Tin ngành điện

Không ai bảo vệ khách hàng tại Việt Nam

Thứ sáu, 19/3/2010 | 13:55 GMT+7
Vụ việc hàng loạt các hãng xe ôtô ở nhiều nước phải triệu hồi xe (recall) để khắc phục, sửa chữa thời gian gần đây, khiến người tiêu dùng tại VN đặc biệt lo ngại.
Vụ việc hàng loạt các hãng xe ôtô ở nhiều nước phải triệu hồi xe (recall) để khắc phục, sửa chữa thời gian gần đây, khiến người tiêu dùng tại VN đặc biệt lo ngại.

Điều đáng nói là hiện thị trường VN đã có mặt đầy đủ các hãng ôtô danh tiếng, kể cả các xe thương hiệu này được nhập khẩu (NK). Nguyên nhân của tình trạng này ra sao, và ai sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN khi mà hàng rào pháp lý buộc các hãng xe và nhà NK phải công bố chất lượng xe đến người tiêu dùng chưa rõ ràng. Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn ông Dư Quốc Thịnh - Tổng Thư ký Hội Kỹ sư ôtô VN (VSAE) về vấn đề này.

- Ông đánh giá ra sao về việc thời gian qua, hàng loạt các hãng ôtô tên tuổi trên thế giới như Toyota, Honda hay Mercedes buộc phải triệu hồi để sửa chữa, khắc phục?

- Việc triệu hồi xe để sửa chữa, khắc phục đối với các hàng sản xuất trên thế giới là hoạt động rất bình thường, xảy ra thường xuyên. Điều này cũng không chỉ riêng các hãng xe, mà cả các sản phẩm khác như vừa rồi hãng máy tính xách tay Sony Vio cũng phải thu hồi hàng triệu máy tính do sự cố lỗi pin.

Đối với việc các hãng ôtô thời gian qua phải triệu hồi hàng loạt xe cũng không là ngoại lệ. Trong quá trình thiết kế và sản xuất ôtô, việc phát sinh ra các lỗi kỹ thuật của một chi tiết hoặc thiết bị là không cá biệt. Nhiều trường hợp các lỗi bị phát hiện ngay trong quá trình sản xuất, nhà sản xuất tự động thu hồi và thông báo với cơ quan chức năng; nhưng cũng có trường hợp, những lỗi bị phát hiện phải thông qua một quá trình theo dõi, thu thập, thống kê đủ số lượng từ khách hàng sử dụng xe để chứng minh đây là lỗi kỹ thuật đồng loạt...

- Mặc dù các hãng xe sản xuất tại VN (trừ Toyota Việt Nam) đều khẳng định không bị ảnh hưởng bởi lỗi kỹ thuật của xe tương tự sản xuất tại các nước khác, nhưng hiện thị trường VN đã có mặt cả xe ôtô NK, liệu có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN trong trường hợp xe NK bị sự cố lỗi kỹ thuật không, thưa ông?

- Điều này là hoàn toàn có thể nếu quy định của pháp luật chặt chẽ. Hiện nay, ở các nước thường là uỷ ban an toàn giao thông quốc gia sẽ làm trung gian để bảo vệ quyền lợi của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chẳng hạn, nếu người tiêu dùng có phản hồi về lỗi kỹ thuật của xe nào đó phải có đủ chứng cứ theo quy định hiện hành, lỗi đó phải được tập đủ số lượng đến mức độ nào đó để xác định đây là lỗi kỹ thuật của một sêri xe sản xuất ra, chứ không phải là lỗi đơn lẻ.

Trong trường hợp đó, UB An toàn giao thông quốc gia có trách nhiệm buộc nhà sản xuất phải thu hồi xe để khắc phục, sửa chữa lỗi đó. Tuy nhiên, chỉ trừ một số hãng xe sản xuất ở VN có vốn góp của Cty mẹ thì Cty mẹ có nghĩa vụ chính thức, còn các doanh nghiệp XNK ôtô đa phần đều không phải là đại lý chính thức của nhà sản xuất. Vì vậy, nhiều DN thường lẩn tránh trách nhiệm, lờ đi việc bồi thường cho khách hàng nếu có thiệt hại.

Thêm vào đó, quy định đối với việc NK xe chưa chặt chẽ, phải có quy định buộc nhà NK công bố tình trạng xe để người sử dụng biết và đòi quyền lợi. Hoặc, đối với những mẫu xe đang có sự cố kỹ thuật thì phải quy định nhà NK không được NK vào VN. Nếu vẫn NK thì nhà NK phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện không có cơ quan nào giám sát việc này. Nhà NK cũng không công khai tình trạng xe và nên khi xảy ra sự cố kỹ thuật, người tiêu dùng cũng không nhận được sự trợ giúp.

- Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những sự cố liên tiếp vừa qua là do sự tăng trưởng nóng những dòng xe thịnh hành, theo ông, ý kiến này có căn cứ không?

- Tôi không cho rằng tăng trưởng nóng là nguyên nhân, bởi xét về tốc độ tăng trưởng nhu cầu xe hơi toàn cầu trong những năm gần đây còn đi xuống do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Bình quân sản xuất xe hơi dao động từ 51-56 triệu xe. Năm 2009, mức sản xuất chỉ vào khoảng 52 triệu xe, giảm khoảng 4 triệu/năm xe so với năm 2008.

Thế giới cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng âm đối với xe hơi sẽ từ 6-10%/năm. Hơn nữa, các hãng xe đều sản xuất theo đơn đặt hàng nên rất sát nhu cầu, vì vậy rất khó để có thể kết luận sự cố xe là do tăng trưởng nóng...

- Xin cảm ơn ông!

Ông Đỗ Hữu Đức- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: "VN vẫn chưa có các quy định về triệu hồi xe ôtô"

Ở các nước phát triển, việc triệu hồi xe để sửa chữa, khắc phục là một hoạt động hết sức bình thường và xảy ra tương đối thường xuyên đối với tất cả cá hãng sản xuất xe cũng như với người tiêu dùng.

Tuy nhiên ở VN, đến nay vẫn chưa có các quy định này. Việc triệu hồi không chỉ áp dụng cho các trường hợp xe có vấn đề về chất lượng kỹ thuật, mà nhiều khi chỉ do vấn đề về quy cách sản phẩm, ví dụ như tem dán sai ngôn ngữ quy định (thay vì phải sử dụng tiếng bản địa thì lại sử dụng tiếng Anh)...

Thực tiễn trong quá trình thiết kế và sản xuất ôtô, việc phát sinh ra các lỗi kỹ thuật của một chi tiết hoặc một thiết bị... là không hiếm. Nhiều trường hợp, các lỗi này không thể phát hiện được trong các cuộc kiểm tra, thử nghiệm xe để cấp phép sản xuất mà chỉ xuất hiện trong quá trình sử dụng trên một vài sản phẩm hoặc một điều kiện sử dụng đặc biệt nào đó.

Việc phát hiện ra lỗi thường không dễ mà phải thông qua một quá trình theo dõi, thu thập, thống kê ý kiến phản hồi từ khách hàng sử dụng xe, từ việc phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn... Trường hợp phát hiện lỗi kỹ thuật, nhà sản xuất phải báo cáo với cơ quan quản lý xe cơ giới tại nước đó và phải tiến hành triệu hồi, khắc phục lỗi trên các xe đã bán.

Tuy nhiên, VN hiện chưa có các quy định về điều kiện kỹ thuật đối với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, đặc biệt là các quy định về hệ thống bảo dưỡng sửa chữa và các dịch vụ sau bán hàng. Vì vậy, hầu như doanh nghiệp nào, bất kể quy mô lớn hay bé, cũng có thể nhập khẩu hoặc mở cửa hàng bán xe.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp nhập khẩu xe ở Việt Nam lại không phải là đại lý chính thức của nhà sản xuất, chủ yếu là hình thức mua gom, mua chọn từ các cửa hàng bán xe lẻ, các đại lý thứ cấp ở nước ngoài để đưa về Việt Nam nên khi xảy ra các sự cố kỹ thuật đối với xe, người tiêu dùng thường không nhận được sự trợ giúp kỹ thuật của nhà sản xuất.

Do đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng công nghiệp ôtô, nên ở ta, đến nay vẫn chưa có các quy định về việc triệu hồi xe ôtô. Cách đây 5 năm, chúng ta cũng đã đưa việc xây dựng một văn bản pháp lý kỹ thuật về triệu hồi xe vào kế hoạch. Tuy nhiên vào thời điểm đó còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thể thực hiện được. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần sớm ban hành văn bản pháp lý về vấn đề này.

Trước mắt, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nói chung, Cục Đăng kiểm cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này liên hệ ngay với các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối kiểm tra xem xe do mình nhập khẩu có thuộc diện phải triệu hồi để tiến hành sửa chữa, khắc phục hay không?

Đối với các xe ôtô thuộc diện phải triệu hồi thì cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải thông báo tới khách hàng đã mua xe về nội dung phải thay thế, khắc phục, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, tư vấn khách hàng và có báo cáo về cục.

(Theo báo lao động)

btp