Tin ngành điện

Đê điều mùa mưa bão: Báo động đỏ

Thứ hai, 26/7/2010 | 08:56 GMT+7
Đến hẹn lại lên, cứ trước mùa bão lũ, không khí cải tạo gia cố các đê sông, đê biển khắp cả nước trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Vấn đề ở chỗ, càng cải tạo, xem ra tốc độ càng trở nên chậm chạp và gặp không ít chỗ “vướng”. Mùa bão lũ mới chỉ bắt đầu song chỉ qua cơn bão số 1 mới thấy mức độ khó lường của mùa bão năm nay. Khảo sát qua những đoạn đê sông xung yếu tại miền Bắc, mới thấy những triền đê nơi đây đang ở mức báo động đỏ.

Đến hẹn lại lên, cứ trước mùa bão lũ, không khí cải tạo gia cố các đê sông, đê biển khắp cả nước trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Vấn đề ở chỗ, càng cải tạo, xem ra tốc độ càng trở nên chậm chạp và gặp không ít chỗ “vướng”. Mùa bão lũ mới chỉ bắt đầu song chỉ qua cơn bão số 1 mới thấy mức độ khó lường của mùa bão năm nay. Khảo sát qua những đoạn đê sông xung yếu tại miền Bắc, mới thấy những triền đê nơi đây đang ở mức báo động đỏ.

Bài 1: Những triền đê sông miền Bắc: Mong manh trước bão

Hà Nội và những trận sạt… giật mình

Người dân thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa “được” phen hú hồn bởi trận sạt lở dọc bờ hữu sông Tích cách đây chưa lâu. Những trận mưa đầu mùa tại Hà Nội tuy chưa ở mức độ nghiêm trọng song đã làm sạt lở hơn 250m từ cầu Tân Thượng đến ngã ba sông Bùi. Đây là một trong những điểm xung yếu bởi hứng chịu những trận lũ từ Hòa Bình đổ về tạo dòng xoáy gây sạt lở ở bờ tả. Ngành nông nghiệp huyện Chương Mỹ cho rằng địa chất bờ hữu Tích vốn dĩ yếu, hầu hết là cát pha nên mức độ sạt lở càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là cho đến bây giờ, tại đây mới chỉ xử lý bằng việc kè mái bảo vệ chống sạt lở.

Không chỉ ở sông Tích, hầu hết những điểm xung yếu các tuyến sông nội đồng ngoại thành HN đều trong tình trạng báo động. Khảo sát dọc tuyến đê sông Đuống thuộc phường Ngọc Lâm - Q. Long Biên mới thấy nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng. Trên địa bàn tổ 27, rất nhiều ngôi nhà đang bị tụt hẳn xuống sông, hàng chục khu nhà khác trong tình trạng nứt toác, nghiêng ngả và hoàn toàn có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Một người dân sống tại đây cho hay, tình trạng sụt lún nhẹ đã xuất hiện cách đây gần một tháng, khiến nhiều hộ dân phải di dời sang nơi khác. UBND phường Ngọc Lâm cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún là do thuộc hành lang thoát lũ nên địa chất tại đây yếu, thêm vào đó là do biến đổi dòng chảy khiến bờ bãi ngày càng bị xói lở trầm trọng.

Rất nhiều điểm đê sông xung yếu của HN hiện xuống cấp từng ngày. Theo Chi cục Đê điều và PCLB HN, riêng hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống nhiều năm gần đây phải chống lũ lớn, đê khô nên trong đê tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường. Mặt khác, do biến đổi dòng chảy nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. GĐ Sở NNPTNT Hà Nội - ông Trần Xuân Việt, lo ngại: “Chất lượng 9 tuyến đê các sông kể trên với gần 273km vẫn đáng lo ngại. Chưa kể hiện kè Thanh Am (Q.Long Biên) đã xuất hiện nhiều vết nứt. Nếu tuyến đê này gặp nguy hiểm, sẽ có hàng chục ngàn dân sống trong biển nước”. Những triền đê cứ thế oằn mình chống chọi với bão lũ, trong khi mưa bão có thể đến bất cứ lúc nào với mức độ khó lường...

Hộ dân ven đê sông Đuống (quận Long Biên) đối mặt với sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: D.H


Báo động toàn Đồng bằng Bắc Bộ

Hầu hết các tuyến đê Đồng bằng Bắc Bộ cũng đều ở mức độ báo động. Theo BCĐ PCLB Nam Định, toàn tỉnh có 663km đê, trong đó có hơn 270km đê sông tiềm ẩn nhiều lo ngại. Tuyến đê sông Sò cao trình đê hiện tại còn thấp, mặt cắt đê nhỏ hẹp. Đợt bão số 7 (2005), sóng lớn đã tràn qua một số đoạn đê hữu sông Sò thuộc huyện Xuân Trường, Hải Hậu và đê tả sông Sò thuộc huyện Giao Thủy. Rất nhiều đoạn mặt đê rải cấp phối đã hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn trong kiểm tra, ứng cứu đê khi gặp sự cố, một số đoạn đê nội đồng còn là thùng đào, ao cá, thân đê tiềm ẩn khuyết tật, ẩn họa chưa lường hết được. Nhiều tuyến kè hiện đã xuống cấp như kè Hồng Hà, kè Óng Bò - Ngô Xá trên tuyến đê hữu sông Hồng; kè Trực Bình, Lộ Xuyên... trên tuyến đê hữu Ninh Cơ.

Trong khi đó tại Thái Bình, nạn “cát tặc” đang đe dọa đê sông Trà Lý từng ngày. Tuyến đê sông Trà Lý dài khoảng 42km, trong đó, đoạn chạy qua vụng Đồng Xâm (dài khoảng 2km thuộc xã Hồng Thái, Kiến Xương) thuộc điểm xung yếu của tỉnh bấy lâu nay gánh chịu nạn cát tặc hoành hành, đe dọa sự an toàn thân đê. Ông Đinh Văn Thắng, phó thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái bức xúc: “Khi có bão, gió Tây bắc đẩy sóng đánh trực diện vào thân đê, đồng thời triều cường dâng cao rất nguy hiểm đối với đoạn đê này. Nếu chẳng may mà vỡ đê, thì cả một vùng Bắc huyện Kiến Xương sẽ bị lình đủ”. Một người dân kiến nghị: “Chúng tôi mong lực lượng cảnh sát đường thủy, chính quyền cần mạnh tay hơn nữa để dẹp nạn cát tặc, bảo vệ bình an cho các tuyến đê, cũng là bảo vệ hàng vạn người dân, đồng thời củng cố lại đê để dân yên tâm vì chúng tôi thật sự không biết đê có thể vỡ lúc nào (?!)...”.

(Theo báo lao động)

btp