Tin ngành điện

Vì sao ngân hàng thiếu vốn?

Thứ hai, 24/8/2009 | 08:26 GMT+7
ừ cuối tháng 7 đến nay, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại có xu hướng liên tục tăng. Tình hình khiến thị trường cảm thấy lo ngại. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Vì sao các ngân hàng thiếu vốn?

ừ cuối tháng 7 đến nay, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại có xu hướng liên tục tăng. Tình hình khiến thị trường cảm thấy lo ngại. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Vì sao các ngân hàng thiếu vốn?

Tuần qua, lãi suất (LS) trên thị trường này lại tiếp tục tăng lên ở các kỳ hạn ngắn. Đây là dấu hiệu cung vốn trên thị trường liên NH ngày càng hạn chế. Nhiều NH thiếu vốn (thường là các NH quy mô trung bình) tăng nhu cầu vay và các NH thừa vốn đã bắt đầu "phòng thủ". LS huy động VND kỳ hạn ngắn từ dân cư và tổ chức của nhiều NHTM đã được điều chỉnh cao bằng LS tiền gửi kỳ hạn dài. Tình hình này khiến thị trường tài chính cảm thấy lo ngại.

Mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn?

Hoạt động kinh doanh của NHTM trong bối cảnh kinh tế suy giảm có nhiều bất trắc thì quan ngại lớn nhất chính là việc duy trì thanh khoản ở mức cao chứ không phải yếu tố lợi nhuận. Giai đoạn nguy hiểm nhất chính là quý I/2008 đã cho các NHTM bài học là không một NH nào muốn huy động vốn ở mức cao và cho vay với LS cao hơn nữa khi mà tỉ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế bị giảm sút trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Vậy điều gì khiến hiện nay các NH gia tăng LS huy động trên tất cả các kỳ hạn? Điều này có thể xuất phát từ nguy cơ rủi ro thanh khoản có chiều hướng tăng bởi sự mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Từ đầu năm, đặc biệt là cuối tháng 6 đến nay, tốc độ tăng vốn huy động của hệ thống NH luôn thấp hơn tốc độ tăng dư nợ. Theo thông tin chính thức thì cuối tháng 7 tốc độ tăng dư nợ vẫn cao hơn tốc độ tăng vốn huy động gần 2%. Ở một số NH thì mức chênh giữa 2 tỉ lệ này còn cao hơn nhiều.

Yếu tố khác cũng có phần ảnh hưởng nhưng không lớn, đó là nhu cầu về sử dụng vốn của các DN có chiều hướng tăng khi nền kinh tế đang thoát ra khỏi đáy của cuộc suy giảm. Thế nhưng, tuy nhu cầu vốn của các DN tăng nhưng không thể chịu với mức LS vay quá cao so với tỉ suất lợi nhuận bình quân chung của ngành kinh tế được.

Vì vậy với nguồn vốn huy động cao, các NH không thể cho vay với những ngành nghề đang còn gặp quá nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ như: Thu mua chế biến hải sản, chế biến gạo XK, dệt may, chế biến gỗ...

Nếu tồn đọng, nguồn vốn LS cao này là một gánh nặng cho NH. Nếu muốn giải quyết, NHTM buộc phải cho vay vào những lĩnh vực đang bị sốt nóng bởi dòng vốn đầu cơ trên thị trường được biến tướng dưới nhu cầu vay tiêu dùng như: Mua nhà đất, xe ôtô, sửa chữa nhà ở...

Khi mà các thị trường như BĐS, CK bùng nổ, tăng nóng bởi tác động của dòng tiền đầu tư thì một số NH có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao, nhất là vào cho vay tiêu dùng lâm vào tình trạng khó khăn về thanh khoản VND, buộc phải đẩy LS huy động lên với mục đích chính là duy trì nguồn tiền gửi. Các NH khác cũng buộc phải tăng LS theo để giữ chân khách hàng.

Giảm nhẹ tác động của đầu cơ vốn

Có sự trùng hợp nào ở đây khi dấu hiệu khó khăn thanh khoản mà biểu hiện là cuộc đua LS huy động chỉ bùng phát khi những thị trường có tính đầu cơ cao như TTCK bùng nổ? Thực tế cho thấy, lúc VN-Index từ 235 điểm lên 512 điểm, và hiện tại từ 412 điểm lên hơn 519 điểm thì nhiều NH phải tăng LS huy động. Trong khi đó những giai đoạn TTCK lình sình, việc tăng LS huy động chỉ ở mức thấp và mang tính cá biệt.

Có thể suy đoán rằng việc thiếu thanh khoản chỉ có thể là nguồn tiền gửi bị người gửi tiền rút ra khỏi NH để đầu tư trên TTCK. NHNN nên hỗ trợ thích đáng về vốn cho các NHTM có quy mô trung bình và nhỏ thông qua thị trường mở trong một giai đoạn nhất định. Việc trợ giúp này là cần thiết và nên làm, có như vậy mới làm giảm áp lực tăng vốn huy động, tránh biến thành những cuộc đua nóng LS không đáng có, gây nên những bất ổn trên thị trường tiền tệ.

Mặt khác, để tránh tình trạng thiếu hụt thanh khoản thêm trầm trọng bởi tác động của việc đầu cơ trên thị trường, khi có những diễn biến bất thường thì Hiệp hội NH nên thống nhất trong các thành viên thực hiện đúng những cam kết mà người gửi tiền cần phải làm là nếu rút tiền trước kỳ hạn, ngoài việc bị NHTM tính LS không kỳ hạn, còn phải chịu thêm một khoản phí trước hạn, khoản phí rút trước hạn phải đủ lớn để người gửi phải cân nhắc thận trọng khi quyết định rút tiền trước hạn.

Nếu vẫn để như tình trạng hiện nay, khi gửi tiền có kỳ hạn mà khách hàng rút tiền trước hạn vẫn được NH tính LS tiền gửi cho kỳ hạn ngắn hơn thì các NH chưa biết đến khi nào có thể nào chủ động trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình bởi sự bất ổn định của nguồn tiền gửi. Thực hiện nghiêm và đúng kỳ hạn gửi tiền, về bản chất cũng chỉ là thực hiện đúng một "hợp đồng" kinh tế đã ký giữa người gửi và người vay là NHTM mà thôi.

(Theo báo lao động số 189)

btp