"Niềm tin của doanh nhân kiều bào vào sự phát triển của Việt Nam mạnh lắm. Thế giới còn hào hứng đầu tư vào VN, thì làm sao những người con của đất Việt lại có thể đứng ngoài?
Đó là lý do tôi trở về đầu tư trong nước, để được trực tiếp tham gia vào tiến trình phát triển của VN", ông Calvin P.Tran - doanh nhân gốc Việt tại California, Mỹ - bộc bạch với PV Lao Động.
Trong lúc nhiều người đang nuôi "giấc mơ Mỹ", được sống ở Mỹ, còn ông lại từ bỏ cuộc sống đó để trở về VN. Vì sao vậy?
- Khủng hoảng toàn cầu khiến đa số Việt kiều nhìn thấy ở VN sự mở cửa, thông thoáng kinh tế. Tôi là một doanh nhân kiều bào, và nói thật, tôi thấy sống ở VN rất sung sướng. Tôi cũng đã từng rời bỏ VN ra đi, do những tuyên truyền lệch lạc về chế độ cộng sản. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương và tôi trở về nước.
Tôi không phủ nhận còn rất nhiều kiều bào nghi ngại và chưa dám về. Vấn đề chính là niềm tin. Khi ra đi, chúng tôi mất niềm tin nhưng giờ đây niềm tin vào sự phát triển của VN mạnh lắm. Thế giới còn hào hứng đầu tư vào VN, tại sao những người con của nước Việt lại đứng ngoài? Đó là lý do tôi trở về.
Vậy tâm trạng của ông khi trở về nước lần đầu như thế nào?
- Vào tháng 8.1990, tôi quyết định trở về VN sau 13 năm sống tại Mỹ. Tôi lo lắng chứ. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Cái tôi nhớ nhất là cảm giác bức bối đến khó thở vì ô nhiễm khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi còn ngạc nhiên khi thấy người dân sao nóng tính quá, họ sẵn sàng gây lộn, dù chỉ là một sự cố rất nhỏ ở trên đường. Do làm trong ngành công nghệ thông tin, nên đi đâu tôi cũng hỏi có máy vi tính không?
Nhưng thời kỳ đó, VN còn lạc hậu lắm, đâu có sẵn máy vi tính như bây giờ. Và tôi như một người lính bị tước vũ khí vậy. Tôi đã xin nghỉ phép tại Mỹ để dự định về VN trong hai năm, nhưng do không thích nghi được với môi trường trong nước nên một tháng sau tôi đã trở về Mỹ.
Trên máy bay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì 13 năm trước, tôi cũng sống trong bầu không khí nóng bức như vậy, với người dân như vậy mà tôi không thấy có vấn đề gì. Tại sao chỉ hơn chục năm sống ở nước ngoài mà tôi đã thay đổi. Tôi có nên chạy trốn khỏi quê hương, chỉ vì đất nước còn nghèo không? Những câu hỏi đó làm tôi thấy nặng nề.
Thật bất ngờ, chỉ vài ngày sau khi về Mỹ, văn phòng của Bộ Công nghiệp Nặng tại TP Hồ Chí Minh khi đó gửi bản fax mời tôi về làm việc, với mức lương 80USD/tháng. Tôi vui mừng, bởi nhận thấy đất nước thực sự đang cầu thị, cần những người có thể chuyển giao kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Dù mức lương 80USD là quá nhỏ so với khoản lương bên Mỹ của tôi khi đó là 4.000USD, nhưng tôi muốn được cống hiến cho đất nước. Và một tháng sau, tôi lại trở về VN.
Là người đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục, ông nghĩ sao khi VN đang báo động về khan hiếm nguồn nhân lực cao, dù có dân số trẻ và luôn được đánh giá là thông minh?
- Vào năm 2000, tôi nhận thấy nhân lực trẻ của VN trong ngành công nghệ thông tin mà tôi giảng dạy giỏi kinh khủng. Có nhiều người từng là sinh viên của tôi hồi năm 1990, vậy mà chưa đầy 10 năm sau, tôi đã phải phục họ làm thầy. Tôi học rất nhiều từ họ. Họ làm tôi muốn về VN, được tham gia vào quá trình phát triển của đất nước.
