Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra quyết định: Tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế nông thôn để EVN bán điện trực tiếp đến tận hộ dân.
Mục tiêu của EVN từ nay đến năm 2010, khoảng 7,2 triệu hộ dân nông thôn của 4.945 xã (chiếm trên 55% số hộ nông thôn cả nước) sẽ được hưởng mức giá điện bậc thang hiện hành. Tổn thất điện năng của lưới nông thôn đang ở ngưỡng 25% sẽ được đưa xuống mức 7-8%.
Xoá bất hợp lý
Chính phủ có chủ trương lớn từ năm 2002, ưu đãi giá điện bán qua côngtơ tổng cho các hộ dân nông thôn chỉ là 390đ/kWh. Bộ Công nghiệp (cũ) ban hành Quyết định 27, quy định đến giữa năm 2004, tất cả các địa phương hoàn thiện chuyển đổi các mô hình kinh doanh điện nông thôn, kéo về giá trần 700đ/kWh theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh điện năng vẫn phổ biến. Giá điện nông thôn cao vẫn "ngất trời".
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, đến tháng 6.2008, cả nước vẫn còn 56,7% số xã và 7,2 triệu hộ nông thôn do các tổ chức của địa phương quản lý, kinh doanh bán điện. Giá điện mua của ngành điện qua côngtơ tổng chỉ là 390đ/kWh, nhưng các tổ chức này bán điện đến hộ dân là 700đ/kWh cho mục đích sinh hoạt, từ 1.000-1.300đ/kWh cho các mục đích khác. Nhiều nơi giá điện bị đội lên vô tội vạ do tổn thất điện năng cao, lưới điện cũ nát, chắp vá, không được đầu tư, cải tạo nhiều năm.
Theo tính toán của EVN, với mức tổn thất trung bình là 25% và sản lượng điện do các mô hình sản xuất, kinh doanh điện nông thôn sử dụng hàng năm là 6,27 tỉ kWh, thì sản lượng tổn thất điện năng mỗi năm ở khu vực này lên tới 1,25 tỉ kWh (tương đương với một nhà máy điện 300MW chạy liên tục). Nếu chỉ giảm tổn thất này xuống mức 15% thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 502 triệu kWh (tương đương với sản lượng điện mà EVN tiết giảm trên lưới cả năm 2007).
Giá điện nông thôn sẽ như giá thành thị
Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn, EVN khẳng định: Ngay trong năm đầu tiên sẽ đưa giá điện sinh hoạt nông thôn về mặt bằng chung như giá điện bậc thang thành thị. Nghĩa là với mức tiêu thụ điện bình quân của 1 hộ dân nông thôn chỉ khoảng 60kWh/tháng, thì giá điện cho 1kWh cũng chỉ ở mức 550đ. Ông Nguyễn Phúc Vinh- GĐ Cty điện lực 1 - cho biết: Với tổng số hơn 3.200 xã phải tiếp nhận trong 3 năm (2008-2010) thì số lượng khách hàng Cty phải quản lý tới đây sẽ lên tới 8 triệu hộ, gấp 4 lần số khách hàng hiện có.
Cty đã lên kế hoạch, với mức sửa chữa tối thiểu sau khi tiếp nhận, thì suất đầu tư trung bình cho 1 khách hàng 1 pha là 350.000đ/hộ; khách hàng 3 pha (các hộ tiêu thụ lớn) là 1,6 triệu đ/hộ, bao gồm tháo dỡ côngtơ cũ và lắp đặt hoàn chỉnh côngtơ mới để đo đếm chính xác điện năng. Cơ chế vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn cũng được ngành điện quyết định để lại phần chênh lệch doanh thu bán lẻ so với bán qua côngtơ tổng trước đây; vốn khấu hao cơ bản tài sản tiếp nhận và vốn do tăng tài sản từ các dự án sửa chữa, cải tạo.
Tuy nhiên, chủ trương lớn còn cần sự hậu thuẫn của chính quyền các địa phương. Tại Nam Định, Chủ tịch tỉnh ra một văn bản giao Điện lực Nam Định tiếp nhận lưới điện nông thôn không hoàn trả vốn. Đối với các tổ chức kinh doanh điện đang hoạt động, nếu không bàn giao cho ngành điện thì sau tháng 6.2010 cũng phải bán giá điện như giá Nhà nước quy định. Vì vậy, nhiều mô hình kinh doanh điện đã tự nguyện bàn giao về ngành điện hoặc chuyển sang làm dịch vụ cho EVN tại các địa phương.
Tuy vậy, tại không ít địa phương, việc chuyển giao lưới điện hạ áp sẽ gặp trở ngại do bản thân chính quyền có quyền lợi trong các Cty cổ phần kinh doanh điện, nên không "mặn mà" hoàn trả. |