Tin ngành điện

Nông dân chưa được hưởng mức giá điện hợp lý

Thứ tư, 3/12/2008 | 07:34 GMT+7
Tính đến cuối năm 2007, 100% số huyện trên cả nước, 97% số xã và 93,35% số hộ nông thôn đã có điện. Tuy nhiên, nhiều hộ ở nông thôn vẫn đang phải chịu giá điện cao hơn giá Nhà nước quy định. Thay đổi mô hình quản lý điện nông thôn và giảm tổn thất điện năng được coi là hai giải pháp cơ bản để giúp người dân khu vực nông thôn được sử dụng điện với mức giá hợp lý.
Tính đến cuối năm 2007, 100% số huyện trên cả nước, 97% số xã và 93,35% số hộ nông thôn đã có điện. Tuy nhiên, nhiều hộ ở nông thôn vẫn đang phải chịu giá điện cao hơn giá Nhà nước quy định. Thay đổi mô hình quản lý điện nông thôn và giảm tổn thất điện năng được coi là hai giải pháp cơ bản để giúp người dân khu vực nông thôn được sử dụng điện với mức giá hợp lý.

 Mô hình quản lý bất cập

Theo khảo sát của Bộ Công thương, đến tháng 6-2008, cả nước vẫn còn 56,7% số xã và 7,2 triệu hộ nông thôn mua điện của các tổ chức trung gian kinh doanh bán điện ở địa phương. Các tổ chức này mua điện của ngành điện qua công-tơ tổng với giá chỉ là 390 đồng/kWh, nhưng lại bán điện đến hộ dân nông thôn trung bình khoảng 700 đồng/kWh cho mục đích sinh hoạt, từ 1.000 đến 1.300 đồng/kWh cho các mục đích khác.

Một trong những nguyên nhân khiến giá điện nông thôn cao là do khu vực nông thôn đang tồn tại nhiều mô hình quản lý điện, trong đó mô hình HTX chiếm 54%, mô hình do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) quản lý chiếm 39%, mô hình do doanh nghiệp, công ty, cá nhân quản lý chiếm 6%. Ðiển hình như tại hai TP Hà Ðông, Sơn Tây và 12 huyện của Hà Tây (cũ) có tới 516 tổ chức mua điện của Ðiện lực địa phương để bán đến hộ sử dụng. Ở xã Phú Lương, TP Hà Ðông có đến gần 50% số hộ phải chịu mua điện sinh hoạt với giá 900 đồng/kWh.

Huyện Hoài Ðức có 20 xã, thị trấn thì có tới 12 xã làng nghề, giá bán điện bình quân của Chi nhánh điện Hoài Ðức chỉ 593 đồng/kWh. Song, người dân sử dụng điện ở khu vực này vẫn phải chịu mua điện với giá cao 1.300 đồng/kWh (đối với khách hàng sử dụng hơn 100kWh). Các hộ sản xuất phần lớn phải mua điện của các tổ chức trung gian với giá từ 1.300 đồng/kWh đến 1.600 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện cho sản xuất do Nhà nước quy định là 984,5 đồng/kWh (đã có VAT). Chỉ tính riêng các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, mỗi năm phải trả thêm một khoản tiền điện cho các tổ chức, cá nhân bán điện trung gian từ 25 đến 30 tỷ đồng.

Trên thực tế, còn nhiều nơi trên cả nước người dân nông thôn không được hưởng chính sách ưu đãi về giá điện của Nhà nước. Như vậy, đối tượng được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá bán điện với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm là những tổ chức, cá nhân kinh doanh điện trung gian đang tồn tại.

Giảm tổn thất điện năng

Tổn thất điện ở khu vực nông thôn lớn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nơi, người dân phải chịu giá bán điện cao hơn giá Nhà nước quy định. Năm 2007, Bộ Công thương và Liên minh HTX Việt Nam phối hợp kiểm tra toàn bộ các mô hình kinh doanh điện trên địa bàn cả nước. Kết quả là các đơn vị kinh doanh điện ở nông thôn tổn thất điện năng từ 20 đến 22%, thực tế có thể còn cao hơn.

Theo tính toán của EVN, với mức tổn thất trung bình là 25% và sản lượng điện do các mô hình sản xuất, kinh doanh điện nông thôn sử dụng hằng năm là 6,27 tỷ kWh, thì sản lượng tổn thất điện năng mỗi năm ở khu vực này lên tới 1,25 tỷ kWh (tương đương với một nhà máy điện 300MW chạy liên tục). Nếu chỉ giảm tổn thất này xuống mức 15% thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 502 triệu kWh (tương đương với sản lượng điện mà EVN tiết giảm trên lưới cả năm 2007).

Vì vậy, giảm tổn thất điện năng là yêu cầu cấp bách hiện nay. Theo Trưởng phòng Kinh doanh Trịnh Ngọc Khánh của EVN, có bốn giải pháp để giảm tổn thất điện năng. Thứ nhất, công trình đầu tư lưới điện nông thôn phải tuân thủ kỹ thuật do Nhà nước ban hành thông qua việc kiểm soát chặt chẽ vật tư, kỹ thuật đưa lên lưới.

Thứ hai, công trình sau khi xây dựng phải được duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và năng lực quản lý. Thứ tư, phải có biện pháp quản lý điện tốt, xử lý nghiêm hành vi ăn cắp điện. Ðể thực hiện được bốn giải pháp đó thì ngoài nỗ lực của ngành điện rất cần sự phối hợp của địa phương và các cơ quan chức năng.

Mục tiêu của EVN từ nay đến năm 2010, khoảng 7,2 triệu hộ dân nông thôn của 4.945 xã (chiếm hơn 55% số hộ nông thôn cả nước) sẽ được hưởng mức giá điện bậc thang hiện hành. Tổn thất điện năng của lưới nông thôn đang ở ngưỡng 25% sẽ được đưa xuống mức 7 đến 8%. EVN cho biết, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn, ngay trong năm đầu tiên sẽ đưa giá điện sinh hoạt nông thôn về mặt bằng chung như giá điện bậc thang thành thị.

Bên cạnh đó, trong cơ chế vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn, ngành điện quyết định để lại phần chênh lệch doanh thu bán lẻ so với bán qua công-tơ tổng trước đây; vốn khấu hao cơ bản tài sản tiếp nhận và vốn do tăng tài sản từ các dự án sửa chữa, cải tạo để đầu tư cho điện nông thôn. Tuy nhiên, chủ trương lớn còn cần sự hậu thuẫn của chính quyền các địa phương. Tại không ít địa phương, việc chuyển giao lưới điện hạ áp gặp trở ngại do chính quyền có quyền lợi trong các công ty cổ phần kinh doanh điện, nên không mấy "mặn mà" hoàn trả.

Theo Nhân dân
btp