Nhưng tôi cho rằng, nền giáo dục VN cần cải tổ càng sớm càng tốt. Thật sự rằng, hầu hết các cử nhân sau bốn năm ở đại học đều không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khung giảng dạy của Bộ Giáo dục Đào tạo quá nặng và không thực tế. Cần hướng các em vào chuyên ngành, và tạo được môi trường sinh hoạt chuyên ngành cho các em. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của gia đình nữa.
Tôi nói thế này, nhiều em học đại học mà về vẫn làm nũng bố mẹ, phụ thuộc vào bố mẹ. Người VN luôn cho rằng con mình dù có lớn thế nào vẫn là trẻ nhỏ trong vòng tay cha mẹ. Đó là tâm lý chính khiến các em hay thụ động và ỉ lại vào bố mẹ mỗi khi có khó khăn. Sinh viên VN học rất nhiều, biết rất nhiều, nhưng hiểu thì không được bao nhiêu. Và điều này khiến khi ra đời, các em chỉ là những người tiếp nhận thụ động kiến thức, chứ không chủ động sử dụng nó.
Một câu hỏi cũ, ông nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư trong nước?
- Tôi biết, chính sách của VN ở trung ương rất tuyệt vời. Tôi đã tiếp xúc với nhiều quan chức cấp cao của VN, họ rất cởi mở và thực sự cầu thị. Nhưng cứ về đến cơ sở, địa phương là nản lòng lắm. Hiện nhiều doanh nhân Việt kiều rất mong muốn về VN làm việc, vì họ thấy có nhiều cơ hội. Nhưng khi về VN, họ rất nản lòng do hành chính nhiêu khê.
Làm kinh doanh ở VN đều có cơ chế xin và cho, đều phải đi cửa sau. Các bộ, ngành giờ có rất nhiều người trẻ, có học thức, nhưng lại ít quyền hạn. Ơ Mỹ, để xin một giấy phép hành chính, chỉ cần 30 phút là xong. Trong khi đó, ở VN, vừa về nước họ đã vướng phải núi hành chính khổng lồ mà không biết khi nào mới vượt qua.
Ông vẫn thường kể câu chuyện là Việt kiều người Nam đầu tiên đầu tư ra miền Bắc, như một ví dụ thú vị cho sự thất bại do không tìm hiểu kỹ văn hoá vùng miền?
- Năm 2000, tôi có một người học trò lớn tuổi và được giới thiệu để làm ăn với một đối tác ở miền Bắc. Khi đó tôi rất lo sợ, vì chưa từng bao giờ đến miền Bắc và luôn bị doạ phải "cẩn thận, vì về là sẽ bị nhốt, bị công an bắt". Nhưng khi đặt chân đến miền Bắc rồi, tôi rất thích. Người miền Bắc, nhất là tuổi trẻ, có thể thích nghi được với lối sống mới, với cách làm việc của Tây phương rất nhanh. Nhưng đôi khi người Nam không hiểu được sự khéo léo của miền Bắc.
Khi bàn luận với các đối tác miền bắc, mọi người rất lịch sự và thường nói: Rất cảm ơn anh, để chúng tôi xem lại. Nhưng cái "xem lại đó" thì không biết đến bao giờ. Còn trong Nam, nếu được, họ sẽ đồng ý ngay và ký hợp đồng hoặc hẹn lịch cụ thể làm việc lần tiếp. Trong suốt hai năm trời theo đuổi đầu tư ở miền Bắc, tôi đã phải bán một căn nhà ở Mỹ để trang trải nợ nần, nhưng thất bại hết. Sau đó, tôi phải rút về Mỹ, chỉnh đốn lại nguồn vốn và một năm sau trở lại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều, ông từng đề cập đến sự tiêu pha nhiều khi lãng phí của người Việt. Ông có thể nói rõ hơn?
