|
Các nhà máy đang tập trung sửa chữa thiết bị để các tổ máy đảm bảo phát đúng công suất |
Ngoài nguồn điện truyền thống như thuỷ điện, nhiệt điện đốt than, dầu FO/diêzen, những năm gần đây, hệ thống điện nước ta đã được bổ sung thêm một lượng công suất khá lớn từ các nguồn nhiên liệu mới với công nghệ hiện đại như tua bin khí chu trình hỗn hợp đốt khí, tua bin khí chu trình đơn đốt dầu DO, diezen… Việc sử dụng những công nghệ hiện đại này đã nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn của lực lượng làm công tác quản lý vận hành, song cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý kỹ thuật nguồn điện, nhất là trong bối cảnh phụ tải tiếp tục tăng ở mức cao, tinh trạng thiếu điện vẫn luôn xảy ra như hiện nay.
Những nỗ lực không ngừng
Tính đến 31/12/2007, tổng công suất khả dụng của toàn hệ thống là 12.948 MW, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000, trong đó nguồn điện do EVN quản lý là 9.309 MW, chiếm 71,9%; các nguồn điện độc lập là 3.639 MW, chiếm 28,1%. Sản lượng điện sản xuất cũng không ngừng tăng cao, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm (giai đoạn 2005-2007). Theo EVN, kết quả này đã khẳng định sự cố gắng rất lớn của đơn vị phát điện, nhất là trong điều kiện nguồn điện luôn thiếu, các tổ máy phải làm việc trong trạng thái rất căng thẳng, việc tách các tổ máy để sửa chữa định kỳ rất khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của thiết bị và gây nguy cơ mất an toàn cao. Mặt khác, nhiều nguồn điện được đưa vào vận hành từ những thập niên trước như: Thác Bà, Uông Bí, Phả Lại… hiện đã xuống cấp, rất khó đáp ứng phương thức huy động của hệ thống.
Mặc dù, lịch sửa chữa các tổ máy đều được Tập đoàn phê duyệt hằng năm, song ở một số đơn vị do chưa chuẩn bị kịp vật tư, phụ tùng nên đã phải thay đổi thời điểm thực hiện hoặc kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch. Có trường hợp do yêu cầu cấp bách của hệ thống, các đơn vị buộc phải chấp nhận lùi thời điểm sửa chữa một số tổ máy, kéo dài thời gian phát điện đã ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ thiết bị và làm tăng nguy cơ rủi ro trong quá trình vận hành. Chính vì thế, số lần sự cố và suất sự cố của các nhà máy có xu hướng gia tăng: Thuỷ điện Hoà Bình có 2 sự cố năm 2005 và 9 sự cố năm 2007; Thác Bà tương ứng là 14-31; Ialy là 12-18; Uông Bí là 30-44; Thủ Ðức là 6-21… Nhiều hiện tượng bất thường lớn về thiết bị buộc phải dừng máy để sửa chữa cũng xảy ra liên tiếp như: Nứt nắp chụp thanh dẫn stator hai máy phát, phóng điện cuộn cao áp máy biến áp 220 kV của Thuỷ điện Ða Nhim; nứt gáo bánh xe công tác các tua bin Thuỷ điện Ða Mi; phóng điện 4/14 pha máy biến áp 15,75/525 kV - 72 MVA đầu cực máy phát Thuỷ điện Ialy; xì bộ hâm lò 5, lò 6 Nhiệt điện Phả Lại; độ rung cao của tổ máy GT4 Nhiệt điện Thủ Ðức… Song do lực lượng làm công tác sửa chữa tại các đơn vị đều đã qua đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm, sẵn sàng đảm đương thực hiện hầu hết các công việc trong quá trình sửa chữa, có nhiều sáng kiến cải tiến, góp phần rút ngắn thời gian ngừng máy nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng thiết bị khi đưa vào vận hành.
