- Vì nỗi lo lạm phát quay trở lại mà nhiều ý kiến cho rằng nên kiểm soát tín dụng, tránh tình trạng nền kinh tế không thể hấp thụ hết lượng vốn ồ ạt bơm ra từ ngân hàng. Ông nghĩ sao?
- Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trong 7 tháng đầu năm là 22,67%. Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 25-27%. Nhưng nếu áp dụng chỉ tiêu này, chúng ta chỉ còn chưa đến 5% cho 5 tháng tới. Theo tôi, chỉ tiêu này khó thực hiện và cũng không nên thực hiện bởi nền kinh tế đang cần vốn để phục hồi. Tôi nghĩ dư nợ cho vay nên ở mức khoảng 30% cho cả năm 2009 hoặc nếu vượt quá đôi chút trong khi các chỉ số khác của nền kinh tế ổn định thì cũng không quá đáng ngại.
- Ông dự đoán thế nào về tình hình lạm phát năm nay của Việt Nam?
- Lượng tiền khá lớn đã được hệ thống ngân hàng Việt Nam bơm vào nền kinh tế trong thời gian qua. Điều này khiến một số người nghĩ tới nguy cơ lạm phát có thể trở lại. Theo tôi, điều này không hoàn toàn chính xác. Cần nhấn mạnh rằng ngân hàng không phải nguồn cung tiền duy nhất cho nền kinh tế. Ngoài ra, còn có kênh chi tiêu ngân sách, tiền sẵn có trong xã hội và kênh đầu tư nước ngoài.
Đầu tư trong dân giảm trong khi vốn gián tiếp từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn nên tổng cung tiền cũng bị ảnh hưởng. Lạm phát do chi phí đẩy khó xảy ra khi giá cả trên thị trường thế giới sẽ ở mức thấp trong năm nay và thậm chí là cả năm 2010. Theo tôi, kìm chế lạm phát dưới 7% là hoàn toàn khả thi trong năm 2009. Chúng ta cảnh giác với lạm phát nhưng không nên quá lo lắng.
- Đã có đề xuất với Chính phủ về việc cần có thêm gói kích cầu tiếp theo khi chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 4% kết thúc vào cuối năm nay. Ông ủng hộ hay phản đối đề xuất này?
- Thực tế đã chứng minh gói kích cầu vừa qua là hiệu quả và cần thiết. Nhưng theo tôi, vẫn cần thêm một gói "đệm" nữa nhằm giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm". Các doanh nghiệp sẽ rất hụt hẫng nếu đột ngột mất đi khoản hỗ trợ lãi suất 4% sau ngày 31/12 tới đây.
Việc các ngân hàng gần đây chỉ huy động được ở các kỳ hạn ngắn cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin vào thị trường. Có thêm một gói kích cầu giúp kinh tế dần trở lại với trạng thái bình thường, thể hiện ổn định của chính sách vĩ mô sẽ củng cố niềm tin này.
- Nếu Chính phủ đồng ý với gói kích cầu mới, theo ông cách thức triển khai nên thế nào, tiếp tục hỗ trợ lãi suất hay trực tiếp hỗ trợ tiền cho người dân như Nhật đã làm?
- Mỗi nước có một điệu kiện và hoàn cảnh khác nhau nên cách làm đương nhiên cũng khác. Nhật tăng trưởng 0,9% trong quý II vừa qua tức là họ vừa chuyển từ tăng trưởng âm sang dương. Trong khi đó Việt Nam ta vẫn tiếp tục tăng trưởng dương kể từ đầu năm, 3,1% trong quý I và 4,5% trong quý II. Mặt khác, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở nước ta không phải là không có.
Chẳng hạn như chủ trương trợ cấp người nghèo ăn Tết, tăng phụ cấp hưu trí hay tăng lương. Những việc này đều được thực hiện trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên thể hiện rất rõ nỗ lực của Chính phủ. Việc có thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không và thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào sự tính toán và quyết định của Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
- Nhưng nhiều người đang cho rằng kích cầu theo cách như hiện nay, hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp, là thiếu sàng lọc, cào bằng?
- Nếu nói về chuyện "cào bằng" thì nước ngoài còn "cào bằng" hơn ta. Chẳng hạn như việc Mỹ hạ mặt bằng lãi suất xuống còn từ 0 - 0,05%. Ở nước ta việc hạ lãi suất là khó xảy ra sau thời kỳ lạm phát tăng cao. Hỗ trợ lãi suất 4% là một giải pháp tình thế phù hợp của chính phủ trong tình hình hiện nay. Theo tôi, cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vì đây là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế.
(Theo Vnexpress)