Tin ngành điện

Bò Thái Lan đã "lọt" vào Việt Nam như thế nào?

Thứ năm, 24/9/2009 | 13:31 GMT+7
Một tay anh chị trong giới buôn "bò Thái chui lọt... lỗ kim" nói với tôi: "Mỗi con bò Thái về đến Lao Bảo - Quảng Trị không bán một thành hai thì lỗ sặc máu". Người Thái bán bò quá rẻ hay người tiêu dùng Việt mua đắt?

Một tay anh chị trong giới buôn "bò Thái chui lọt... lỗ kim" nói với tôi: "Mỗi con bò Thái về đến Lao Bảo - Quảng Trị không bán một thành hai thì lỗ sặc máu". Người Thái bán bò quá rẻ hay người tiêu dùng Việt mua đắt?

Bò Thái Lan nhập lậu vào biên giới Việt Nam phải qua hai con sông là Mêkông và Sê Pôn, qua hai cặp cửa khẩu quốc tế, vượt gần 1.500 cây số đường bộ, qua nhiều trạm kiểm soát có nộp "lộ phí", vậy mà giới buôn bò lậu vẫn xênh xang tiền của.

Ngược đường số 9, đi qua những bản làng thuộc tỉnh Savanakhẹt (Lào), tôi nhìn thấy những chiếc xe tải thùng dài vẫn chở đầy ắp bò Thái bon bon về hướng cửa khẩu Đensavẳn - Lao Bảo, nơi có con sông biên giới Sê Pôn, có hàng chục kilômét đường biên giới để bò lậu nhập vào VN.

Xamát - một thanh niên người vùng đông bắc Thái, hiện là hướng dẫn viên du lịch tiếng Thái của Trung tâm lữ hành quốc tế Sê Pôn tại Thái Lan - kể: "Ở Thái, tôi chơi thân với mấy tay làm nghề buôn bò, họ nói với tôi là bò Thái bán cho dân buôn nhiều nước, nhưng sướng nhất vẫn là chơi với mấy tay người Việt; có mặt họ, chợ bò sôi động hẳn, giá cả nóng lên từng ngày, nhóm này bảo hét giá lên, chấp nhận lỗ để "giết" nhóm kia, thế là giá tăng chóng mặt. Họ bảo mua bán đắt đến nỗi miệng không có thời gian nghỉ".

Tôi hỏi Xamát: "Mỗi năm có cả triệu con bò xuất lậu như thế, không hết bò sao?". Anh cười, nói bằng tiếng Việt: "Không bao giờ hết đâu. Đất đai, đồng cỏ phì nhiêu, với lại người Thái có nghệ thuật nuôi bò rất giỏi, đặc biệt là giai đoạn vỗ béo, tôi đã thấy con trâu to ở VN rồi, vẫn chưa nhằm nhò gì so với bò Thái cả. To, đẻ nhiều, mau lớn - đó là niềm tự hào và biết ơn của người dân miền đông bắc Thái về giống bò mà Nhà vua Thái đã dày công theo dõi, chỉ đạo các viện, trường đại học trên toàn đất nước nghiên cứu, lai tạo, nhân giống cho nông dân".

To gấp đôi, bán tiền phân nửa

Chợ bò tại xã Kạchổm thuộc tỉnh Xuphẳnbury, cách cửa khẩu quốc tế Mụcđahản - Savanakhẹt gần ngàn cây số. Tại đây có một trường đại học chuyên nghiên cứu, lấy tinh, lai tạo giống bò và cung cấp bò giống cho nông dân.

