5 thách thức kinh tế chờ tân tổng thống Mỹ
Thứ tư, 5/11/2008 | 08:36 GMT+7
Ngày 4/11, người dân trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu để chọn ra vị tổng thống thứ 44 của họ.
Ngày 4/11, người dân trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu để chọn ra vị tổng thống thứ 44 của họ.
Cho dù là ai trong số hai ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa, vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng sẽ phải đặt nhiệm vụ “hồi sinh” nền kinh tế lớn nhất thế giới lên vị trí ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, để làm được điều này, tân tổng thống Mỹ có 5 việc cơ bản phải làm dưới đây:
1. Đưa ra kế hoạch kinh tế mà ai cũng đồng tình
“Nhiệm vụ đầu tiên mà tân tổng thống phải làm là đưa ra một kế hoạch kinh tế mà ai cũng đồng tình và kế có thể khôi phục lại niềm tin cho thị trường”, ông Peter J. Tanous, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Lynx có trụ sở ở Washington D.C nhận xét.
Sự vắng bóng của một kế hoạch nhất quán cho việc “phản công” khủng hoảng đã khiến Chính phủ Mỹ gặp trở ngại trong việc ngăn chặn những thiệt hại kinh tế do “cơn bão” tài chính hiện nay gây ra. Các chính trị gia đảng Cộng hòa theo đường lối thị trường tự do bấy lâu nay vẫn liên tục xung đột với các thành viên đảng Dân chủ có quan điểm can thiệp vào thị trường.
Kết quả của cuộc xung đột này là những quy định và những chính sách tiền tệ “xung khắc” lẫn nhau, khiến các ngân hàng có thể dễ dàng tiếp cận vốn hơn, nhưng lại lưỡng lự trong việc dùng tiền đó để cho vay.
2. Tạo dựng niềm tin cho thị trường
Phần lớn giới phân tích thị trường đều dự báo, sau cuộc bầu cử, ít nhất thị trường chứng khoán Mỹ ít nhất cũng tăng điểm nhẹ. Họ cũng kỳ vọng về một sự thay đổi tâm lý theo chiều hướng tích cực có thể tạo ảnh hưởng trên diện rộng trong nền kinh tế.
Nhưng để làm được điều này, ngay từ đầu, tân tổng thống phải chứng tỏ được, ông là một vị tổng thống phù hợp với các vấn đề kinh tế.
Kinh tế gia trưởng Kurt Karl của tập đoàn dịch vụ tài chính và tái bảo hiểm Swiss Re nhận xét: “Vấn đề quan trọng hàng đầu là niềm tin. Tổng thống mới sẽ phải làm việc cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch FED và các nhà chức trách khác để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ vượt qua khó khăn”.
Bên cạnh đó, tổng thống mới cũng cần giải quyết triệt để vấn đề vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế trong cuộc khủng hoảng hiện nay bằng những động thái chính sách phối hợp toàn câu hợp lý.
“Khủng hoảng là một vấn đề toàn cầu, và việc hợp tác với các đối tác lớn sẽ giúp tăng cường niềm tin”, nhà kinh tế này nhận xét. Cũng theo chuyên gia này, trong hợp tác quốc tế giải quyết khủng hoảng, tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng hơn là thay đổi tâm lý của thị trường theo hướng tích cực.
3. Giải quyết “đống đổ nát” ngân hàng và địa ốc
Vực dậy ngành ngân hàng bằng cách nào sẽ là một trong những vấn đề “đau đầu” nhất mà tân tổng thống Mỹ phải đương đầu.
Tới thời điểm này, những biện pháp mạnh và chưa từng có tiền lệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để khơi thông dòng chảy tín dụng xem ra thất bại. Số ngân hàng bị đóng cửa cũng liên tục tăng lên. Bên cạnh đó, mỗi ngày, có tới hàng ngàn người vay tiền mua nhà ở Mỹ bị tịch biên nhà.
Với thực tế này, vị tổng thống mới sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng xem nên giúp các tổ chức tài chính tới mức độ nào, và quan tâm ở mức độ nào tới những người vay tiền mua nhà đang gặp khó khăn.
