Chủ trì cuộc họp báo xung quanh vấn đề tăng giá điện ngày 7/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn chỉnh các phương án giá điện và cơ chế giá điện theo thị trường, đảm bảo các nguyên tắc, mục tiêu đề ra. Hướng tới việc áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện theo định kỳ, Bộ thống nhất quan điểm: Tuỳ theo diễn biến của thị trường, hàng năm nếu cần thiết, giá điện sẽ được tính toán lại cho từng khâu và xem xét tới ảnh hưởng của biến động các yếu tố đầu vào…
Biểu giá điện hiện tại đã được xây dựng theo các số liệu của năm 2005, trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2006 và áp dụng từ 01/01/2007. Như vậy, biểu giá hiện tại chưa được cập nhật sau hơn 3 năm. Bên cạnh đó, sau 2 năm áp dụng, biểu giá điện hiện tại cũng bộc lộ nhiều bất cập như: Chưa tách biệt được chi phí thực tế cho từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện; giá điện chưa phản ánh hết chi phí của các khâu; không có cơ chế điều chỉnh linh hoạt làm cho giá điện không theo kịp các biến động thông số đầu vào, tác động đến các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đảm bảo cân bằng tài chính, không khuyến khích được đầu tư mới vào sản xuất điện, gây thiếu điện và dẫn đến tình hình cắt điện tràn lan thời gian qua. Ngoài ra, giá điện của Việt Nam hiện tại đang ở mức thấp nhất khu vực Ðông Nam Á. Với mức giá thấp như vậy, không những không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm mà còn thu hút đầu tư vào Việt Nam các dây chuyền sản xuất công nghiệp có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Theo Quyết định 276/2006/QÐ-TTg ngày 04/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện, về cơ bản, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn. Ðồng thời, lộ trình điều chỉnh giá điện phải đảm bảo từng bước thực hiện chủ trương xoá bao cấp qua giá điện đối với sản xuất, bảo đảm để các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, minh bạch trong hạch toán kinh tế, kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện. Bên cạnh đó, giá điện phải khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, kể cả trong sản xuất và tiêu dùng. Giá điện bán lẻ bình quân cần được điều chỉnh lên mức 890đ/kWh từ 01/7/2008, tuy nhiên, do tình hình kinh tế năm 2008 có nhiều biến động bất lợi, để góp phần hạn chế lạm phát, Chính phủ đã quyết định không thực hiện tăng giá điện trong năm 2008, mặc dù điều này đã gây nên một số ảnh hưởng đến tình hình tài chính của ngành Ðiện.
Ðể khắc phục những tồn tại của cơ chế giá điện hiện tại, thực hiện các nguyên tắc xây dựng giá điện được Chính phủ quy định, Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam triển khai xây dựng phương án giá điện cho năm 2009 trong lộ trình tiến tới giá thị trường và cơ chế điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường để Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4 năm nay.
Biểu giá điện năm 2009 đang được xây dựng đáp ứng các mục tiêu sau:
- Về hiệu quả kinh tế - xã hội: Giá điện phải ở mức hợp lý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở sử dụng điện và của toàn xã hội;
- Về công bằng xã hội: Cơ cấu giá điện cần đảm bảo thực hiện được chính sách xã hội của Chính phủ là bù giá đúng cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và thu nhập của nhân dân;
- Khả thi về tài chính: Giá điện phải được xây dựng phản ánh đúng chi phí cho sản xuất kinh doanh điện, đảm bảo cho các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ điện có đủ doanh thu với lợi nhuận hợp lý để duy trì được cân bằng tài chính lành mạnh và có tích luỹ cho phát triển hệ thống điện bền vững trong tương lai.