Anh Khăm Xục - nhà ở Viêngchăn - thủ đô của Lào, đi về chợ bò này năng như... đi chợ - nói: "Ở đây có giống bò Salulê, nuôi ba năm rưỡi đã cho 3,5 - 4 tạ thịt, mà thịt rất ngon, thường cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn có du khách nước ngoài ở Thái. Tôi cũng vừa mới vào nghề buôn bò này chưa được một năm thôi, nhưng thấy có nhiều chuyện thú vị lắm. Ban đêm, tôi cũng bò ra bờ sông Mêkông, núp vào các lùm cây coi dân buôn bò ở đó mặc cả giá, rồi mua bán trao tay qua đường sông như thế nào. Bạn tôi nói, ngày nào cũng có bò Thái về biên giới Lào - Việt đoạn sông Sê Pôn, có ngày đưa vào VN trên hai ngàn con. Mà đã làm như thế ba - bốn năm nay rồi. Ước tính hàng triệu con là có đấy".

Một trong số 200 con bò nhập khẩu từ Thái Lan về nuôi ở khu Lao Bảo.


Khăm Xục nói rằng, mỗi con bò đưa từ đông bắc Thái về đến bên biên giới Đensavẳn (giáp VN) riêng chi phí vận chuyển hết 2,2 triệu đồng tiền Việt, trong khi đó suốt trên đường đi từ Thái đến Lào là đi công khai, chỉ khi vào biên giới Việt mới trở thành bò lậu, "mà bò lậu đi thì tốn kém hơn bò công khai là chắc chắn rồi"- Khăm Xục nở một nụ cười... đa nghĩa.

Tôi nói, có khi riêng tiền vận chuyển bò từ Thái về đến Lao Bảo (VN) đã bằng tiền mà nông dân quê tôi bán một con bò rồi, vậy làm sao dân buôn có lãi được. Khăm Xục lôi tôi đến một quầy thịt bò; tại đó, người bán hàng chỉ vào bảng giá niêm yết, một kýlô thịt bò có giá 85 bạt Thái, tương đương 42 nghìn tiền Việt.

Tôi nói với người buôn bò Khăm Xục: "Hụ lèo (biết rồi)! Giá cân thịt bò ở đây chưa bằng nửa giá ở quê tôi". Khăm Xục được nước, tấn công tôi: "Đó là chưa kể bò Thái chỉ nuôi 3 năm đã to gấp đôi bò ở quê anh rồi. Rẻ là vì thế!".

Không dám nói hàm hồ là giống bò nuôi ở tất cả các làng quê VN tôi chưa thấy con nào to như ở các làng quê Thái, nhưng điều này thì chắc chắn, không có con bò nào ở các địa phương miền Trung, Tây Nguyên nơi tôi sống, thông thuộc nằm lòng, to như ở đây cả.

Tôi đến thăm nhà "thò kè" (giàu có) tên là Bun Tị - một đại trang chủ thuộc hàng giàu có (bò) nhất tỉnh Xuphẳnbury, với trên 6.000 con bò lấy thịt và sản xuất giống. Ông cũng tuềnh toàng, giản dị như những người nông dân ở quê tôi, nhưng tài sản làm cho ông trở nên khác biệt.

Và tôi, vẫn lặp lại câu hỏi đã thôi thúc tôi lên đường đi Thái: "Thưa ông Tị, tại làm sao nông dân nước ông chỉ bán bò với giá bằng nửa bên nước chúng tôi mà vẫn giàu có?". Ông bảo, chưa lần nào nghe câu hỏi này cả, nên để suy nghĩ ít phút đã. Rồi ông chậm rãi:

"Nhà nước làm ra giống bò tốt, ăn ít, hấp thu nhiều rồi cấp cho nông dân. Chúng tôi cũng là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến sắn; bã sắn đã được chế biến thành thức ăn cho bò. Nông dân Thái chủ yếu nuôi bò nhốt, hoặc nuôi nhốt vỗ béo. Nhưng quan trọng là giống phải tốt, hấp thu thức ăn tốt; nếu giống kém mà nuôi nhốt nó ăn nhiều, nhưng chậm lớn thì lỗ chết. Những người nuôi bò vệ tinh cho tôi đến khi bán lãi 10 - 14 nghìn bạt/con (từ 5 - 7 triệu VND). Nhà nào nuôi được 10 - 20 con là có khá rồi, phổ biến họ nuôi 5 - 10 con".

