Theo đề tài “Ước lượng của việc tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế” nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản: Thứ nhất, tăng giá điện đối với khu vực tiêu dùng 20% và giữ nguyên đối với khu vực sản xuất. Thứ hai là giá điện tăng cho khu vực tiêu dùng là 20% và khu vực sản xuất là 10%. Cuối cùng, tăng 20% cho cả hai khu vực sản xuất và tiêu dùng.
Kết quả là GDP đều giảm 0,04%; 0,159% và 0,161% lần lượt cho mỗi kịch bản và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng lần lượt là 0,13%; 0,73% và 1,25%.
Ảnh hưởng mạnh đến các hộ nghèo ở nông thôn
Ở khu vực nông thôn, do điện có tính chất của hàng hoá thiết yếu nên người ta buộc phải sử dụng một lượng nhất định mà không nhất thiết phụ thuộc vào thu nhập của họ.
Do đó, việc tăng giá điện sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất đến hộ nghèo theo hai cơ chế sau: trực tiếp làm suy giảm ngân sách do giá điện tăng và gián tiếp làm suy giảm mức sống chung do lạm phát.
Ngoài ra, việc tăng giá điện ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, nếu không có bù đắp hay hỗ trợ thích đáng, sẽ làm giảm tiến trình điện khí hoá nông thôn, có thể gây ra những hệ lụy khác trong quá trình phát triển tổng thể.
Tác động trực tiếp của việc tăng giá điện ít nhiều làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa nông thôn và thành thị do tỷ trọng tiêu dùng điện trong tổng thu nhập của dân thành thị cao hơn.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện không có tác dụng làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối trong nội tại của từng khu vực. Thậm chí, khoảng cách giàu nghèo tương đối ở khu vực nông thôn lại có xu hướng gia tăng.
Không tạo ra môi trường điện cạnh tranh
Cũng theo nhóm nghiên cứu thì nếu chỉ dựa vào lập luận tăng giá điện để tạo sức ép tiết kiệm điện nhằm đạt tới cân đối cung cầu là chưa thật đầy đủ. Lập luận này chỉ là một biện minh cho những cám dỗ rất khó cưỡng lại từ vị thế độc quyền của ngành điện.
Tuy nhiên vì lĩnh vực truyền tải và bán lẻ điện vốn có khuynh hướng độc quyền tự nhiên rất rõ ràng nên các công ty này cần được chú trọng điều tiết một cách thích hợp ngay từ đầu, thay vì việc tạo ra ồ ạt các công ty cạnh tranh nhau.
Nghiên cứu cũng đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia phát biểu trước đó là chúng ta cần chú trọng ưu tiên tự do hoá thị trường sản xuất điện.
Hơn thế nữa, cũng nên tạo một môi trường cạnh tranh cả trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện trên cơ sở tách một số công ty từ EVN, để chúng trở nên độc lập với nhau.
Cần lưu ý đến lạm phát do tâm lý
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, việc tăng mức giá chung khá mạnh sau mỗi lần có điều chỉnh giá của một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện hay nước sạch, chủ yếu mang tính tâm lý.
Tính toán mang tính định lượng cho thấy mức tăng kỹ thuật của phản ứng tăng giá dây chuyền thực ra không quá lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất thường lợi dụng thế độc quyền (ít hay nhiều) sẵn có của mình để tăng giá cao hơn mức cần thiết (ví dụ các hãng taxi tăng giá cao hơn nhiều mức tăng giá kỹ thuật sau khi tăng giá xăng).
Do đó, rút kinh nghiệm từ những bài học như tăng giá xăng, các cơ quan chính sách có thể đẩy mạnh tuyên truyền trước khi tăng giá, để người dân ước tính được mức ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá.
Bên cạnh đó, nhờ những tính toán dựa trên các phương pháp định lượng cụ thể, nhà chức trách có thể quy định trước những khoảng tăng giá đối với một số mặt hàng nhạy cảm có liên quan hoặc chủ động hơn trong việc giám sát việc tăng giá nhờ có những thước đo dựa trên tiêu chí và phương pháp khoa học.
Như vậy, việc hỗ trợ kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp hành chính mới trúng đích và có hiệu quả hơn.