Ðồng thời, để chuẩn bị cho việc đưa thị trường điện vào hoạt động, giá bán điện 2009 cũng cần phải được xây dựng đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thị trường, gồm: Biểu giá điện phải phản ánh đúng chi phí thực tế theo trị trường cho từng khâu phát điện, truyền tải và phân phối bán lẻ điện, từng bước xoá bỏ bù chéo trong giá điện; Có cơ chế điều chính linh hoạt, kịp thời giá điện khi có những biến động các yếu tố đầu vào hình thành giá; Ðáp ứng nhu cầu điện cho toàn xã hội ở các mức giá điện hợp lý với chất lượng cung cấp điện ở mức chấp nhận được có chọn lọc cho các đối tượng sử dụng điện khác nhau và chất lượng ngày càng tăng; Ðảm bảo hoạt động có hiệu quả của các đơn vị điện lực trong các khâu từ sản xuất đến truyền tải và phân phối bán lẻ điện.
Phương án giá điện năm 2009 bao gồm một số điểm chính: Giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh. Mức tăng cụ thể bao nhiêu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành cân nhắc trên cơ sở xem xét cải thiện dần tình hình tài chính của từng khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện và bán lẻ điện, đồng thời xem xét giảm thiểu tác động của việc điều chỉnh giá điện đến tình hình lạm phát, trên cơ sở đó sẽ trình Chính phủ; Việc thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ được thực hiện thông qua việc thiết kế lại biểu giá điện bậc thang một cách hợp lý để việc hỗ trợ được đúng đối tượng, không tràn lan, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; Giá bán điện cho sinh hoạt và giá bán điện cho sản xuất sẽ được điều chỉnh nhằm giảm dần và tiến tới xoá bỏ bù chéo trong biểu giá điện giữa các đối tượng khách hàng và giá điện phản ánh đúng chí phí sản xuất kinh doanh điện tới từng cấp điện áp; Áp dụng giá thống nhất chung toàn quốc; Hướng tới việc áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện theo định kỳ. Theo đó, phụ thuộc diễn biến của thị trường, hàng năm nếu cần thiết, giá điện sẽ được tính toán lại cho từng khâu và xem xét tới ảnh hưởng của biến động các yếu tố đầu vào hình thành giá như: giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, chỉ số giá tiêu dùng.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ xem xét, bàn thống nhất với các Bộ, ngành về phương án giá điện và cơ chế giá điện theo thị trường để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm 2008.
Ông Ðinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN:
Chính phủ giao EVN phối hợp Bộ Công thương, Cục Ðiều tiết Ðiện lực xây dựng cơ chế giá điện từ năm 2009. Quan điểm của EVN khi xây dựng đề án giá điện là bám sát chỉ đạo của Chính phủ, không trợ giá cho hộ gia đình tiêu dùng sản lượng cao. Nghĩa là dùng số lượng nhiều sẽ không được bù lỗ. Mức tăng thế nào do Bộ Công Thương quyết định, nhưng sẽ ở tất cả các đối tượng sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ.
Vấn đề cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải có cơ chế giá hợp lý để bảo đảm nhà đầu tư đủ bù đắp chi phí. Cơ chế này phải quy định rõ giá bán lẻ điện được quy định thế nào, ai là người quyết định. Giá này phải phản ánh được chi phí của nhà sản xuất và gần với giá thị trường, có thể tăng giảm tùy theo chi phí đầu vào của nhà sản xuất điện.
Chỉ khi có cơ chế giá rõ ràng, nhà đầu tư mới sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và như vậy họ mới có cơ sở xây dựng được phương án kinh doanh hợp lý, bảo đảm vay được vốn ngân hàng. Hiện nay, vay vốn ngân hàng rất khó khăn, trong phương án kinh doanh buộc phải bảo đảm có lãi mới được vay vốn. Nếu để nguồn điện tiếp tục vào chậm, 5-7 năm nữa chúng ta sẽ thiếu điện nhiều hơn.
Còn giá điện tăng bao nhiêu sẽ do Chính phủ quyết định trên cơ sở cân nhắc những tác động của nó đến kinh tế, xã hội và lạm phát. Nhưng nếu không tăng giá, nguy cơ thiếu điện sẽ nặng nề hơn vì không ai dám đầu tư. Bài học của Philippines rất đáng quan tâm: Do không tăng giá điện, không thu hút được sự đầu tư nguồn mới nên Chính phủ phải gấp rút đầu tư các dự án điện chạy dầu DO với giá 22 cent/KWh.
Theo: TCĐL số 10/2008