- Tôi muốn đưa ra ví dụ thế này, để lấy được của người Mỹ một đồng cũng khó, nếu như chất lượng dịch vụ không đúng như số tiền họ bỏ ra. Họ biết một tháng mình kiếm ra bao nhiêu, phải tiêu bao nhiêu và có thể dành dụm bao nhiêu. Nếu tiêu lạm khoản tiền, họ chẳng kiếm đâu ra thêm để trả cho các chi phí khác.
Còn những người mới giàu ở Việt Nam hiện nay nhiều khi sẵn sàng quẳng đi hàng triệu đồng chẳng tiếc, dù biết rằng đó là lãng phí. Nếu hiện nay một người Việt kiều nào đó về mà dám nói rằng mình giàu có, thì đúng là người chẳng hiểu gì về VN. VN có nhiều người rất giàu.
Điều này liệu có là lý giải cho mốt dùng hàng hiệu đang trở nên phổ biến ở VN, dù VN vẫn chỉ là nước nghèo?
- Đã có nhiều người đi tìm hiểu vì sao vào thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, hàng loạt các trung tâm thời trang sang trọng lại được khai trương ở VN. Các nhà đầu tư rất giỏi trong việc nắm bắt thị hiếu người dân. Thực tế là có một tầng lớp những người giàu tại Việt Nam rất thích xài hàng hiệu để được thấy là sành điệu.
Tôi cũng thích mặc hàng hiệu, nhưng không phải vì tên tuổi hay độ hào nhoáng của các hãng thời trang, mà bởi vải của nó tốt và bền. Tôi chọn đồ hiệu vì tâm lý "ăn chắc, mặc bền" và chỉ mua vào các đợt bán hạ giá, chứ không phải bởi tâm lý một bộ cánh đẹp giúp nâng vị thế của tôi trên xã hội.
Có vẻ ông đang nói đến căn bệnh sính ngoại?
- Đúng là như vậy. Nhiều cửa hàng đắt tiền chút khi thấy người ăn mặc bình thường bước vào là coi thường ngay. Người VN rất quan tâm đến vẻ bề ngoài. Nhưng ở phương Tây thì một ông bác sĩ, kỹ sư hay một cô quét đường cũng được trọng thị giống nhau trong xã hội. Vì cần phải có cô quét đường dọn dẹp hết rác bẩn, thì các ông bác sĩ hay kỹ sư mới được sống trong môi trường sạch sẽ.
Không chỉ có người Việt trong nước, mà người Việt ở đâu trên thế giới cũng có tính sính ngoại. Khi ở Mỹ, tôi có tổ chức lớp đào tạo về máy tính cho những học sinh người Việt nghèo mới sang.
Sau 3 ngày học lý thuyết, tôi yêu cầu các sinh viên đó tự lắp ráp máy tính và tôi liên hệ một số cửa hàng của người Việt để chọn bộ phận lắp ráp cho rẻ. Nhưng những tiệm đó tiếp đón thầy trò chúng tôi rất hời hợt, dù biết chắc tôi sẽ mua hàng của họ. Trong lúc thầy trò tôi ở đó, có một người Mỹ da trắng bước vào, người bán hàng lập tức nhiệt tình chỉ dẫn. Ông này sau đó ra về tay không.
Còn ở VN, có lần tôi đi cùng một đối tác đến gặp một cán bộ cao cấp. Trời quá nóng, nên tôi sơ suất để hở cúc áo cổ. Khi về, đối tác của tôi nhắc nhở: "Anh hôm nay mặc áo hở cúc, nhưng chắc do anh là Việt kiều nên quen với phong cách bên kia". Chuyện đó để thấy, nếu một người Việt trong nước mà ăn mặc như tôi thì sẽ bị quy ngay là không lịch sự, bị đánh giá vào nhân cách ngay. Nhưng vì tôi là Việt kiều, từ Mỹ về nên họ chặc lưỡi bỏ qua vì cho rằng "ở bển họ quen thế".
Xin cảm ơn ông!
(Theo lao động cuối tuần số 35)