Từ ngày 11-13/11, Quốc hội khóa XII - kỳ họp thứ tư - sẽ tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau khi 6 vị bộ trưởng các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn này đều được truyền hình trực tiếp.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ban đầu, dự kiến Thủ tướng chỉ có ý kiến thêm, bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng, mang tính tổng hợp, làm rõ thêm. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Thủ tướng cũng là đại biểu Quốc hội và có trách nhiệm lớn hơn, nên Thủ tướng phải trả lời chất vấn trực tiếp, nhất là những vấn đề thuộc về trách nhiệm điều hành cấp cao và liên quan đến nhiều bộ ngành.
Được biết, đến chiều ngày 7/11 đã có 286 chất vấn của 121 đại biểu gửi đến Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, hoặc người đứng đầu ngành.
Trong số này, có 42 chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, với khoảng 1/3 số câu hỏi là liên quan đến một số chủ trương của Chính phủ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân, đặc biệt là chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo. Nhìn chung, đa số các câu hỏi nêu vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, xử lý đến đâu? Cũng có đại biểu đặt câu hỏi trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng trước vấn đề này.
Trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý vốn Nhà nước, điều hành xuất nhập khẩu, ban hành giải quyết khiếu nại tố cáo sai sự thật, thanh tra công vụ… cũng nằm trong các chất vấn gửi đến Thủ tướng. Hầu hết các chất vấn đều đặt vấn đề về trách nhiệm của cá nhân bên cạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.
Một số đại biểu Quốc hội cũng cho biết tuy không gửi thẳng chất vấn đến Thủ tướng nhưng sẽ trực tiếp chất vấn Thủ tướng tại hội trường nếu chưa hài lòng với câu trả lời của các bộ trưởng.