Tin ngành điện

EVN “mổ xẻ” những phản ứng từ dư luận

Thứ ba, 20/7/2010 | 08:27 GMT+7
Vì sao việc đàm phán trong mua bán điện thường kéo dài, tại sao EVN không đồng tình tách khâu mua bán điện khỏi tập đoàn, giá điện sắp tới sẽ thế nào… là những vấn đề đã được ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT EVN chia sẻ với báo chí.

Vì sao việc đàm phán trong mua bán điện thường kéo dài, tại sao EVN không đồng tình tách khâu mua bán điện khỏi tập đoàn, giá điện sắp tới sẽ thế nào… là những vấn đề đã được ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT EVN chia sẻ với báo chí.

Cơ cấu điều hành ngành điện vẫn vấp phải những phản ứng của dư luận (ảnh minh họa)
Xin ông cho biết, vì sao chúng ta chỉ có một công ty mua bán điện duy nhất. Điều này liệu có tạo ra sự đặc quyền cho EVN không?
Lý do chỉ có một công ty mua bán điện duy nhất là vì khi có nhiều công ty mua bán điện ra đời lúc này sẽ dẫn đến cạnh tranh giá mua điện với nhà máy có giá thấp dẫn đến đường dây trạm biến áp truyền tải phân phối quá tải. Nếu mua bán như vậy phải tính toàn bộ chi phí cho công ty mua điện về bán lại, đảm bảo cân đối tài chính. Đây là kinh nghiệm thế giới.
Để bảo đảm tính minh bạch, chúng tôi đã quyết định thành lập công ty mua bán điện tách khỏi EVN tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, sau một thời gian, vẫn có dư luận cho rằng việc đàm phán này thường xuyên kéo dài và không đảm bảo công bằng.
Nhưng phản ứng này của dư luận chắc hẳn có cơ sở…?
Ở đây có mâu thuẫn rất cơ bản giữa công ty mua bán điện và nhà đầu tư là lợi ích của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nếu công ty mua bán điện đàm phán hời hợt, không cụ thể có thể dẫn đến hợp đồng có lợi cho nhà đầu tư. Nhà nước hiện quy định tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư không quá 15%. Nhưng để tìm ra căn cứ từ những tài liệu mà nhà đầu tư cung cấp, đảm bảo yêu cầu về tỷ suất lợi nhuận thì không hề đơn giản, cần phải có thời gian.
Vừa rồi, công ty đã ký hơn 190 hợp đồng của 150 nhà đầu tư để mua 5 tỷ kWh. Nếu như 1 kWh chỉ lệch thêm 5 cent thì sẽ làm tăng thêm 4.500 tỷ/năm. Với mỗi hợp đồng trung bình kéo dài 25-30 năm thì số tiền người tiêu dùng phải trả thêm là 115.000 tỷ đồng, gấp đôi kinh phí đầu tư nhà máy thủy điện Sơn La. Bởi vậy, việc đàm phán không chỉ là trách nhiệm công ty mua bán điện vừa là trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.
Việc thiếu điện trầm trọng như thời gian vừa qua đã khiến vấn đề đầu tư cho ngành điện càng thêm bức xúc. Ông lý giải thế nào về điều này?
Trong ngành điện, đầu tư là khâu quyết định nhưng chúng ta lại đang gặp khó khăn trong khâu này. Trên thực tế, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện về vốn đầu tư cho doanh nghiệp làm như: vay vốn ODA, tín dụng trong nước, bảo lãnh cho vay tín dụng nước ngoài, rồi phát hành trái phiếu… nhưng việc triển khai đầu tư vẫn không thể nhanh được vì tổng vốn đầu tư quá lớn.
Dư luận cũng băn khoăn về việc vì sao khâu phát điện không tách khỏi EVN?
Việc tách hay không cần xem xét và có bước đi thận trọng vì như EVN là tập đoàn có vốn đầu tư tương đối lớn nhưng cũng không đủ vốn. Nếu “xé” ra thì lấy đâu vốn đầu tư.
Có rất nhiều nhà đầu tư vào, đã ký xong thỏa thuận mua bán điện nhưng họ nói 1 năm nữa quay lại nếu thu xếp được vốn. Vấn đề không phải tách hay không tách mà là công ty phát điện mới thành lập, không thể chứng minh lỗ lãi sẽ thế nào nên không thể vay vốn được.
Không phải EVN muốn giữ công ty phát điện, để EVN mạnh mà để có đủ điện. Từ năm 2012 trở đi, dự báo nguy cơ thiếu điện có thể quay trở lại. 3 năm vừa rồi, chúng tôi không khởi công được nhà máy nào vì không vay được vốn do khủng hoảng, đến khi vay được thì lại không đủ vốn đối ứng!
Nghe nói, đợt ảnh hưởng từ hạn hán vừa qua, EVN đã phải chịu lỗ nặng nề?
Đợt vừa qua, EVN đã phải chạy nguồn điện giá cao tới 4000-5000 đồng/kWh nhưng bán với giá thấp, có khi chỉ mấy trăm đồng cho một kWh. Tính đến ngày 12/7 là lỗ 5400 tỷ đổng.
Những năm trước, 6 tháng đầu năm cũng lỗ nhưng đến khoảng 20/6 trở đi là hòa vốn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng phải bằng mọi biện pháp điều hành, vận hành tối ưu hệ thống để gỡ lại những khó khăn trên.
Theo kế hoạch, năm 2014 là thời điểm việc xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh được hoàn thành. Đến lúc đó, cơ cấu tổ chức của EVN sẽ như thế nào?
Hiện EVN đã báo cáo chính phủ cơ cấu khâu phát điện, đề xuất hình thành một công ty phát điện thí điểm tách khỏi EVN, giao cho làm một vài nhà máy điện, có sự hỗ trợ của EVN, sau đó tổng kết đánh giá. Nếu thành công thì chúng ta sẽ tách nốt các công ty phát điện còn lại. Khi đã ra thị trường phát điện cạnh tranh thì tất cả các nhà máy EVN cũng phải ra chào thị trường, các thông tin đều phải được công khai.
Liệu trong 2 quý cuối năm, giá điện có tăng không, thưa ông?
Chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến hết năm sẽ không tăng, nhưng giá điện như hiện nay thấp quá. Do giá điện không hợp lý mà 14 năm qua, Việt Nam không có nhà đầu tư nước ngoài nào vào, trong khi các nước bên cạnh người ta vẫn vào. Đây là vấn đề cần phải xem xét để điều chỉnh cho phù hợp bởi mặt bằng giá điện được thiết lập trên toàn chứ không chỉ ở Việt Nam.
Xin cám ơn ông!

(Theo báo dân trí)

btp