Hiện vẫn còn 230 xã và gần 1 triệu hộ dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao chưa có điện. Theo kế hoạch, đến năm 2050, 100% hộ dân đều được dùng điện…
Cùng với việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam được đánh giá đạt 5 mục tiêu về thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, trong đó có mục tiêu giảm nghèo với tốc độ 7 - 8%/năm, không gia tăng khoảng cách giàu, nghèo và đang từng bước trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo, điện khí hóa nông thôn là một phần quan trọng trong chương trình của Chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề phát triển không đồng đều và tăng phúc lợi xã hội thông qua nguồn chiếu sáng tin cậy, cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và các dịch vụ khác tốt hơn cho vùng nông thôn, đồng thời là điều kiện tối cần thiết để thực hiện chiến lược CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển điện ở nông thôn và kết quả đạt được thật đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2007, 100% số huyện trên cả nước đã có điện, 97% số xã có điện và 93,35% số hộ nông thôn có điện. Tính bình quân trong giai đoạn từ 1997 - 2007, cứ sau hơn 1 ngày, nước ta có thêm 1 xã được cấp điện và thêm khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được dùng điện. Hiện vẫn còn 230 xã và gần 1 triệu hộ dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao chưa có điện. Theo kế hoạch thì từ nay đến năm 2015, chúng ta phấn đấu đưa điện tới hơn 3% số xã và khoảng 1,65% số hộ dân nông thôn còn lại trong cả nước và đến năm 2050 thì 100% hộ dân đều được dùng điện.
Tuy nhiên, để điện nông thôn thật sự hữu ích đối với bà con nông dân, ông Doãn Văn Tỏa, Phó Ban chính sách và phát triển - Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng, bên cạnh việc phấn đấu đưa điện đến 100% hộ dân trên phạm vi cả nước cần phải đưa ra các giải pháp giảm giá điện ở khu vực nông thôn nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện. Thời gian qua, do tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn lớn nên người dân phải chịu giá điện cao hơn nhiều so với giá mà Nhà nước quy định.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng: Huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn để phát triển lưới điện
* Xin ông cho biết những khó khăn gặp phải khi tiến hành việc đưa điện về nông thôn này?
Đầu tư phát triển điện nông thôn thuộc dạng đầu tư kết cấu hạ tầng có hiệu quả nhiều mặt về chính trị, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế, góp phần CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, do đặc đặc điểm khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa không thuận lợi cho việc kéo đường dây, mật độ phụ tải phân tán nên chi phí đầu tư lớn, tổn thất điện năng cao, trong khi mức sử dụng điện của các hộ dân thấp. Chỉ tiêu tài chính của các dự án điện nông thôn thường rất kém, thậm chí có nhiều dự án không có khả năng thu hồi vốn.
* Hiện tại vẫn còn 230 xã và gần 1 triệu hộ dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao chưa có điện. Chúng ta có giải pháp gì để đến năm 2050, 100% hộ dân được sử dụng điện, thưa ông?
Để phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, chúng ta đang huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn bao gồm: ngân sách Trung ương và địa phương, vốn vay ưu đãi từ tổ chức quốc tế, nguồn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài, vốn của nhân dân đóng góp, của ngành điện. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển điện ở nông thôn, Điều 60, Luật Điện lực quy định: Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động phát điện, phân phối điện, kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư; lãi suất vay vốn đầu tư; ưu đãi về thuế. Tại Điều 61, Luật Điện lực, cũng quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đơn vị điện lực hoạt động tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế. Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lưới điện hoặc các trạm phát điện sử dụng năng lượng tại chỗ, năng lượng tái tạo, năng lượng mới để cung cấp cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
* Nhân dân đang quan tâm tới 13 dự án điện mà EVN trả lại. Bộ Công thương đã có ý định giao những dự án này cho đơn vị nào thực hiện chưa, thưa ông?
Bộ Công thương đang có ý định, những trung tâm điện lực phía Bắc sẽ giao cho Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đảm nhận. Các dự án phía Nam cần nguồn vốn đầu tư lớn sẽ giao cho các nhà đầu tư nước ngoài đảm nhiệm thông qua hình thức đấu thầu. Chúng tôi đang xem xét, nghiên cứu kỹ các phương án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Doãn Văn Tỏa, Phó Ban chính sách và phát triển - Liên minh HTX Việt Nam: Nông dân đang phải chịu giá điện cao
Khi điện về nông thôn, người dân được tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tập quán sản xuất, từ sản xuất thủ công hướng sang sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hiện đang tồn tại nhiều mô hình quản lý điện ở nông thôn, trong đó mô hình HTX chiếm 54%, mô hình do EVN quản lý 39%, mô hình do doanh nghiệp, công ty, cá nhân quản lý chiếm 6%.
Mặc dù giá bán điện ở khu vực nông thôn do Chính phủ quy định nhưng do tổn thất điện ở khu vực nông thôn lớn nên có nhiều nơi, người dân phải chịu giá bán cao hơn giá Nhà nước quy định. Năm 2007, Bộ Công thương và Liên minh HTX Việt Nam phối hợp đi kiểm tra toàn bộ các mô hình kinh doanh điện trên địa bàn cả nước. Kết quả là các đơn vị kinh doanh điện ở nông thôn tổn thất điện năng từ 20 - 22%, thực tế có thể còn cao hơn. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu tổn thất điện năng từ 25% giảm xuống còn 15%, thì mỗi năm, cả nước cũng tiết kiệm được trên 6 tỉ Kwh điện. Vì vậy, trong điều kiện thiếu điện như hiện nay, giảm tổn thất điện năng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng phòng kinh doanh, EVN: 4 giải pháp giảm tổn thất điện
Trong chương trình điện khí hóa nông thôn, Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo. Công việc lớn nhất mà EVN đảm nhiệm trong thời gian qua là xây dựng toàn bộ lưới điện truyền tải đến tất cả các tỉnh, huyện trong cả nước. Trong hơn 10 năm qua, EVN đã truyền tải, phân phối điện đến hơn 4.000 xã. Chỉ tính riêng hai dự án lớn là Dự án điện khí hóa nông thôn miền Nam và Dự án năng lượng nông thôn I, đã cung cấp điện đến đến từng hộ gia đình cho 2.000 xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất. Từ năm 2000, các đơn vi trong tập đoàn đang tích cực phối hợp với các địa phương hoàn thiện mô hình quản lý điện trên toàn quốc. Hiện nay, 17 tỉnh ở miền Nam, 3 tỉnh miền Bắc, 2 tỉnh miền Trung, EVN đã thực hiện bán điện trực tiếp đến từng hộ gia đình.
Có 4 giải pháp để giảm tổn thất điện năng. Thứ nhất, công trình đầu tư lưới điện nông thôn phải tuân thủ kỹ thuật do Nhà nước ban hành thông qua việc kiểm soát chặt chẽ vật tư, kỹ thuật đưa lên lưới. Thứ hai, công trình sau khi xây dựng phải được duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và năng lực quản lý. Thứ tư, phải có biện pháp quản lý điện tốt, xử lý nghiêm hành vi ăn cắp điện./. |