Châu Á đang chứng tỏ sức rướn mạnh mẽ của mình khi đã có một cú bứt phá, vượt lên cả Mỹ và Châu Âu trên con đường phục hồi trở lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhờ hiệu quả của các gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỉ USD và nhu cầu khổng lồ từ Trung Quốc.
Hầu hết các chuyên gia và các nhà phân tích trên thế giới đều nhất trí rằng, cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đã đến hồi kết thúc.
Những dấu hiệu tích cực
Đầu tuần này, số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, lượng nhà bán ra tại Mỹ tháng 7.2009 đã tăng 9,6% so với tháng trước. Đây là mức tăng kỷ lục trong 10 tháng qua và là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường nhà đất đang dần hồi phục. Các chuyên gia cho rằng, khi thị trường nhà đất - tâm bão trong cuộc khủng hoảng vừa qua ở Mỹ - hồi phục, nhiều dự án mới sẽ được triển khai, tạo thêm được nhiều việc làm.
Mark Zandi - nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ - dự đoán, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ hồi phục theo hình chữ U và suy thoái sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke cũng khẳng định, kinh tế Mỹ đã chạm đáy khủng hoảng và sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay.
Từ Châu Á, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản cũng vừa công bố những thông tin tích cực. Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 0,9% trong quý II, nhờ sự khôi phục hoạt động xuất khẩu và các giải pháp kích cầu phát huy hiệu quả. Mức tăng trưởng dương đầu tiên trong hơn 1 năm qua đã đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - Trung Quốc, cũng đã tăng 7,9% trong quý II, sau khi chỉ tăng 6,1% trong quý I, mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn một thập niên qua.
Tại Châu Âu, hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp cũng tuyên bố đã vượt qua được cơn suy thoái. Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp INSEE cho hay, kinh tế Pháp đã tăng trưởng trở lại trong quý II/2009 với mức tăng 0,3%, do thị trường xuất khẩu mạnh lên và nhu cầu chi tiêu dần hồi phục.
"Sau 4 quý suy giảm liên tiếp, kinh tế Pháp cuối cùng cũng qua khỏi cơn nguy khốn và tăng trưởng trở lại" - Bộ trưởng Kinh tế Pháp - bà Christine Lagarde nói. Còn tại Đức, GDP của nước này đã tăng ngoài dự kiến trong quý II (0,3%) so với quý I. Với những tín hiệu tích cực đó, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới dường như đã ở thời điểm bắt đầu quá trình phục hồi. Tuy nhiên, họ cảnh báo vẫn còn những bất lợi khôn lường ở trước mắt.
|
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của VN (không tính kim loại quý). |
Hồi sinh từ suy thoái: Châu Á đi trước phương Tây
Các chỉ số kinh tế quý II/2009 cho thấy, các nền kinh tế bị ảnh hưởng suy thoái tại Châu AÁ như Singapore, Hồng Kông đang trên đà phục hồi tăng trưởng, mặc dù nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và Châu Âu vẫn yếu. Các quốc gia trong khu vực có quy mô dân số lớn hơn, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, bất chấp cơn bão suy thoái đang quét qua toàn bộ thế giới, mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại.
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã bứt ra khỏi lực hút của vòng xoáy suy thoái trong quý II/2009 và Thủ tướng Taro Aso tin rằng, thành tựu này có được là nhờ gói kích thích kinh tế của chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Cty xếp hạng tín dụng có trụ sở tại Mỹ Sandard and Poor's cho rằng, 5 trong số 14 nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà Cty tiến hành đánh giá sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay và 9 nền kinh tế còn lại dự báo sẽ bị suy giảm. Tuy nhiên đến năm 2010, tất cả 14 nền kinh tế này đều sẽ tăng trưởng dương, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng dự báo vào khoảng 8,0-8,5%. Trong khi đó, kinh tế Mỹ ước đoán sẽ giảm 2,9% trong năm nay, trước khi trở lại tăng trưởng vào năm tới - ở mức 1,5%.
Ông Subir Gokarn - chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Standard and Poor's - nói: "Năng lực của Châu Á trong việc sử dụng các công cụ chính sách trong nước, cũng như việc khai thác được thị trường khu vực đang tăng trưởng, đang hỗ trợ châu lục này tạo một cú bứt phá, vượt lên trên Mỹ và Châu Âu trên hành trình phục hồi từ suy thoái".
Theo ông Gokarn, việc chính phủ các nước Châu AÁ tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm kích cầu nội địa giữ một vai trò quan trọng trong việc tiếp thêm sinh lực cho khu vực vượt qua cơn bão suy thoái. Theo tính toán của Standard and Poor's, các gói kích thích tài chính mà Châu Á tung ra có tổng giá trị hơn 1.000 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chi nhiều nhất với 585 tỉ USD.
Ông Mark Williams - chuyên gia kinh tế thuộc Cty tư vấn Capital Economics - nhận định: "Chính phủ các nước Châu Á đã đương đầu với cuộc khủng hoảng với một vị thế tài chính vững vàng và mức độ nợ tương đối thấp, cho phép họ phản ứng một cách nhanh chóng và tích cực. Điều này chắc chắn đã giúp Châu Á khôi phục đà tăng trưởng và việc tiếp tục duy trì chính sách tài khoá nới lỏng có thể giữ một vai trò nào đó trong việc hỗ trợ nhu cầu nội địa trong vài năm tới".
(Theo báo lao động số 193)