Tin ngành điện

Công ty Điện lực Hải Phòng: Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp tới hộ nông dân — Khách hàng sẽ hưởng lợi

Thứ ba, 4/11/2008 | 13:16 GMT+7
Thành phố Hải Phòng hiện có 143 xã, trong đó 142/143 xã đã dùng lưới điện Quốc gia (đạt 99,3%) với tổng số hộ nông thôn sử dụng điện là 200.247 hộ/200.325 hộ), còn xã Việt Hải, huyện đảo Cát Bà (78 hộ dân) sử dụng điện từ máy phát điện độc lập. Việc cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân do nhiều mô hình tổ chức quản lý, đến nay đã không phù hợp với sự phát triển của nông thôn. Hơn nữa, khách hàng sử dụng điện rất thiệt thòi khi giá bán điện của các tổ chức hợp tác xã (HTX) luôn cao hơn giá trần do Chính phủ quy định.

Hệ thống lưới điện nông thôn đang dần được cải tạo

Thành phố Hải Phòng hiện có 143 xã, trong đó 142/143 xã đã dùng lưới điện Quốc gia (đạt 99,3%) với tổng số hộ nông thôn sử dụng điện là 200.247 hộ/200.325 hộ), còn xã Việt Hải, huyện đảo Cát Bà (78 hộ dân) sử dụng điện từ máy phát điện độc lập. Việc cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân do nhiều mô hình tổ chức quản lý, đến nay đã không phù hợp với sự phát triển của nông thôn. Hơn nữa, khách hàng sử dụng điện rất thiệt thòi khi giá bán điện của các tổ chức hợp tác xã (HTX) luôn cao hơn giá trần do Chính phủ quy định.

Hệ thống lưới điện nông thôn của Hải Phòng được xây dựng cách đây nhiều năm (phần lớn từ 20 - 40 năm). Việc xây dựng lưới điện hạ áp nông thôn chủ yếu để bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên các trạm biến áp cấp điện thường ở xa dân cư. Sau đó, các xã mới đầu tư xây dựng đường dây hạ áp kéo điện từ các trạm biến áp này về sử dụng sinh hoạt. Lưới điện hạ áp chắp vá, do nguồn vốn đầu tư nhỏ giọt, hạn hẹp nên hầu hết đường dây không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; đường dây dài (bán kính cấp điện lớn), tiết diện dây dẫn nhỏ và nhiều chủng loại, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với việc cung cấp điện năng. Trong quá trình vận hành, khai thác sử dụng, hệ thống lưới điện hầu như không được đầu tư sửa chữa nên càng ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Công tơ đo đếm điện năng tại khu vực nông thôn Hải Phòng đều do các HTX dịch vụ điện năng, doanh nghiệp tư nhân... mua trôi nổi trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau (chủ yếu là công tơ Trung Quốc). Qua nhiều năm, số công tơ này không được kiểm tra, kiểm định định kỳ theo tiêu chuẩn pháp lệnh đo lường của Nhà nước. Hầu hết hộp bảo vệ công tơ là các can nhựa, hộp gỗ, hộp sắt tự tạo không có tiếp địa, không đúng kỹ thuật, mất an toàn và mỹ quan. Chính vì vậy, tình trạng tổn thất điện năng của các địa phương khá cao, phổ biến từ 15 – 30 %, làm cho giá bán điện tới hộ dân nông thôn ngày càng tăng, chất lượng điện năng không đảm bảo, không khuyến khích phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Hơn nữa, chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức quản lý điện nông thôn còn non yếu, ít kinh nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên chưa thực hiện đúng các quy định, quy trình quản lý đề ra.

