Trở lại vụ việc 36 lao động đi làm việc tại Nga qua Tổng Công ty Thép tập trung đòi quyền lợi, tới thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Trở lại vụ việc 36 lao động đi làm việc tại Nga qua Tổng Công ty Thép tập trung đòi quyền lợi, tới thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Sau 6 tháng lao động ở Nga gần như mất trắng công sức, không được nhận lương theo đúng hợp đồng, cộng với hơn 2 tháng chờ đợi, ngày 25.8, hơn 50 người gồm 36 lao động về nước trước thời hạn từ Nga và người nhà đã tập trung tại trụ sở Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài thuộc TCty Thép tại phố Lạc Trung (Hà Nội) để đòi quyền lợi. Lao Động ngày 16.6 và 30.7 đã thông tin về vụ việc này, nhưng tới thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Cực chẳng đã
Lao động Trần Văn Phơ giãi bày: "Chúng tôi buộc phải kéo tất cả đến trụ sở của Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài là điều cực chẳng đã. Vì từ khi chúng tôi về VN đến nay đã hơn 2 tháng mà trung tâm chưa có biện pháp cụ thể nào để thanh lý hợp đồng lao động cho chúng tôi, ngoài những lời hứa hẹn suông. Hiện, phần lớn anh em chúng tôi đang phải trả lãi số tiền vay để đi XKLĐ ở Nga, chúng tôi cũng không có tiền để xoay xở công ăn việc làm khác".
Ông Trần Văn Bổn - một cựu chiến binh có con phải về nước trước thời hạn - buồn rầu: "Sau chiến tranh trở về, tôi cùng gia đình đã phải lao động vất vả trong nhiều năm liền mới thoát khỏi đói nghèo và dành dụm được ít tiền, nay cho con dùng để đi lao động bên Nga với hy vọng làm giàu cho gia đình. Tôi đã vô cùng tin tưởng vào sự bảo trợ và giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh Trung ương nên mới đồng ý cho con đi XKLĐ theo chương trình hợp tác giữa hội và Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN). Chúng tôi đã phải chạy vạy khắp nơi để vay mới đóng đủ khoản tiền lớn hơn rất nhiều hoàn cảnh của mình (3.000USD). Nay, tôi vừa đau lòng vì tiền mất, vừa sụp đổ niềm tin. Tính ra, có lẽ gia đình tôi phải lao động khoảng 10-15 năm nữa mới trả hết chỗ tiền hơn 50 triệu đồng đó".
Ngoài lời đề nghị với Hội Cựu chiến binh Trung ương sớm can thiệp để được bảo vệ quyền lợi, ông Bổn tỏ ý băn khoăn: "Không biết các cơ quan chức năng, nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước, TCty Thép VN có biết vụ việc này không, mà đến nay chúng tôi vẫn phải chờ đợi vô vọng như vậy".
Chối bỏ cam kết
Trong biên bản cuộc họp giữa ông Trần Gia Bảo - đại diện Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) và ông Trần Văn Lưu - đại diện Cty APC với lao động tại Nga ngày 26.5.2009, ông Bảo và ông Lưu đã ký tên vào biên bản thừa nhận toàn bộ những nội dung trong bản hợp đồng (đã ký tại VN) không đúng với thực tế hiện tại (khi anh em đã sang Nga).
Cụ thể: Nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời; an ninh không đảm bảo, luôn bị công an đuổi; ốm đau phải tự lo thuốc thang, trong đó có người bị dùng thuốc quá hạn bị phản ứng; 5-6 tháng tiền lương không có, chỉ có tạm ứng... Chính vì những điều không đúng trên nên người lao động đồng ý thanh lý hợp đồng với 2 Cty là Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) và APC.
Cũng tại biên bản đó, lao động đã đưa ra đề nghị và được đại diện Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) là ông Trần Gia Bảo ký đồng ý: Thanh toán toàn bộ tiền lương từ khi lao động sang Nga cho đến ngày về nước; tiền vé máy bay về VN; hoàn trả lại toàn bộ số tiền lao động đã nộp cho trung tâm để làm thủ tục đi Nga là 3.000USD cộng số tiền khám sức khoẻ, làm hộ chiếu, lãi suất ngân hàng; thời gian để nhận lại tiền là sau khi lao động về nước 30 ngày.
Tuy nhiên, đến nay toàn bộ những cam kết trên đã bị chối bỏ. Ngày 25.8, phóng viên Báo Lao Động đã đề nghị được làm việc, nhưng vì bận đi công việc nên ông Đặng Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (TCty Thép VN) - đã hứa sẽ tiếp phóng viên vào buổi khác.
Tuy nhiên, qua trao đổi nhanh, ông Việt cho biết: Chúng tôi chỉ có thể trả lại người lao động số tiền không quá 1.000USD, nếu ai đồng ý thì thanh lý hợp đồng ngay, nếu không đồng ý, chúng tôi sẽ gặp người lao động tại toà án.
(Theo báo lao động số 191)
btp