/ngày, với tổng giá trị đầu tư 57,3 triệu USD. Theo đơn vị tư vấn - giám sát việc xây dựng DA là Cty CDM, tính đến hết tháng 4.2009, đã có 10 chứng chỉ thanh toán, với tổng giá trị công việc thực hiện được tại DA vào khoảng 482.000 triệu đồng và 21 triệu USD (tỉ lệ gần 90% giá trị hợp đồng đã ký kết giữa TDW và H.R).

Có 9 chứng chỉ thanh toán đã được phía chủ đầu tư TDW trả cho nhà thầu, với số tiền khoảng 464.000 triệu đồng và 21 triệu USD. Chứng chỉ thứ 10 (trị giá khoảng 18.000 triệu đồng), do hợp đồng thi công bị TDW đơn phương cắt bỏ, nên chưa thanh toán cho nhà thầu. Lấy lý do nhà thầu H.R chậm thi công, bỏ công trường, chậm gia hạn bảo lãnh hợp đồng..., TDW tịch thu 5,7 triệu USD (10% tổng giá trị DA) tiền bảo lãnh của H.R từ Ngân hàng KEB (Hàn Quốc).

Đến tháng 4.2009 - thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra xác minh vụ tranh chấp, phía chủ đầu tư đã tuỳ tiện xài gần 858.000USD trong tổng số 5,7 triệu USD của nhà thầu H.R. Theo giải thích của TDW, số tiền này dùng vào việc mua vật tư nhằm thi công đường ống nước còn lại. Bên cạnh đó, TDW cũng cầm giữ trọn gói giá trị thanh toán tại chứng chỉ thanh toán số 10 và nhiều khoản tiền phát sinh khác của H.R, lên tới gần 24.300 triệu đồng.

Có thể phải trả 5,7 triệu USD cho nhà thầu

Qua các văn bản, hồ sơ trong vụ tranh chấp DA cho thấy: TDW đã lạm dụng thẩm quyền của chủ đầu tư xử phạt nhà thầu H.R. Ngày 30.6.2008, TDW họp với H.R và CDM, theo đó 3 bên cam kết phía nhà thầu phải hoàn thành một số hạng mục, công việc, để thi công xong đường ống cấp nước đến đường Lương Định Của, quận 2, vào ngày 4.8...

Phía TDW phải giải quyết các ách tắc về mặt bằng để H.R thi công. Song, sau đó phía TDW vẫn không giải quyết xong mặt bằng. Ngày 4.7, phía H.R có bảng kế hoạch công tác gửi TDW, song TDW không có ý kiến gì. Ngày 5.8, TDW thông báo phạt bồi thường đối với H.R, vì trễ tiến độ (?!).

Theo ông Seong Gon Choi - Tổng GĐ H.R: "TDW vi phạm hợp đồng, không giao đủ mặt bằng, làm sao chúng tôi thi công đúng tiến độ? Chúng tôi muốn gặp gỡ, TDW né tránh, không có thiện chí hợp tác thực hiện nốt 9% công việc còn lại". Sau đó, TDW ra nhiều thông báo đề nghị H.R gia hạn bảo lãnh; nếu chậm trễ, nguy cơ H.R sẽ bị TDW tịch thu tiền bảo lãnh hợp đồng v.v...

Phía H.R và Ngân hàng KEB (Hàn Quốc) đã nỗ lực gia hạn và cung cấp bảo lãnh mới; nhưng sau đó TDW lại không chấp nhận. Hơn thế, TDW không hề có gặp gỡ, trao đổi làm rõ ai đúng, ai sai để ra quyết định cuối cùng tịch thu tiền bảo lãnh...

Trái lại, TDW khăng khăng đổ cho H.R "thiếu thiện chí", "không tăng cường nguồn lực để hoàn thành DA"..., cốt để tịch thu 5,7 triệu USD của H.R. Bắt buộc, ngày 23.9.2008, Ngân hàng KEB phải chuyển 5,7 triệu USD tiền bảo lãnh của H.R cho TDW, theo yêu cầu tịch thu của TDW. Theo các cơ quan chức năng, TDW có lỗi khi không bàn giao mặt bằng cho nhà thầu H.R, nên việc giải phóng mặt bằng rất chậm, không đủ mặt bằng cho H.R thi công công trình.

Theo nguồn tin riêng của Lao Động, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh vụ tranh chấp này; đồng thời, sẽ đưa ra biện pháp giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp trên theo đúng quy định của luật pháp. Với hàng loạt cách ứng xử vội vã, không hợp lý từ phía chủ đầu tư TDW, nhiều khả năng TDW phải hoàn trả lại 5,7 triệu USD tiền bảo lãnh cho nhà thầu H.R.

(Theo báo lao động số 193)

btp