Tin ngành điện

Quy định cùng chi trả BHYT 5%: Loanh quanh, rối như canh hẹ

Thứ hai, 19/7/2010 | 09:08 GMT+7
BS Vũ Văn Cẩn - PGĐ Sở Y tế Ninh Bình - đã lấy một ví dụ điển hình cho cái khổ của người dân với quy định cùng chi trả 5% bảo hiểm y tế. Một bệnh nhân đi khám - chữa bệnh và được phát 100 viên thuốc. Bệnh nhân thuộc diện phải cùng chi trả 5%.

BS Vũ Văn Cẩn - PGĐ Sở Y tế Ninh Bình - đã lấy một ví dụ điển hình cho cái khổ của người dân với quy định cùng chi trả 5% bảo hiểm y tế. Một bệnh nhân đi khám - chữa bệnh và được phát 100 viên thuốc. Bệnh nhân thuộc diện phải cùng chi trả 5%.

Thực hiện yêu cầu này của cơ quan bảo hiểm là bất khả thi, chị đã trả lời: Cho tôi trả lại 5 viên thuốc thay tiền.

Bệnh viện thất thu

Những người thuộc đối tượng cùng chi trả với quỹ BHYT - khi đi khám - chữa bệnh (KCB) là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Theo ông Trần Xuân Khâm, PGĐ BHXH Hà Nam, tỉnh này có khoảng 40.000 người thuộc đối tượng BHYT cùng chi trả 5%. Năm 2009, Hà Nam bội chi quỹ BHYT 37%, phần cùng chi trả đã kéo lại cho quỹ 10%. Đành rằng việc cùng chi trả là nhằm tăng tinh thần trách nhiệm, giám sát lẫn nhau của các bên liên quan. Nhưng số tiền bù đắp lại cho việc bội chi của quỹ, theo ông Khâm không bù đắp lại được thủ tục rườm rà, mất thời gian để lấy lại được số tiền đó.

BV Đa khoa tỉnh Hà Nam mỗi ngày đón tiếp khoảng 600 lượt bệnh nhân, trong đó 60 – 70% là người có thẻ BHYT. Việc làm các thủ tục liên quan đến cùng chi trả khiến không chỉ người bệnh nản lòng, mà các cán bộ, nhân viên y tế BV quay chong chóng, nhất là khi tình trạng quá tải ở BV cũng ngày càng căng thẳng. Điển hình là khoa Nội I có 35 giường bệnh mà thường xuyên có khoảng 55 – 60 bệnh nhân nội trú.

Ngày 28.6, tại cuộc họp báo thông báo kết quả 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm, Bộ Y tế thừa nhận: “Khó khăn trong thực hiện cùng chi trả, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng. Nhiều BV không thu được phần kinh phí này vì người bệnh phản ứng, không nộp. Bộ đã nhận được nhiều đơn thư của những người đang chạy thận nhân tạo, kiến nghị không thực hiện cùng chi trả đối với nhóm đối tượng này”.

TS-BS Nguyễn Cao Luận - Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai - cho biết: “Khoa có hơn 500 bệnh nhân thì quá nửa thuộc đối tượng bệnh nhân nghèo. Dù là cùng chi trả 5% hay 20% thì đều là gánh nặng không thể trả của họ. Khoảng 1/3 số bệnh nhân chạy thận nghèo tại khoa đã làm đơn xin miễn - giảm viện phí”.

Tuy cơ quan BHXH không tách rời số thanh toán riêng cho đối tượng cùng chi trả 5% nhưng năm 2009, số thanh toán cho người nghèo khám - chữa bệnh là 2.400 tỉ đồng, chiếm 16,7% tổng thanh toán KCB. Không cần tính toán nhiều, cũng thấy số thời gian mất đi để thực hiện các thủ tục cùng chi trả quá lớn.

Càng chữa càng rối


Nhận được kiến nghị của nhiều địa phương, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương trích từ nguồn Quỹ khám - chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo 139 hỗ trợ cho bệnh nhân cho các bệnh nhân nghèo, bị bệnh mạn tính phần cùng chi trả này.

Không có tiền cùng chi trả 5%, người nghèo chọn giải pháp trả 5% số thuốc BHYT được lĩnh.

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết: “15 triệu người nghèo đã được Nhà nước mua BHYT. Do vậy, Quyết định 139 tới đây sẽ được sửa đổi theo hướng là nguồn tài chính hỗ trợ người nghèo không có khả năng cùng chi trả 5% chi phí khám - chữa bệnh. Dự thảo đang hoàn thiện trình Chính phủ”.

Trong khi chờ sửa đổi Quyết định 139, Bộ Y tế cho biết, chưa có nhiều địa phương chủ động dùng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện cùng chi trả 5%. Ba tỉnh đã chủ động hỗ trợ là TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Nam. Với phần lớn các tỉnh, bệnh nhân nghèo không thể cùng chi trả chỉ còn lựa cách xin bác sĩ cho về, hoặc chừa lại 5/100 viên thuốc như người bệnh mà BV Vũ Văn Cẩn đã phản ánh như ở trên.

Luật quy định người bệnh phải cùng chi trả 5%, rồi lại tìm nguồn quỹ khác để chi trả nốt cho họ số tiền 5% đó. Tóm lại là vẫn là thanh toán 100% cho người nghèo KCB, vậy sao phải lấy chỗ này đập vào chỗ khác như một vòng luẩn quẩn, khiến cho người dân chóng mặt, còn cơ quan thực thi chính sách than trời.

Danh sách người nghèo ở địa phương l do sở lao động – thương binh – xã hội lập, chuyển sang sở y tế. Số tiền được cấp từ sở tài chính và danh sách người nghèo này lại được sở y tế chuyển giao cho BHXH để mua thẻ. Vì sao thủ tục cấp thẻ không được bàn giao trực tiếp từ sở LĐTBXH sang BHXH, lại phải qua tầng trung gian là sở y tế cho thêm một lần loanh quanh nữa?

(Theo báo lao động)

btp