Tin ngành điện

Có hay không gói kích cầu thứ hai?

Thứ ba, 1/9/2009 | 07:30 GMT+7
Cuối tháng 12.2009, chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc. Năm 2010 - giai đoạn được coi là sau suy giảm đối với Việt Nam, DN trong nước có đủ thế và lực không để phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển giai đoạn hậu khủng hoảng?
Cuối tháng 12.2009, chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc. Năm 2010 - giai đoạn được coi là sau suy giảm đối với Việt Nam, DN trong nước có đủ thế và lực không để phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển giai đoạn hậu khủng hoảng?

Tại cuộc hội thảo "Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế VN sau thời kỳ suy giảm" vừa qua, vấn đề nên hay không nên có gói kích cầu hỗ trợ lãi suất (HTLS) ngắn hạn thứ hai thực hiện trong năm 2010 để hỗ trợ DN được đặt ra với khá nhiều quan điểm.

Doanh nghiệp - người bảo nên, người bảo không

Có một thực tế là quy mô vốn của đại đa số DN VN còn rất khiêm tốn, luôn cần được tiếp sức từ NH. Theo một điều tra được VCCI công bố gần đây, các DN ngày càng lệ thuộc vào các khoản vay từ NH để phát triển sản xuất kinh doanh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói: "Vấn đề tới đây gói kích cầu LS gần hết, nhiều DN rất lo lắng về kết thúc gói kích cầu, lấy đâu ra nguồn vốn giá rẻ để tiếp tục đầu tư phát triển. Hiện chưa có đánh giá chính xác thực trạng tình hình để nói rằng đã đến thời điểm kết thúc hoàn toàn gói kích cầu. Khi nền kinh tế chưa ổn định vẫn rất cần còn gói kích cầu nhỏ hơn, liều lượng thấp hơn. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh DN VN chưa cao, đà sụt giảm mới tạm dừng nên cần gói kích cầu thứ hai, nhưng LS có thể thấp hơn mức 4%".

Ông Phạm Ngọc Hưng - Hiệp hội DN TPHCM - cho rằng: "Sự hồi phục của các DN như người đau mới mạnh, cần phải hỗ trợ khẩn trương thì người bệnh mới mau khoẻ. Các NH nên có chính sách dài thời gian HTLS cho DN, đặc biệt là ưu đãi lãi suất vay cho đầu tư trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi hơn, các thủ tục đơn giản hơn nhằm giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn".

Ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn - thì cho rằng, để phát huy sự tăng trưởng kinh tế có tính vững chắc hơn ở giai đoạn sau khủng hoảng, Chính phủ cần có gói kích cầu thứ hai với LS hỗ trợ thấp hơn (khoảng 2%) và đối tượng tập trung hơn, phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, có kiểm soát chặt chẽ, tránh chuyển sang đầu cơ CK và đầu tư địa ốc.

Nhưng bên cạnh đó, lãnh đạo hai DN kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực BĐS tại TPHCM lại thẳng thừng cho rằng, Chính phủ nên sớm bỏ gói kích cầu vì với chính sách này có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN được HTLS với các DN không được HTLS. Nuôi dưỡng sự ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu thực hiện HTLS kéo dài sẽ làm yếu năng lực cạnh tranh của DN VN trong bối cảnh hội nhập.

Quan điểm chung: Rút dần HTLS

Quan điểm của nhiều lãnh đạo chính quyền và chuyên gia là nên rút dần HTLS. Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - nói: "Có thể khẳng định việc thực hiện các biện pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế trong thời gian qua, chỉ là "liều thuốc" hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các DN VN không nên coi đó là một "cứu cánh" và trở lại cơ chế bao cấp hoạt động kinh doanh lâu dài của mình".

Nhiều ý kiến của các chuyên gia nghiêng về việc nên thực hiện thời gian HTLS theo đúng các quyết định đã ban hành. Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hội DNNVV Việt Nam - cho rằng, với gói HTLS ngắn hạn thời gian còn lại của năm nên tập trung vào những đơn vị có đủ điều kiện, nhưng chưa được tiếp cận hoặc chưa đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết. Những khoản tín dụng với thời hạn 24 tháng và các chương trình kích thích sản xuất vào khu vực nông nghiệp - nông thôn, cũng như hỗ trợ phát triển thị trường nội địa.

Cần phải được rà soát và giải quyết theo tiến độ thực hiện và lộ trình đã được xây dựng và phê duyệt. Làm như thế vừa vẫn đáp ứng được yêu cầu thị trường trước mắt, nhưng cũng để chuẩn bị dần, thích nghi dần khi nền kinh tế ổn định đi vào phát triển và cũng để thích ứng được với thông lệ quốc tế khi kinh tế thế giới có những thay đổi sau suy giảm.

Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, VN nên chuẩn bị rút dần HTLS. Tuy nhiên, cần thiết kế các nội dung giảm dần hỗ trợ để đảm bảo cho DN thích nghi dần. Nội dung gói kích cầu thứ hai (mà nhiều người đang trông ngóng được trải tiền với liều lượng, mức độ, thời gian như gói kích cầu thứ nhất) là không được. Sự hỗ trợ tiếp của Chính phủ (nếu có) chỉ là hỗ trợ thêm các nhân tố tích cực để bứt phá hẳn lên và bổ sung những gì cần thiết.

Để đi đến quyết định có hay không có gói kích cầu thứ hai thì chắc chắn Chính phủ còn phải xem xét diễn biến của nền kinh tế trong nước và thế giới trong những tháng cuối năm, tiếp tục nghe nhiều ý kiến từ các bên.

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa dư luận của đa số chuyên gia là Chính phủ nên giảm bớt chính sách can thiệp của Nhà nước (nếu áp dụng trong điều kiện khi kinh tế trở lại bình thường có thể làm méo mó thị trường), nên quay trở lại các biện pháp kinh tế thị trường để buộc các DN trong nước có ý chí tự thân vận động, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập được kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc NHNN thì việc thực thi chính sách tiền tệ "nới lỏng" để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nếu sử dụng dài hạn thì không làm tăng trưởng kinh tế, mà tác động làm tăng lạm phát.

(Theo báo lao động số 195)

btp