Kỷ lục tăng điểm được thiết lập ở Phố Wall
Thứ hai, 1/12/2008 | 08:24 GMT+7
Ngày 28/11, chứng khoán Mỹ tiếp tục “xanh”, đưa chỉ số Dow Jones có 5 ngày tăng điểm mạnh nhất trong 75 năm qua.
Ngày 28/11, chứng khoán Mỹ tiếp tục “xanh”, đưa chỉ số Dow Jones có 5 ngày tăng điểm mạnh nhất trong 75 năm qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giao dịch trở lại sau ngày nghỉ Lễ Tạ ơn 27/11, tuy nhiên, thời gian giao dịch chỉ kéo dài từ 8h30 đến 13 giờ (giờ địa phương).
Tuần tăng điểm ấn tượng của các chỉ số
Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch cuối tuần đã tiếp tục lên điểm và duy trì chuỗi 5 ngày tăng điểm liên tiếp với biên độ tăng ấn tượng.
Sau ngày nghỉ lễ, thị trường mở cửa trở lại với thời gian giao dịch ít hơn thường ngày. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục nghỉ giao dịch nên khối lượng giao dịch trên thị trường đã giảm hơn một nửa so với thường ngày. Không khí giao dịch cũng kém sôi động và diễn biến ngày giao dịch không có những khoảnh khắc đột phá hay bất ngờ.
Dù thị trường tăng điểm một cách thận trọng nhưng chừng đó cũng đủ để chứng khoán Mỹ có một tuần lên điểm ấn tượng cũng như có 5 ngày tăng điểm liên tiếp với biên độ tăng phá vỡ các kỷ lục được thiết lập trong 75 năm qua.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 9,7%, chỉ số S&P 500 lên 12,02% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 10,9%.
Trong 5 ngày giao dịch gần đây, chỉ số Dow Jones tăng 17%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1933; chỉ số S&P 500 lên 19%; chỉ số Nasdaq tiến thêm 17%.
Dù vậy, tính chung trong tháng 11/2008, chỉ số Dow Jones mất 5,2%, chỉ số S&P 500 hạ 7,49%, chỉ số Nasdaq trượt 10,77%.
Biểu đồ ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong 1 năm qua - Nguồn: G.Finance.
Nhiều cổ phiếu trong ngày giao dịch cuối tuần cũng đã tăng mạnh, khép lại một tuần thành công, cụ thể: cổ phiếu Citigroup phiên này tăng 17,6%, lên 8,29 USD/cổ phiếu, cao hơn hai lần so với tuần trước; cổ phiếu American Express lên 4,5%, cổ phiếu Bank of America tăng 5,3%, cổ phiếu JPMorgan Chase tiến thêm 3,4%.
Đáng thất vọng trong ngày giao dịch này là mức giảm của cổ phiếu khối bán lẻ khi ngày 28/11 chính là thời điểm mở đầu cho thời kỳ mua sắm tấp nập trong năm.
Theo thông lệ, thứ sáu trong dịp ngày Lễ Tạ ơn được xem là ngày các nhà bán lẻ ở Mỹ hạ giá bán hàng hóa, mức giá có thể hạ đến 80% so với thường ngày. Đây là cơ hội lớn cho những người mua sắm mua được hàng hóa với giá rẻ.
Tuy nhiên trong năm nay, mặc dù thời gian mở cửa từ 5 giờ sáng nhưng tổng doanh số của nhiều hãng bán lẻ đã thấp hơn kỳ vọng.
Điều này đã đẩy cổ phiếu của nhiều hãng bán lẻ giảm điểm, đưa chỉ số S&P Bán lẻ mất 1,6% - trong đó cổ phiếu của Wal-Mart Stores giảm 1,4%, Best Buy (BBY) hạ 1,76%.
Điểm qua kết giao dịch ngày 28/11: Chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng 102,43 điểm, tương đương 1,17%, đóng cửa ở mức 8.829,04, giảm 33,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 3,47 điểm, tương đương 0,23%, chốt ở mức 1.535,57, thấp hơn 42,1% so với cùng kỳ năm 2007.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 8,56 điểm, tương đương 0,96%, đóng cửa ở mức 896,24, giảm 38,96% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 786,97 triệu cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng 13% trong tuần
Chứng khoán châu Âu đã lên điểm phiên giao dịch cuối tuần, đưa ba thị trường chính tăng 13% giá trị trong tuần qua. Dù vậy, các chỉ số FTSE 100 của Anh, Dax của Đức và CAC 40 của Pháp vẫn giảm khoảng 7% trong tháng 11/2008.
