Vẫn hướng giảm sàn phổ biến, chỉ số chung tiếp tục mất điểm, nhưng giao dịch đã sôi động hơn với khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Nối tiếp mạch của phiên đầu tuần, mở cửa phiên sáng nay, giá chứng khoán đồng loạt giảm sàn. Trong đợt 1, chỉ số VN-Index lao thẳng xuống 313,63 điểm, giảm tới 15,65 điểm, ứng với tỷ lệ giảm 4,75%.
Nhưng thị trường đã có dấu hiệu gắng gượng trở lại. Đà giảm của nhiều cổ phiếu có ảnh hưởng lớn cũng bớt căng thẳng, giảm bớt sự níu kéo đối với VN-Index. Lượng mã tăng cũng đã có thêm nhiều thành viên. Giao dịch đang gợi mở hướng mua vào mạnh.
Từ đợt 2, VN-Index giảm tốc, mức giảm chỉ còn 9,58 điểm. Và kết thúc phiên, chỉ số này chỉ giảm nhẹ (so với phiên hôm qua và diễn biến đầu phiên), chung cuộc mất 6,48 điểm (giảm 1,96%), còn 322,8 điểm.
Khối lượng giao dịch sau những phiên giao động từ 12 – 14 triệu đơn vị toàn phiên đã vọt lên 18,2 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 498,86 tỷ đồng. Khối lượng tăng mạnh cũng là một điểm nhấn đáng chú ý ở phiên này, khi thị trường ở thế bán ra mạnh, dư bán giá sàn lớn.
Có thể đó là một điểm chung trong quyết định của nhiều nhà đầu tư cùng mua vào. Trước thềm phiên này, thị trường đón nhận thông tin từ đại diện Ủy ban Chứng khoán nói về khả năng nhà quản lý sẽ có giải pháp can thiệp tích cực và không để thị trường “rơi tự do” nối tiếp. Tuy nhiên, giải pháp và tính tích cực cụ thể thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Mặt khác, đặt trong tác động từ thế giới, có thể một số nhà đầu tư đang đặt hy vọng vào khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhằm hỗ trợ thị trường. Nếu khả năng này xẩy ra, có thể chứng khoán thế giới sẽ có phản ứng tích cực và tạo sự “lôi kéo” nhất định đối với thị trường trong nước…
Trở lại phiên hôm nay, trong khối lượng giao dịch mạnh vẫn là lượng bán ra khá lớn của khối đầu tư nước ngoài. Khối này bán ra gần 4,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, mua vào gần 2,2 triệu; giá trị tương ứng là 162,5 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.
Về giá chứng khoán, kết thúc phiên đã có 28 mã tăng, 9 ở giá tham chiếu và vẫn còn 127 giảm.
Trong đa số giảm giá vẫn có mặt nhiều cổ phiếu lớn với bước giảm sàn, như VPL, VIC, SSI, PPC, ITA, HPG… Giảm mạnh nhất về giá trị tuyệt đối vẫn là DHG khi mất 4.500 đồng/cổ phiếu; kế đến là VPL, SGH cùng giảm 4.000 đồng/cổ phiếu; VIC, IMP cùng giảm 3.500 đồng/cổ phiếu…
Nhưng cũng đã có những blue-chip hạn chế dần sự níu kéo đối với VN-Index; tiêu biểu như cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất là VNM, chỉ giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, STB giảm nhẹ 200 đồng/cổ phiếu, PVD chỉ giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, FPT giảm nhẹ 1.500 đồng/cổ phiếu…
Riêng DPM hôm nay trở thành cổ phiếu lớn nổi bật với mức tăng trần, thêm 2.200 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ vừa có thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm ấn tượng. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của DPM trong 9 tháng đầu năm 2008 đạt 4.349 tỷ đồng, đạt 98.7% kế hoạch, tăng 67.4% so với cùng kỳ năm 2007; lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2008 đạt 1.583 tỷ đồng, đạt 133% kế hoạch, tăng 71.5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài DPM, một số tên tuổi khác cũng đã cùng lên tiếng ở phiên này, như SJS tăng 500 đồng/cổ phiếu, VSH tăng trần thêm 1.200 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn Hà Nội, chuyển biến mới cũng đã xuất hiện khi khối lượng tăng mạnh trở lại, chỉ số HASTC-Index đảm giảm hẳn đà đổ dốc trước đó.
Đầu phiên, HASTC-Index đã giảm mạnh từ trên 105 điểm xuống hẳn dưới mốc 100 điểm. Nhưng sau một giờ giao dịch, chỉ số này vươn trở lại ấn tượng và chung cuộc chỉ giảm nhẹ 0,14 điểm (0,13%), hiện ở mức 1055,05 điểm.
Kết thúc phiên, tại đây cũng đã có tín hiệu mua vào mạnh khi có 9,78 triệu cổ phiếu giao dịch thành công với giá trị đạt 220 tỷ đồng.
Theo vneconomy