Về quản lý kỹ thuật, hầu hết các tổ chức HTX quản lý bán điện nông thôn ở Hải Phòng đều có quy mô nhỏ nên không có kinh phí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp lưới điện. Các tổ chức HTX mua bán điện ít am hiểu chuyên môn trong quản lý sử dụng điện nên không đủ trình độ để hướng dần khách hàng sử dụng điện an toàn, hợp lý, tiết kiệm. Việc xử lý sự cố điện thường bị lúng túng chậm trễ, thậm chí đã xảy ra chết người do bị điện giật…

Xuất phát từ thực trạng trên, được sự nhất trí của các cấp đảng và chính quyền Thành phố và sự chỉ đạo của EVN, Công ty Ðiện lực Hải Phòng cùng các địa phương thoả thuận bàn giao toàn bộ hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty để đầu tư, cải tạo và bán điện đến từng hộ nông dân. Do lưới điện hạ áp nông thôn được hình thành từ nhiều nguồn vốn: Vốn nhà nước, tập thể, cá nhân…vì vậy, trường hợp địa phương yêu cầu hoàn trả vốn thì thực hiện hoàn trả dần phần vốn đầu tư của cá nhân và tập thể đóng góp hiện nằm trong giá trị tài sản còn lại của lưới điện vào thời điểm tiếp nhận.

Công ty Ðiện lực Hải phòng là đơn vị chuyên ngành quản lý, kinh doanh bán điện có thương hiệu với cơ sở hạ tầng vững chắc, có hệ thống thiết bị quản lý tối ưu, khoa học. Ðội ngũ CBCNV được đào tạo chuyên ngành, trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm và truyền thống quản lý hệ thống điện; có chương trình phần mềm quản lý thông tin dịch vụ khách hàng CMIS, Chương trình kế toán EMIS và được thực hiện thống nhất toàn Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Trên nhiều tuyến đường dây đã lắp đặt hệ thống đọc chỉ số công tơ từ xa qua đường truyền số liệu. Công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ dân sẽ tạo được sự công bằng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng điện, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn tại thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, một số tổ chức HTX đang quản lý lưới điện và bán điện đến hộ nông dân không muốn bàn giao cho Công ty vì họ đang được hưởng lợi từ nguồn chênh lệch giá bán điện ưu đãi của Chính phủ đối với nông thôn. Ðây cũng là một trong những trở ngại lớn đối với công tác tiếp nhận hệ thông lưới điện hạ áp nông thôn của của Công ty Ðiện lực Hải Phòng.

Mục đích của Công ty Ðiện lực Hải phòng tiếp nhận đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn, trực tiếp bán điện đến tận hộ dân là nhằm đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện được bình đẳng giữa nội, ngoại thành, cùng hưởng chung một giá bán điện bậc thang thứ nhất là 550 đ/kWh (các HTX mua bán điện đang bán giá 700đ/kWh), vì hầu hết các hộ dân nông thôn chỉ sử dụng sản lượng điện tiêu thụ bình quân ≤ 100 kWh/tháng. Ðồng thời, Công ty bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn sẽ tăng thu ngân sách cho Thành phố, Công ty cũng sẽ đỡ một phần bù lỗ giá bán buôn điện qua công tơ tổng mà các tổ chức quản lý điện nông thôn đang được hưởng lợi nhưng lại không phải nộp ngân sách cho Nhà nước.

Hiện nay, Công ty Ðiện lực Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo Tiếp nhận lưới điện hạ áp, bán điện đến hộ nông thôn do Giám đốc Công ty trực tiếp làm trưởng ban. Việc tiếp nhận, đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp, lắp đặt công tơ đo đếm đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn với số vốn đầu tư dự kiến sẽ lên tới 500 tỷ đồng để phục vụ cho 150.200 khách hàng thuộc khu vực nông thôn là một thách thức lớn đối với Công ty. Chính vì vậy, nhiệm vụ của CBCNV Ðiện lực Hải phòng là đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, đầu tư cải tạo lưới điện, tăng cường công tác quản lý kinh doanh, quản lý kỹ thuật để giảm tổn thất điện năng. Ðồng thời, nâng cao chất lượng điện phục vụ cho khách hàng, góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân khu vực nông thôn của Thành phố Hoa phượng đỏ.

Theo: TCĐL số 9/2008

btp