Các nước sẽ không chấm dứt các biện pháp chống khủng hoảng chừng nào nền kinh tế thế giới chưa bình ổn. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế nhưng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế... Vì vậy, việc thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kết quả gói kích thích kinh tế thứ nhất
Phiên họp Chính phủ tháng 9 đã đánh giá thành công nhất của gói kích cầu là đã ngăn chặn được suy giảm, duy trì tăng trưởng hợp lý, khống chế lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến giữa tháng 9.2009, giải ngân tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) vốn vay tín dụng đạt 404.500 tỉ đồng, giải ngân vốn XDCB và vốn XDCB chuyển từ năm 2008 chuyển sang khoảng 32.500 tỉ đồng, giải ngân từ các nguồn tạm ứng 2010-1011 đạt 45% vốn thông báo, nguồn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân 45%/tổng số 36.000 tỉ đồng...
Qua 9 tháng thực hiện gói kích thích kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, đó là:
(i) Tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ rệt sau khi vượt qua mức giảm sâu của quý I/2009. GDP quý III/2009 đạt 5,76% và quý IV ước đạt 6,5%, cả năm 2009 tăng khoảng từ 5% - 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua.
(ii) Tỉ lệ lạm phát dự kiến cả năm giảm so năm 2008 và dự kiến tiếp tục ở mức kiểm soát được nếu không có đột biến giá thế giới, chỉ số CPI 2009 có thể tăng 7%.
(iii) Hệ thống tài chính tương đối an toàn và đứng vững qua khủng hoảng tài chính thế giới: Tỉ lệ nợ xấu của khu vực NH ít biến động; khả năng sinh lời của hệ thống tài chính tốt hơn năm 2008 về tính ổn định; thanh khoản của hệ thống được cải thiện và ổn định hơn.
(iv) Về phía DN thì phần lớn tuy còn rất khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và vốn trung và dài hạn, nhưng đã trụ được qua giai đoạn gay go nhất, đang duy trì sản xuất và từng bước phục hồi. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các DN Việt Nam cả năm 2009 dự kiến đạt 17%. Thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi khá tích cực... Như vậy có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục.
Tiếp tục kích thích kinh tế
Các thành viên Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua đã thông qua quyết định không chấm dứt các biện pháp chống khủng hoảng chừng nào nền kinh tế thế giới chưa bình ổn. Quyết định này xuất phát từ nhận định: Quá trình phục hồi kinh tế thế giới chắc chắn sẽ diễn ra chậm chạp và nhiều bất ổn.
Trong bối cảnh đó, kinh tế thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, chính sách kích thích kinh tế là cần thiết. Đây là lý do nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế và nhiều chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục chính sách hỗ trợ tăng trưởng và một số nước đang xem xét đưa ra các gói kích thích kinh tế bổ sung nhằm nâng đỡ tiêu dùng và đầu tư đang dần phục hồi một cách yếu ớt và duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế, tránh suy giảm kép (phục hồi hình chữ W).
Tại cuộc họp ngày 2.10 của y ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế nhưng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế... và nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đúng thời điểm 31.12.2009.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì nếu tính toán kỹ lưỡng các ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế thứ hai đối với kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kinh tế, lạm phát), khả năng ngân sách nhà nước... thì Việt Nam vẫn có thể đưa ra các phương án xử lý hiệu quả. Trong gói kích thích kinh tế lần này, khu vực nông nghiệp, các DN nhỏ và vừa, đầu tư công (xây dựng cơ bản) vẫn phải là những đối tượng cần ưu tiên. Tuy nhiên, cường độ và thời gian của các gói hỗ trợ nên giảm dần và trong khi duy trì các biện pháp kích thích kinh tế thì Việt Nam vẫn phải chuẩn bị các chiến lược thoát hiểm để có thể áp dụng vào thời điểm thích hợp.
Theo nhận định chung của lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia trên thế giới, còn rất nhiều trở ngại cho quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu và ở từng nước:
(i) Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ và Châu Âu đang đứng ở mức rất cao khiến sức tiêu thụ hàng hóa khó cải thiện.
(ii) Sự suy yếu liên tục của USD có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái kinh tế mới.
(iii) Tình trạng mất cân bằng tiếp tục kéo dài về mậu dịch; sức ép lạm phát tiềm tàng do tác động của việc bơm một lượng lớn tiền mặt vào hệ thống tài chính.
(iv) Hiệu ứng kích thích kinh tế có thể bị mất đà do ngân sách thâm hụt lớn và nguồn lực tài chính cạn kiệt ở nhiều nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, hiện Việt Nam còn 8 hạn chế tích tụ từ nội tại và một số hạn chế phát sinh do tác động phụ chính sách chống suy giảm, trong đó có: Nợ Chính phủ tăng mạnh; tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, tiến trình CPH các DNNN còn chậm; giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm.