Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Trong số nhiều tội danh Chính phủ đề nghị bỏ hình phạt tử hình có các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo Chính phủ, để đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng điều quan trọng không phải là tước đoạt sinh mạng của họ mà phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp.
Do vậy, đối với tội tham ô và tội nhận hối lộ, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân kết hợp với các hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, đồng thời áp dụng các biện pháp tư pháp để thu hồi các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là đã đủ để răn đe, trừng trị đối với người phạm tội, bảo đảm được tính phòng ngừa chung, góp phần hạn chế và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đề nghị trên là chưa phù hợp. Bởi hiện nay, tệ nạn tham nhũng vẫn được coi là quốc nạn. Do đó việc tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình đối với hai tội danh này là cần thiết.
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, theo Ủy ban Tư pháp cũng nên duy trì hình phạt tử hình để có cở sở trừng trị nghiêm minh trong những trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
* Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm được quy định tại 17 điều luật cụ thể.
Đó là: tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322) và tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334), tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341), tội chống loài người (Điều 342) và tội phạm chiến tranh (Điều 343).
btp