Tin ngành điện

"Xã hội hoá giáo dục" tại Đà Nẵng:Quá loạn!

Thứ sáu, 25/9/2009 | 08:52 GMT+7
Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản, yêu cầu ngành giáo dục các quận, huyện trả lại cho phụ huynh học sinh các khoản thu đầu năm học mới trái với quy định.

Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản, yêu cầu ngành giáo dục các quận, huyện trả lại cho phụ huynh học sinh các khoản thu đầu năm học mới trái với quy định.

Ở địa phương này, hiện tượng lạm thu luôn luôn được nhắc nhở "nghiêm khắc" từ trước khi năm học mới bắt đầu; nhưng gần đây, nó lại được ẩn dưới cái mác "xã hội hoá giáo dục". Cứ thế mạnh ai nấy làm, dường như ngành giáo dục đã không quản lý xuể.

Những lớp học "đại gia"

Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế học trò bé tí, dự cuộc họp phụ huynh, chị T đã giật nảy người khi nghe giáo viên phụ trách lớp thông báo số tiền phải nộp cho con trai để vào năm học mới. Tính sơ qua cũng đã hơn 1,1 triệu đồng, đó là chưa kể khoản vận động "tự nguyện" đóng góp để trang bị máy tính, máy chiếu phục vụ cho chương trình giáo án điện tử không dưới 200.000 đồng...

Với thu nhập của một gia đình công nhân, tiền nộp đầu năm cho hai con trong độ tuổi tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) cũng buộc vợ chồng chị chạy mướt mồ hôi. Đã vậy giáo viên còn bồi thêm, yêu cầu mỗi cháu phải nộp thêm mấy chục ngàn một tháng để trả tiền điện (chạy máy lạnh). Đến nước này thì đành phải tính kế xin cho cháu qua lớp thông thường, nhường chỗ cho con các gia đình khác có điều kiện hơn. Chị gọi đây là lớp học "đại gia".

Tại Trường Tiểu học Phan Thanh, trong số 16 lớp thì tất cả đều đã đóng góp mua máy tính, đèn chiếu... để học theo phương pháp "giáo án điện tử" và đã có 3 lớp được phụ huynh học sinh (PHHS) trang bị máy điều hoà nhiệt độ. Cũng như chị T, tại Trường TH Trần Cao Vân, Phù Đổng..., phụ huynh của các lớp học "đại gia" cũng đau đầu không kém khi đầu năm học phải "nghiến răng" nộp từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng cho các khoản, trong đó có phần của trang bị phòng học có điều hoà nhiệt độ, tivi 42 inch, đèn chiếu...

Theo chủ trương chung của ngành, nội dung chủ trương được ngành giáo dục quận, huyện ở Đà Nẵng triển khai vào tháng 2.2009 là các trường chỉ mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin... khi phụ huynh học sinh tự nguyện. Thế nhưng trong vòng vài tháng, hầu hết các trường "có máu mặt" trong thành phố đã nhanh chóng hoàn tất trang bị máy tính, màn ảnh lớn hay đèn chiếu (projector) cho các lớp học. Tất cả trang thiết bị đều được thu từ nguồn ép PHHS "tự nguyện", dưới cái mác "xã hội hoá giáo dục".

Một lớp học dạy bằng "giáo án điện tử" ở Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Mai


Chạy đua không có điểm dừng

Ông Lê Văn Lạc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh - không giấu sự tự hào về quá trình phát triển của nhà trường từ chủ trương "xã hội hoá". Từ một trường cơ sở vật chất kém nhất - nhì thành phố, vài năm qua, Phan Thanh đã là trường điểm và trở thành nơi gửi gắm con cái của khá nhiều "đại gia" của Đà Nẵng.

Vì lẽ này, không ít phụ huynh đã không tiếc tiền khi nhận làm "Mạnh Thường Quân", mua sắm cho trường những thiết bị đắt tiền. Vì thế, ngay trong nội bộ trường cũng không tránh khỏi sự so bì. Lớp này có máy lạnh, máy chiếu, máy tính xách tay cho giáo viên... thì lớp kia cũng khéo ép PHHS "tự nguyện" cho bằng được như vậy.

Chuyện cứ như một trận dịch, lớp này lan qua lớp kia, trường này đến trường khác... và tỏ ra không có điểm dừng. Ngày 18.9 vừa qua, kết quả kiểm tra các khoản đóng góp đầu năm học (có phiếu thu nhà trường phát hành), do Sở GDĐT TP.Đà Nẵng sơ bộ cho thấy, có trường thu đến 1.445.000 đồng (Trường Mầm non Hồng Nhung), khối tiểu học cao nhất là Trường TH Phan Thanh - 1.136.000 đồng, trong khi đó, có những trường đồng cấp lại thu rất thấp như Trường TH Lê Lai - 474 ngàn đồng... hay THCS Lê Lợi - 126 ngàn đồng.

Việc thu các khoản phí đầu năm học của các trường rất tuỳ tiện. Đặc biệt, các trường TH Phù Đổng, Ông ẹch Khiêm, Phan Thanh nói là "vận động", nhưng thực chất là ép buộc PHHS đóng góp để mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin, máy lạnh...

Ở khía cạnh nào đó, chủ trương "xã hội hoá giáo dục" trong nhà trường trong thời điểm hiện nay là cần thiết, khi kinh phí giáo dục đã không cung ứng đầy đủ - nhất là nhu cầu dạy và học ngày càng cao.

Tuy vậy, cũng cần phải phân định rõ "xã hội hoá" trong trường hợp nào, phạm vi nào là được (chẳng hạn trường tư thục), chứ với cách tự vận động trang bị thiết bị công nghệ thông tin, máy điều hoà nhiệt độ... từ nguồn phụ huynh đóng góp trong khu vực giáo dục công lập, đã tạo ra một không gian bất bình đẳng ngay trong môi trường học đường, mang dáng dấp phản giáo dục..., khi điều kiện xã hội hiện nay đa phần kinh tế người dân vẫn còn khó khăn.

(Theo báo lao động số 216)

btp