Nhìn con bò Thái to cao lừng lững, rồi nghe ông Tị nói "giọng nhà giàu", tôi - một người không liên quan gì đến lĩnh vực giống má, trâu bò này cả - thấy nổi tự ái khắp người: Cả một lực lượng viện, trường đại học chuyên sâu về nông nghiệp của đất nước, với cơ man thạc sĩ, cử nhân chẳng lẽ không chút động lòng trắc ẩn khi thấy người nông dân của mình nuôi con bò 3 - 4 năm tuổi vẫn chỉ chưa bằng một nửa con bò của nước trồng sắn nuôi bò bên cạnh sao?

Có một doanh nghiệp chống buôn lậu

Chuyện này nếu không nói ngay, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ là chuyện trạng... Vĩnh Hoàng của QT. Chuyện bò Thái nhập lậu vào biên giới Lào - Việt qua đường sông Sê Pôn và đường rừng âm ỉ, ồ ạt nhiều năm qua đang làm đau đầu các cơ quan hữu trách địa phương QT.

Những người nuôi bò của TCty Thương mại Quảng Trị đang nghe chuyên gia nuôi bò Vitthanha thuyết giảng phương pháp thụ tinh nhân giống bò tại Trang trại bò Pon Yang Khram (tỉnh Xakhôn Nakhon - Thái Lan).


Cục trưởng Hải quan tỉnh này - ông Lê Văn Tới - sốt sắng: "Bò Thái nhập lậu vào Lao Bảo rồi xuôi theo các quốc lộ tràn vào nội địa là một sự thực đáng lo ngại, cần được nhìn nhận đúng thực trạng để có giải pháp phù hợp. Chống buôn lậu động vật này là một công việc khó khăn, từ cơ chế chính sách cho đến hoạt động thực tiễn, có nhiều quy định bất cập, chưa theo kịp diễn tiến tình hình. Dù vậy, ngành hải quan QT cũng đã chủ động, sáng tạo một số phương thức nhằm hạn chế tình hình buôn lậu bò ở biên giới như ban hành quy chế thưởng cho người dân biên giới theo tỉ lệ "bắt 3, thưởng 1". Nhưng, nhìn chung khó mà dập tắt, ngăn chặn hẳn được, bởi vì quy luật lợi nhuận, nước phải chảy về chỗ trũng...".

Tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, anh Hồ Sỹ Trị - Trưởng hải quan - cho biết: "Lần đầu tiên, có một lô giống bò Thái trên 200 con đã được TCty Thương mại QT nhập khẩu vào khu Lao Bảo, tháng 6.2009. Tôi nghĩ, đây mới là giải pháp căn cơ để chống buôn lậu bò Thái về VN".

Gặp anh Hồ Đại Nam - TGĐ TCty Thương mại QT - ngay tại trại bò ở Lao Bảo, anh nói: "Điều khiến tôi tự ái và trăn trở là vì sao bò Thái nhập lậu xa xôi thế mà vẫn cứ có lãi, trong khi mình nuôi bò ngay tại đây thì vẫn lỗ. Kế hoạch của tôi là cùng với nhà máy chế biến tinh bột sắn Sê Pôn, vùng ven thị trấn Lao Bảo này sẽ phải trở thành khu vệ tinh nuôi bò giống nhập từ Thái về. Trước mắt, nhà máy tự nuôi làm mô hình cho bà con nông dân thấy, rồi nhân giống cung cấp để bà con nuôi. Bò giống to, thịt nhiều, mau lớn, giá thành thấp. Chỉ có cách ấy mới ngăn chặn được nạn bò Thái nhập lậu vào nội địa nước mình".

Để thực hiện thành công dự án "nuôi bò... chống buôn lậu", TGĐ Nam đã cử một đoàn cán bộ công nhân gần hai chục người "cơm đùm, gạo bới", sang tận đông bắc Thái ăn dầm ở dề với nông dân Thái để học hỏi cách nuôi bò... mau to, giá rẻ.

(Theo báo lao động số 215)

btp