Chứng khoán có thêm một tuần giảm với điểm nhấn nằm ở xu hướng trái chiều giữa thị trường trong nước và thế giới. Trong khi phố Wall và các thị trường lớn khác lên điểm trọn tuần thì Vn-Index lại mất 1,3% sau 5 phiên vừa qua.
Kết thúc tuần giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 314,74 điểm, thấp hơn tuần trước 4,22 điểm, tương ứng 1,3%. Đà hồi phục mạnh mẽ trong ngày thứ sáu không đủ để xóa đi hình ảnh của tuần giao dịch u ám khi có tới 3 phiên giảm trong 5 phiên tuần qua.
Không chỉ đi xuống về giá trị, tính thanh khoản vẫn không được cải thiện là bao khi trung bình chỉ có khoảng 11,3 triệu chứng khoán được sang tên mỗi phiên. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên 293,52 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 3,5%, giá trị xuống theo 1,1%. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp khối lượng giao dịch sụt giảm.
Sau một tháng, Vn-Index bị trừ khoảng 9,3%, tương đương 32,31 điểm. Tổng cộng 271,51 triệu chứng khoán được giao dịch, lượng thực hiện trung bình phiên đạt 13,57 triệu chứng khoán.
Khối ngoại sau năm phiên liên tiếp gom vào khoảng 10,23 triệu cổ phiếu, số bán ra đạt 13,473 triệu. Như vậy, tuy vẫn tăng bán nhưng nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường mua vào. Lượng cầu đi lên tới 70%, trong khi bán ra chỉ lên thêm 28%.
Không giống như tuần thứ 3 của tháng, 5 phiên cuối cùng của tháng 11 chứng kiến xu hướng trái chiều của Vn-Index và thị trường thế giới. Trong khi phố Wall, thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu nói chung tăng điểm trọn tuần thì Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chuỗi ngày buồn. Thậm chí, nếu không có phiên hôm qua, chỉ số chính trên cả hai sàn đã phá vỡ hoặc tiếp tục nằm dưới những mốc kỹ thuật quan trọng như 300 tại HOSE và 100 tại HaSTC.
Thực tại trên cho thấy, nhà đầu tư đã có dấu hiệu "chai lì" trước biến động của thị trường quốc tế.
|
Qua biểu đồ giá 6 tháng, Vn-Index biến động của Vn-Index đã độc lập hơn so với Dow Jones, chỉ số chính của phố Wall, trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg.com. |
Không chỉ yếu tố thông tin từ thị trường thế giới, tin giảm giá xăng hay hạ lãi suất cơ bản trong nước cũng đã "mất thiêng" với nhà đầu tư. Không như diễn biến đầu tháng 8 khi tin giảm giá xăng được coi là làn gió mát thổi vào thị trường chứng khoán. Kể từ cuối tháng 8 cho tới giữa tháng 11, đã có thêm 5 lần xăng hạ giá nhưng phản ứng của nhà đầu tư trước thông tin trên khá yếu ớt.
Tương tự như vậy, 2 lần cắt giảm lãi suất cơ bản cũng là 2 lần thị trường xuống sâu. Biểu đồ dưới chỉ ra, 2 tháng gần đây, trước biến động lãi suất hoặc giá nhiên liệu, thường có một xu hướng lên ngắn kéo dài 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, ngay khi tin tốt được công bố, xu hướng tăng kết thúc nhanh chóng.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư đều đoán được các tin trên để lướt sóng ngắn và yếu tố tích cực từ hạ lãi suất và giá xăng dầu đã không còn tác động mạnh đến thị trường như trước kia.
Trước việc ảnh hưởng của tin tức từ thị trường thế giới cũng như thông tin vĩ mô trong nước với Vn-Index đang nguội dần, một chuyên gia nhận định, yếu tố dẫn dắt lúc này nằm ở giá trị nội tại của chứng khoán. Hay nói cách khác, chính mức giá của cổ phiếu sẽ quyết định xu hướng trong ngắn hạn. Nếu nhà đầu tư cảm thấy giá cổ phiếu đã hợp lý, dù chưa có tin tốt thị trường vẫn lên điểm, và ngược lại.
Theo nhận định của Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SME, giá cổ phiếu xuống sát ngưỡng hỗ trợ 300 điểm lý do khiến cầu quay trở lại thị trường, từ đó giúp chỉ số chính tạm tránh xa đáy mới 303 điểm. Nếu không có tin quá xấu, nhiều khả năng ngưỡng 300 điểm vẫn sẽ được duy trì trong tuần đầu tháng 12.
Tại sàn Hà Nội, nhờ ba phiên tăng, HaSTC-Index đóng cửa tuần tại 104,2 điểm, cao hơn tuần trước 0,3 điểm, tương đương 0,28%. Lượng giao dịch trung bình đạt 7,58 triệu cổ phiếu mỗi phiên, giá trị tương đương 188,8 tỷ đồng.
Trong hai phiên giao dịch 26 và 27/11, chỉ số HaSTC-Index đều nằm dưới mốc 100 điểm, giá trị chào sàn của chỉ số chính hơn 3 năm trước đây. Tuy nhiên, sự hồi phục trong ngày thứ sáu đã một lần nữa giúp HaSTC-Index ngoi lên trên mốc 100.
Số trái phiếu trao tay tuần qua đạt xấp xỉ 14 triệu mỗi ngày, giá trị 1.377,32 tỷ đồng. Nếu không tính phiên đầu tuần có 1,7 triệu trái phiếu giao dịch nội khối, khối ngoại đã giảm bán khi chỉ đẩy vào thị trường 5,5 triệu trái phiếu, và mua vào khoảng 1,14 triệu trái phiếu mỗi phiên.