Cổ phiếu khối dược phẩm đã đóng vai trò đầu tàu kéo thị trường đi lên, trong đó cổ phiếu GlaxoSmithKline (GSK) lên 5,1%, cổ phiếu Sanofi-Aventis (SASY) tiến thêm 4,5%, cổ phiếu Novartis tăng 4,4%...
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 61,91 điểm, tương đương 1,46%, đóng cửa ở mức 4.228,01, khối lượng giao dịch đạt 1,5 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 0,09%, khối lượng giao dịch đạt 29 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,38%, khối lượng giao dịch đạt 122 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán châu Á trong đà phục hồi
Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính của thị trường châu Á đã có ngày giao dịch thành công, đồng thời kéo dài chuỗi 6 ngày tăng điểm liên tiếp.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đã tạo nên một điểm khác biệt khi mất điểm phiên cuối tuần và đóng cửa ở mức thấp hơn tuần trước, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này vừa cắt giảm lãi suất xuống còn 5,58%.
Như vậy, nhiều thị trường chứng khoán châu Á đang có sự phục hồi mạnh sau 6 ngày tăng điểm trước đó, đưa các chỉ số tăng khoảng 6% so với tuần trước.
Ngày 28/11, cơ quan thống kê Nhật cho biết, chỉ số giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 10 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu và hàng hóa cơ bản khác giảm đã giúp lạm phát ở Nhật tăng thấp hơn so với mức tăng 2,3% trong tháng 9. Nếu loại trừ nhân tố giá rau xanh và cá tươi thì lạm phát cơ bản ở nước này tăng 1,1%.
Báo cáo của Chính phủ Nhật cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 10 ở mức 3,7% - giảm 0,3% so mới mức tăng 4% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp trong tháng 10 cũng giảm 3,1%.
Chứng khoán Nhật phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục lên điểm và trở thành tuần tăng điểm mạnh nhất trong tháng 11. Việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc tiếp tục là thông tin hỗ trợ thị trường, khiến các nhà đầu tăng mạnh mua cổ phiếu khối xuất khẩu và các hãng vận tải biển.
Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của nhà sản xuất TV Plasma số một thế giới, Panasonic đã tăng 10,9%, cổ phiếu Kyocera lên 17,3%, cổ phiếu Mitsui O.S.K tiến thêm 6,1%, cổ phiếu Nippon Yusen lên 5,2%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 138,88 điểm, tương đương 1,66%, chốt ở mức 8.512,27, tăng 7,6% so với tuần trước nhưng giảm 0,75% trong tháng 11. Khối lượng giao dịch trong ngày đạt 1,97 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiến thêm 6,74 điểm, tương đương 0,15%, đóng cửa ở mức 4.460,49, tăng 6,93% so với tuần trước.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 12,59 điểm, tương đương 1,18%, chốt ở mức 1.076,07, tăng 7,2% so với tuần trước.
Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 1,28 điểm, tương ứng 0,07%, đóng cửa ở mức 1.711,80, tăng 3,3% so với tuần trước.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 266,89 điểm, tương đương 1,97%, chốt ở mức 13.818,95, tăng 9,16% trong tuần.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên này mất 46,7 điểm, tương 2,44%, chốt ở mức 1.871,16, giảm 4,98% so với tuần trước.
Thị trường |
Chỉ số |
Phiên trước |
Đóng cửa |
Tăng / giảm (điểm) |
Tăng / giảm (%) |
Mỹ |
Dow Jones |
8.726,61 |
8.829,04 |
102,43 |
1,17 |
Nasdaq |
1.532,10 |
1.535,57 |
3,47 |
0,23 |
S&P 500 |
887,68 |
896,24 |
8,56 |
0,96 |
Anh |
FTSE 100 |
4.226,10 |
4.288,01 |
61,91 |
1,46 |
Đức |
DAX |
4.665,27 |
4.669,44 |
4,17 |
0,09 |
Pháp |
CAC 40 |
3.250,39 |
3.262,68 |
12,29 |
0,38 |
Đài Loan |
Taiwan Weighted |
4.453,75 |
4.460,49 |
6,74 |
0,15 |
Nhật |
Nikkei 225 |
8.373,39 |
13,818.95 |
266,89 |
1,97 |
Hồng Kông |
Hang Seng |
13.441,33 |
8.512,27 |
138,88 |
1,66 |
Hàn Quốc |
KOSPI Composite |
1.063,48 |
1.076,07 |
12,59 |
1,18 |
Singapore |
Straits Times |
1.704,73 |
1,711.80 |
1.28 |
0.07 |
Trung Quốc |
Shanghai Composite |
1.917,86 |
1.871,16 |
46,70 |
2,44 |
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg |
btp