Tin ngành điện

Cơ chế nào giám sát thị trường tài chính hiệu quả?

Thứ sáu, 7/11/2008 | 13:24 GMT+7
Câu hỏi này được giới nghiên cứu và các cơ quan chức năng đặt ra trong bối cảnh có bất ổn trên thị trường tài chính thế giới cũng như kinh tế trong nước.
Câu hỏi này được giới nghiên cứu và các cơ quan chức năng đặt ra trong bối cảnh có bất ổn trên thị trường tài chính thế giới cũng như kinh tế trong nước.

Thị trường tài chính Mỹ và châu Âu được xem là "già dặn" và "cứng cỏi" với nhiều biến cố lớn trong lịch sử vẫn ngỡ ngàng khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát. Trong khi đó, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia của Việt Nam mới được thành lập hơn 8 tháng.

Chưa định hình cơ chế giám sát tài chính

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia có chức năng chủ yếu là tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, thị trường tiền tệ không tách rời với các thị trường khác và các chính sách tiền tệ cũng có mối liên hệ với chính sách tài khóa.

Do đó, chức năng thực tế của Uỷ ban là tham mưu cho Chính phủ về các chính sách kinh tế chung, đi sâu vào chính sách tài chính, tiền tệ.

Về chuyên môn, Uỷ ban đang tập trung củng cố hệ thống thông tin. Theo ông Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban, hiện nay thông tin của chúng ta chưa đầy đủ, chưa chính xác và thống nhất.

Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thông tin được Uỷ ban xây dựng phải hoàn toàn độc lập với tất cả các kênh thông tin hiện hành của Chính phủ.

Ba kênh thông tin chủ yếu đang triển khai là: đề nghị các định chế tài chính báo cáo trực tiếp cho Uỷ ban theo mẫu biểu của Uỷ ban; đề nghị các bộ ngành liên quan báo cáo theo kênh của các cơ quan báo cáo cho nhau và khai thác các kênh thông tin quốc tế, nối mạng với các tổ chức tài chính, các cơ quan giám sát quốc tế để được cung cấp tình hình rộng hơn và tiếp cận góc nhìn tình hình kinh tế Việt Nam từ bên ngoài.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá độc lập với việc xem xét các thông lệ quốc tế trong điều kiện Việt Nam. Như vậy, cơ quan giám sát này vẫn còn trong quá trình xây dựng sơ khai, chưa định hình về cơ chế hoạt động, mô hình giám sát, mục tiêu hành động.

Về mặt tiền tệ, thanh tra ngân hàng được tổ chức thành bộ máy thuộc Ngân hàng Nhà nước - thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại Trung ương và thanh tra tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, chịu sự chỉ đạo của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, mô hình tổ chức của thanh tra ngân hàng hiện nay thể hiện tính chia cắt, song trùng lãnh đạo. Thanh tra chi nhánh vừa chịu sự chỉ đạo của cả Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Về thị trường chứng khoán, ông Lai cũng cho rằng, đến nay vẫn chưa xác định được mô hình nào là chuẩn cho thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán, họat động thanh tra giám sát còn bị coi nhẹ, phân tán và mang tính tự phát, chưa kiểm soát được thị trường OTC và thị trường tự do.

Đối với thị trường bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập năm 1999. Đây là một định chế khá mới ở Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới chi chưa đầy 20 tỷ VND để bảo hiểm cho người gửi tiền ở hơn 10 quỹ tín dụng nhân dân sau khi tuyên bố giải thể.

"Thu nhập của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là nguồn phí bảo hiểm từ các tổ chức tín dụng, nhưng nghiệp vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam dường như thoát ly hoàn toàn với gánh nặng rủi ro mà các tổ chức tín dụng nộp phí phải đối mặt, xác suất phải thanh toán bảo hiểm cho người gửi tiền rất thấp vì phải chờ đối tượng bảo hiểm bị công bố phá sản hay giải thể thực sự bằng văn bản thì bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới vào cuộc", TS. Lai nói.

"Tại Việt Nam, hoạt động của tổ chức này chưa ngang tầm tổ chức bảo hiểm trên thế giới để có thể góp sức trong họat động giám sát và chia sẻ thông tin chung. Đã đến lúc cần nhận thức rõ hơn, vị trí vai trò của cơ quan bảo hiểm tiền gửi với tư cách là một định chế có vai trò giám sát, chia sẻ rủi ro và xử lý đổ vỡ khi có khủng hoảng xảy ra", TS. Đinh Dũng Sỹ, Phó trưởng Ban Xây dựng Pháp luật Văn phòng Chính phủ, nhận định.

Rõ ràng là, tự do hóa thị trường tài chính mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, tạo ra cơ chế phân bổ vốn hiệu quả hơn, tạo sự luân chuyển vốn giữa các quốc gia.

Nhưng tự do hóa thị trường tài chính cũng chứa đựng nhiều rủi ro có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô và khủng hoảng thị trường tài chính khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đột ngột rút ra khỏi quốc gia, nhất là trong điều kiện chuẩn mực quản lý còn yếu kém, tự do hóa thị trường tài chính làm cho vấn đề bất đối xứng về thông tin trên thị trường tài chính trở nên trầm trọng hơn.

Cần một cơ chế giám sát tài chính thận trọng

Vì vậy, một cơ chế giám sát thị trường tài chính thận trọng và hiệu quả sẽ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định hệ thống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tính chất của cơ chế giám sát này nên phụ thuộc vào đặc điểm của từng quốc gia thông qua rất nhiều nhân tố bao gồm trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm của khuôn khổ pháp lý và tổ chức, cấu trúc của hệ thống tài chính, mức độ vận dụng các quy luật thị trường để hỗ trợ cho việc quản lý rủi ro trong các định chế tài chính. Chính vì vậy, khó có thể có được một mô hình giám sát chung cho tất cả các nước.

Phát biểu tại hội thảo về Cơ chế giám sát thị trường tài chính Việt Nam và Trung Quốc ngày 6/11, TS.Lê Quốc Lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ cho rằng: "Không nên khuyến khích trở lại quản lý tập trung như ngày xưa, nhưng cũng không khuyến khích cho chủ nghĩa tự do. Tập trung thái quá nền kinh tế yếu kém nhưng tự do hóa thái quá cũng dẫn đến sụp đổ. Cần tự do trong sự giám sát. Giám sát không cần phải to mà cần phải có trí tuệ, có khả năng cảnh báo sớm. Người giám sát rất cần có chữ tâm".

Khi Alan Greenspan, Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), "người hùng" một thời của phố Wall, thừa nhận sai lầm vì quá tin tưởng vào cơ chế tự do vận hành của các định chế tài chính, cũng là lúc đã có nhiều ý kiến hoài nghi, sự đổ vỡ của thị trường tài chính Mỹ có phải do hành vi tự do thái quá của các định chế tài chính mà lý thuyết "bàn tay vô hình" đã không còn có thể kiểm soát.

Đây là vấn đề tiếp tục gây tranh cãi ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong khi đó, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, sự khốn đốn của thị trường tài chính Mỹ hiện nay là bài học quý giá cho một thị trường tài chính non trẻ như Việt Nam.

Thiết nghĩ, cơ chế đối chất của Quốc hội Mỹ và tinh thần chịu trách nhiệm của một "cây đại thụ" như Alan Greenspan cũng nên được xây dựng cùng cơ chế giám sát thị trường tài chính của chúng ta hiện nay.
Theo vneconomy
btp