“Tôi cho rằng, thách thức đối với tân tổng thống trong vấn đề này sẽ là tham gia vào việc cơ cấu lại hệ thống tài chính để đem lại một hệ thống lành mạnh hơn, nhằm tránh được những thảm họa kiểu này trong tương lai, kinh tế gia trưởng David Ressler của công ty chứng khoán Nomura Securities ở New York nhận xét.
Nhà kinh tế này cho rằng, công việc này sẽ là một quá trình dài và cần tới sự cân nhắc kỹ lưỡng. Ông bày tỏ sự lo ngại rằng, có thể giai đoạn “cửa số” 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mà mọi người đánh giá về tân tổng thống có thể dẫn tới những quyết định vội vàng gây lãng phí trong dài hạn.
Bên cạnh đó, người vay tiền mua nhà ở Mỹ cũng cần được giúp đỡ để giải quyết gánh nặng nợ nần của họ. Cả hai ứng cử viên đều đã đề xuất các biện pháp cho vấn đề này, trong đó, ông McCain đề xuất việc Chính phủ mua lại các khoản nợ địa ốc xấu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, niềm tin là điều quan trọng hơn cả trong việc giải quyết vấn đề kinh tế nào của nước Mỹ hiện nay. Nếu ở lĩnh vực nào, Chính phủ cũng can thiệp sâu, tình hình có thể lại xấu đi thêm.
4. Ít có cơ hội tăng thuế
Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch tăng thuế đối với bất kỳ đối tượng nào trong tình hình kinh tế hiện nay đều sẽ bị phản đối mạnh mẽ. Trong khi đó, ứng cử viên Obama có dự định tăng thuế đối với tầng lớp thu nhập cao nếu ông được bầu làm tổng thống.
“Tôi hy vọng, việc tăng thuế sẽ không xảy ra, vì nếu bất kỳ loại thuế nào được tăng trong điều kiện hiện nay, đó sẽ là thảm họa”, chuyên gia Tanous - Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Lynx có trụ sở ở Washington D.C nói.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại về mức thâm hụt ngân sách liên bang có thể lên tới cả ngàn tỷ USD.
Do đó, một khó khăn lớn nữa mà vị tổng thống thứ 44 của Mỹ phải đối mặt là “kẹt” giữa thâm hụt ngân sách khổng lồ và những trở lại trong vấn đề tăng thuế.
“Làm thế nào để bù đắp cho mức thâm hụt cả ngàn tỷ USD này? Làm thế nào để đánh thuế cao hơn mà không khiến kinh tế giảm tốc hơn nữa? Quả thực đây là những câu hỏi rất khó trả lời”, nhà phân tích Boyle của công ty Chapin Hill nhận xét.
Thậm chí, có nhà phân tích cho rằng, thay vì tăng thuế, tân tổng thống nên nghĩ tới chuyện giảm thuế cho dân.
5. Kiên nhẫn
Theo các chuyên gia, với các giải pháp nói trên, kinh tế Mỹ sẽ có đủ thời gian để phục hồi. Nhưng sự kiên nhẫn - điều vô cùng có giá trị trong thời gian tới đối với nước Mỹ - lại là một thứ vốn “xa xỉ” ở Washington.
“Hiện nay, niềm tin trong ngành tài chính đã sụt giảm xuống mức chưa từng có, do đó, phục hồi niềm tin là điều vô giá lúc này. Nhưng để làm được điều này, cần phải có thời gian, và thị trường địa ốc phải chạm đáy cái đã”, nhà kinh tế Karl nhận xét.
Mặt khác, tân tổng thống và các nhà làm luật sẽ cần có thời gian để xem chính sách nào của Chính phủ có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế. Quá trình này cần tiếp diễn trong lúc nền kinh tế và thị trường tài chính trên đường phục hồi.
“Điều cần làm là phải điều chỉnh kế hoạch giải cứu và phân tích xem chính sách nào có hiệu quả, chính sách nào không, vì khi những vấn đề hiện nay xảy đến, chúng ta có quá ít thời gian để đưa ra biện pháp giải quyết”, nhà kinh tế Tanous nói.
btp