Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2009, cả nước hiện có 102 nhà máy sản xuất ximăng, với công suất thiết kế 50,53 triệu tấn và khoảng 4 triệu tấn ximăng lò đứng. Bước sang năm nay, theo kế hoạch sẽ có thêm 16 dự án ximăng mới đi vào hoạt động, khiến tổng nguồn cung ximăng toàn thị trường lên tới 65,66 triệu tấn, trong khi nhu cầu thực tế được dự báo chỉ khoảng 50-52 triệu tấn.
Khủng hoảng thừa ximăng là thực tế đã được cảnh báo từ cách đây 2 năm. Song các nhà máy ximăng vẫn nối tiếp nhau ra đời, sẽ khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
|
Sản xuất ximăng tại Nhà máy ximăng Điện Biên. Ảnh: TTXVN |
6 tháng đầu năm nay, theo TCy Công nghiệp ximăng VN (Vicem), nguồn cung toàn xã hội đã tăng khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu, trong khi tiêu thụ thực tế chỉ tăng 1,8 triệu tấn. Khủng hoảng thừa ximăng đã khiến cho tiêu thụ ximăng của TCty này mới đạt 45,6% so với kế hoạch đề ra. Việc nhiều Cty ra đời sau cạnh tranh trên thị trường đã dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh khiến nhiều Cty lâm vào thua lỗ.
Từ năm 2010 trở đi, cùng với việc đưa vào hoạt động một số dự án mới đang xây dựng trong quy hoạch, nên khả năng sẽ không phải nhập khẩu clinker và có dư thừa một phần cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay từ năm 2009, trước làn sóng xin cấp phép ồ ạt sản xuất ximăng của các doanh nghiệp tại các địa phương có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành ximăng,
Hiệp hội Ximăng VN cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu địa phương không cấp phép thêm cho bất kỳ dự án đầu tư sản xuất ximăng không có trong quy hoạch để hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa ximăng trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên, hàng loạt các dự án ximăng lớn nhỏ vẫn ra đời. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trong năm nay, thị trường ximăng đang dư thừa ít nhất là 2 triệu tấn.
Khủng hoảng đầu ra, trong khi giá bán không tăng được là một lý do khiến các DN không đạt được lợi nhuận định mức, đặc biệt là những DN ra đời sau, chưa hết khấu hao, mặt khác do không tăng được tối đa sản lượng theo thiết kế cũng khiến nhiều DN khá lúng túng trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong một thị trường đã quá nhiều đối thủ len chân. Mới đây, tại đại hội nhiệm kỳ V Hiệp hội Ximăng VN, một trong những vấn đề “đau đầu” nhất là làm thế nào dung hoà lợi ích giữa các DN thành viên hiệp hội để cùng đạt mục tiêu lợi nhuận, nhưng cũng không đẩy các DN vào thế đối kháng.
Tìm đầu ra cho ximăng?
Theo tiến sĩ Lương Đức Long - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, khả năng tăng giá bán ximăng khó khăn do thị trường cung vượt cầu sẽ làm xuất hiện tình trạng bán phá giá. Yêu cầu chất lượng và tính ổn định chất lượng của sản phẩm ngày càng cao. Trong bối cảnh đầu ra khó khăn, giải pháp XK ximăng được các DN cam kết thực hiện, song xem ra còn gặp rất nhiều khó khăn. TCty Ximăng VN - đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn ximăng trong năm nay, nhưng qua 6 tháng đầu năm mới XK được non nửa. Vấn đề đặt ra đối với các DN xuất khẩu ximăng là chi phí vận chuyển cao, giá XK ximăng hiện không đủ bù đắp chi phí.
Ngoài Vicem, hiện mới chỉ có Cty cổ phần ximăng Cẩm Phả XK được 15.000 tấn clinker sang Trung Đông. Trên thực tế, các DN sản xuất ximăng, kể cả các liên doanh 100% vốn nước ngoài khi xin cấp phép đầu tư đều chỉ trông vào thị trường nội địa. Việc đẩy mạnh XK là khó khả thi trong bối cảnh lợi nhuận từ xuất khẩu ximăng rất eo hẹp do khó cạnh tranh được với các nước lân cận có sản lượng lớn, một số dây chuyền đã hết khấu hao, giá rẻ tràn ngược trở lại VN.
Các DN thuộc Hiệp hội Ximăng VN cho biết, trong khi chưa có giải pháp tối ưu cho việc tiêu thụ sản lượng ximăng dư thừa, các DN trong hiệp hội sẽ cùng bắt tay nhau để đảm bảo nguồn cung ximăng ổn định, không tăng giá bán bất hợp lý hoặc cạnh tranh phá giá, gây rối loạn thị trường.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương ngừng cấp phép cho các dự án ximăng lớn từ tháng 1.2010, nhưng do một số dự án đã được các địa phương cấp phép từ trước vẫn được khởi công và đi vào hoạt động. Không những thế, nhiều địa phương vẫn bất chất quy hoạch ximăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn cấp phép đầu tư mới cho các dự án ximăng. Điển hình là ngày 10.7 vừa qua, NM ximăng Thạnh Mỹ (tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) có công suất 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng do Cty cổ phần Tập đoàn Xuân Thành đầu tư không có trong quy hoạch vẫn được khởi công xây dựng mới.
(Theo báo lao động)