Tin ngành điện

“Điều chỉnh lương quá chậm so với tốc độ lạm phát”

Thứ sáu, 31/10/2008 | 07:34 GMT+7
(Dân trí) - Sau khi phân tích vấn đề lương thấp khiến không ít cán bộ, công chức vẫn “chân trong nhỏ hơn chân ngoài”, đại biểu Lê Quốc Dung nêu câu hỏi: “Nếu cứ kéo dài tình hình này thì tâm trí của bộ phận cán bộ, công chức này sẽ phụng sự ở đâu là chính?”

Nhiều đại biểu đề cập cải tiến chi tiêu ngân sách.

Bên cạnh những bước tiến về thu chi ngân sách, nhiều tồn tại của lĩnh vực này, trong đó có vấn đề lương đã được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn mổ xẻ trong ngày 30/10.

“Nói căn nguyên cơ chế không khác nói bệnh do…gen”

Về thu ngân sách 2008, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, ước tăng 26,3% so với năm 2007, nhưng do lạm phát tăng dự kiến 24% nên thực chất thu ngân sách và giá trị sử dụng ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng cũng như đời sống của người hưởng lương từ ngân sách là không tăng hoặc tăng không đáng kể

Đáng nói nữa, nguồn thu nội địa từ bản thân nền kinh tế chỉ chiếm 46% là qúa thấp, những nguồn thu bấp bênh lại quá cao, chiếm tới 54% như mua bán dầu thô, bán than, thu tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu, thu vay, thu viện trợ v.v....

Trong khi đó, chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất trong những năm qua đã tăng rất nhanh, năm 2008 thị trường bất động sản tuy đóng băng nhưng thực hiện chỉ tiêu này tăng 33% so với dự toán. Nghĩa là các địa phương đã chuyển mục đích sử dụng nhiều diện tích đất đai, nhất là đất lúa để tăng thu ngân sách cho những năm qua quá lớn, không cơ bản, gây phức tạp, lãng phí cả trước mắt và lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chia sẻ, nguồn thu không vững chắc, tăng thu chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài và bán tài nguyên. Cùng đó, kỷ luật thu, chi chưa nghiêm, hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại, nợ đọng, giải ngân chậm rất nhiều.

Có 27 tỉnh thành chi không đúng chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho giáo dục và đào tạo. Đáng nói hơn, có địa phương chi không đủ cho giáo dục, trong khi ngay tại nội thành của địa phương này có trường học phải nương nhờ đình chùa đến... 50 năm.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phân tích về việc kỉ luật thu chi chưa nghiêm.
Bên cạnh việc chỉ ra những nguyên nhân của thu chi bất cập như đầu tư dàn trải, thất thoát trong thu thuế, tham nhũng, lãng phí… ông Thuyết còn đề cập đến yếu tố cơ chế. “Chúng tôi nghĩ căn nguyên cơ chế nếu nói đến thì không khác gì bác sĩ nói với bệnh nhân là "bệnh của anh do gen, do cơ địa", nói như thế chỉ an ủi được bệnh nhân, chứ không chữa được”, ông Thuyết phân tích.

Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm có kế hoạch tạo nguồn thu mới, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách cho bền vững và công bằng, hợp lý hơn.

Công chức sẽ phụng sự ở đâu là chính?

Đại biểu Lương Phan Cừ (Đăk Nông) cho rằng, mức bội chi cho năm tới 4,85% vẫn còn cao, cần giảm xuống 4,5 -4,6%. “Chúng ta thực hiện chính sách ngân sách tiết kiệm, giảm tác động xấu tới nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Cừ đề nghị.

Cũng theo ông Cừ, bội chi vượt quá khả năng của nền kinh tế và bội chi kéo dài là nguyên nhân gây ra lạm phát, biến động xấu. Ông Cừ nhấn mạnh, nếu tình hình trên không cải thiện, chi cho an sinh xã hội có tăng lên nữa cũng trở về… 0.

Đại biểu Lê Quốc Dung nhìn nhận, hệ thống lương của ta còn quá nhiều vấn đề bất hợp lý, trong đó lương tối thiểu còn quá thấp. Điều chỉnh lương, bù lương còn “quá chậm so với tốc độ lạm phát”, thường đuổi theo lạm phát.

Từ góc độ lương, ông Dung phân tích, không ít cán bộ, công chức vẫn còn làm thêm, dạy thêm, chân ngoài dài hơn chân trong, chân trong nhỏ hơn chân ngoài. “Nếu cứ kéo dài tình hình này thì tâm trí của bộ phận cán bộ, công chức này sẽ phụng sự ở đâu là chính. Đau hơn là không ít cán bộ, công chức có trình độ năng lực cũng xin ra khỏi bộ máy Nhà nước”, ông Dung nhấn mạnh.

Ông Dung cho rằng, cấu trúc và phân bổ chi ngân sách Nhà nước của ta hiện nay có phần “na ná” giống phương án phân phối thu nhập hợp tác xã nông nghiệp trước đây ở chỗ thu nhập hợp tác xã sau khi trừ các quĩ rồi còn lại bao nhiêu phân phối cho người lao động bấy nhiêu. Điều này khiến người nông dân không gắn bó với đồng ruộng nên sản xuất nông nghiệp kém phát triển.

Ông Dung kiến nghị giải pháp mạnh, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng giảm dần chi đầu tư xây dựng cơ bản, tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết để tập trung cho cải cách tiền lương cùng với cải cách hành chính có hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh, ban đầu Chính phủ báo cáo với Quốc hội dự kiến giá dầu thô những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009 là 90 USD/thùng để làm cơ sở hoạch định chính sách. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới, Bộ Tài chính đang chuẩn bị để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội giá dầu thô bình quân ở mức khoảng 70 đô la/ thùng. Nếu giá dầu thực tế như vậy, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có khả năng sẽ giảm thu khoảng 36 nghìn tỷ.

Để không giảm quá mức chi, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị, áp thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức hợp lý. Dự kiến xăng sẽ áp 25% (hiện nay 5%), dầu Diezel sẽ áp 15% (hiện nay đang 0%), dầu Mazut sẽ áp 25% (hiện nay 0%), dầu hỏa áp 25% (hiện nay đang 10%). Chính phủ cũng phấn đầu tăng thu, trên cơ sở rà soát nợ đọng, tăng thêm các khoản thu khác…

Theo dantri.com.vn btp