Mặt khác, với lực lượng vận hành được đào tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, chức danh cho từng vị trí công việc, luôn tuân thủ các quy trình, quy phạm, quy định về vận hành, chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều độ cấp trên, thực hiện nghiêm chế độ phiếu thao tác, lệnh công tác theo quy định; Công tác diễn tập sự cố được các đơn vị tổ chức định kỳ hằng tháng, hằng quý và có phân tích đánh giá những ưu khuyết điểm nhằm bổ sung, tích luỹ kinh nghiệm xử lý sự cố, nâng cao trình độ cho lực lượng vận hành tại mỗi đơn vị. Nhờ vậy, những nguy cơ gây sự cố của các tổ máy đã được kịp thời phát hiện, khắc phục nhanh chóng, đảm bảo cho các tổ máy vận hành an toàn, phát điện với công suất cao. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các đơn vị đã tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các thông số kỹ thuật nhằm phát hiện và kịp thời có biện pháp giữ, giảm các chỉ tiêu điện tự dùng, suất tiêu hao nhiên liệu; chú trọng cải tiến, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng cường hệ thống giám sát chống ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Hướng tới mục tiêu sản xuất điện phải đảm bảo an toàn, đáp ứng phương thức huy động của hệ thống và thực hiện cạnh tranh trong phát điện, EVN đã không ngừng củng cố và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật nguồn điện. Tuy nhiên, trong điều kiện phụ tải tiếp tục tăng cao, các nguồn điện mới vào vận hành chậm và không ổn định trong giai đoạn đầu khiến hệ thống mất cân đối cung cầu, không có dự phòng, nhất là vào mùa khô. Cộng với các yếu tố phát sinh trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của các đơn vị phát điện và việc hình thành, đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh… đã đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý kỹ thuật nguồn điện, buộc các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp tích cực trong vận hành, sửa chữa và quản lý các thiết bị nguồn điện.
Ðể đảm bảo cho thiết bị của các nhà máy vận hành an toàn, ổn định và kinh tế nhất, EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng phương thức vận hành, tổ chức khắc phục nhanh sự cố, đưa thiết bị trở lại vận hành trong thời gian ngắn nhất, tăng cường củng cố, bổ sung quy trình, quy tắc, thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất; nâng cao chất lượng diễn tập sự cố định kỳ, trong trường hợp có sự cố xảy ra, phải kịp thời điều tra, phân tích xác định nguyên nhân để rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm cá nhân một cách khách quan. Mặt khác, để góp phần đảm bảo nguồn cho năm 2009, đến 31/12/2008, các hồ chứa thuỷ điện phải đạt ở mức nước dâng bình thường, riêng hồ Hoà Bình không được thấp hơn cao trình 116 mét và khai thác hợp lý nguồn nước của các hồ chứa. Ðối với các dự án có kế hoạch vào vận hành thương mại trong năm 2008-2009 như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, A Vương, Sông Ba Hạ… các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thực hiện đúng tiến độ và tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị sản xuất để tiếp quản vận hành, cùng nhà thầu xử lý nhanh những khiếm khuyết nảy sinh trong giai đoạn bảo hành, nhằm duy trì độ khả dụng cao của các tổ máy sau tiếp nhận vận hành thương mại.
Bên cạnh đó, EVN chỉ đạo các đơn vị bám sát cân đối nhu cầu về nguồn điện năm 2008-2010, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thiết bị, vật tư và nhân lực phục vụ công tác sửa chữa thường xuyên cũng như ứng phó tốt với những sự cố đột biến. Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật của thiết bị, công trình đang quản lý, nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý kỹ thuật, liên kết chặt chẽ và cập nhật thường xuyên giữa các công ty với nhau và với Tập đoàn…
Hệ thống chỉ tiêu đánh giá công tác quản lý sản xuất điện
1. Suất sự cố không vượt quá giá trị cho phép
2. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt hơn định mức
3. Thời gian SCL không vượt thời gian cho phép
4. Chất lượng sửa chữa đảm bảo: Sau khi nghiệm thu SCL không có sự cố trong 3 tháng đầu với lò hơi và 6 tháng các thiết bị khác.
5. Hoàn thành quyết toán SCL sau 2 tháng đưa vào làm việc
6. Không có vi phạm kỷ luật vận hành, quy trình, quy phạm, chế độ phiếu, lệnh công tác, thao tác.
7. Thực hiện đúng phương thức huy động của điều độ quốc gia.
8. Ðạt yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. |