Cuộc thương lượng giữa Hội Nông dân và các sở, ngành liên quan cùng UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM với Công ty Vedan về mức bồi thường thiệt hại cho nông dân sáng 20-7 diễn ra rất gay cấn.
Suýt chút nữa phải dừng lại do sự “không hiểu” của Vedan.
|
Ông Nguyễn Lam Sơn - nông dân đầu tiên ở Đồng Nai quyết tâm kiện Vedan ra tòa - Ảnh: HÀ MI |
|
Ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, chất vấn Vedan tại cuộc thương lượng ngày 20-7 - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU |
Luật sư Trần Văn Khanh, tư vấn pháp lý của Vedan, lặp lại những điều mà phía Vedan từng cho là “không hiểu”. Đại diện phía TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu lập tức phản ứng.
Tiếp tục kỳ kèo
Ông Yang Kun Hsiang, tổng giám đốc Vedan, phải “xuống nước” và mong muốn tiếp tục được thương lượng trước khi nông dân TP.HCM khởi kiện. Chuyên gia của Vedan lại đưa ra đến sáu phương án tính toán khác nhau, theo đó tổng số thiệt hại của người dân chỉ khoảng 1,78-17,95 tỉ đồng.
Vedan cho rằng chỉ có thể thương lượng quanh con số 12 tỉ đồng. Điều đáng ngạc nhiên là khi tính sản lượng đánh bắt thiệt hại, phía Vedan lại vận dụng số liệu mật độ loài cá ở lưu vực... sông Hồng và sông Mekong. Chuyên gia của Viện Môi trường và tài nguyên (MT-TN) bảo vệ quan điểm và số liệu tính toán thiệt hại với kết quả hơn 45,7 tỉ đồng như đã thông báo trước đó.
“Đó là chúng tôi chưa tính toán tổn thất về môi trường, sinh thái và sức khỏe người dân trong từng đó năm. Chưa kể sau khi bị phát hiện, Vedan đã phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải như công ty báo cáo là lên đến 31 triệu USD. Nếu Vedan chấp hành pháp luật, đầu tư xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước thải trong mười mấy năm qua thì chi phí đó phải là bao nhiêu?” - đại diện Viện MT-TN lập luận.
Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn cho rằng theo tính toán dựa trên những số liệu về diện tích mặt nước và sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mà địa phương quản lý thì tổng số thiệt hại gấp nhiều lần con số Vedan đưa ra.
Theo ông Sơn, nếu chỉ tính tỉ lệ trách nhiệm kiểu “cộng lại chia đôi” với 26,3% cho vùng ô nhiễm nghiêm trọng và 8,75% cho vùng ô nhiễm (theo tính toán của Viện MT-TN là 30,3% và 10,1%) thì tổng số thiệt hại tương ứng của người dân Cần Giờ là trên 32 tỉ đồng. “Tôi đề nghị bàn gì thì bàn cũng không thể thấp hơn con số này” - ông Sơn nói. Đến đây, Vedan lại hoãn binh và xin thêm thời gian để tính toán lại. Hai bên thống nhất cuộc gặp cuối cùng sẽ diễn ra ngày 22-7 tại UBND huyện Cần Giờ.
* Cũng trong ngày 20-7, các công chứng viên và cán bộ nghiệp vụ của Phòng công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) đã có mặt tại huyện Cần Giờ để công chứng thủ tục ủy quyền của người dân bị thiệt hại cho luật sư và cán bộ Hội Nông dân huyện Cần Giờ làm đại diện khởi kiện. Ông Từ Dương Tuấn, phó trưởng phòng, cho biết việc công chứng hoàn tất ngay trong ngày, ngoài 50% lệ phí công chứng được giảm, 50% còn lại cán bộ nhân viên của phòng trích một ngày lương để tặng cho nông dân.
Đồng Nai làm chưa đúng
Chiều 20-7, ông Đào Duy Lượng - phó chủ tịch trung ương Hội Nông dân VN - đã làm việc với lãnh đạo Hội Nông dân Đồng Nai để lắng nghe và thúc đẩy tiến độ giải quyết vụ nông dân bị thiệt hại do Vedan gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh này.
Ông Lượng khẳng định cách làm của Hội Nông dân Đồng Nai như vừa qua là chưa đúng. Ông Lượng chỉ đạo riêng người dân bị thiệt hại muốn khởi kiện Vedan thì các cấp hội có người bị thiệt hại phải tiếp nhận, tư vấn và hướng dẫn cho họ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngoài cuộc họp, ông Lượng cho biết: “Sau khi làm việc với Hội Nông dân Đồng Nai, chúng tôi sẽ đi khảo sát thực tế và có văn bản đề nghị Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh giải quyết vụ việc Vedan. Làm sao trong khoảng thời gian nửa tháng nữa UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở TN-MT, Sở NN&PTNT có kết quả xác minh thiệt hại cụ thể để giải quyết việc đền bù cho nông dân”.
(Theo báo tuổi trẻ)