Ghi nhận tại Kitco cho thấy, vàng giao ngay trên thị trường NewYork được giao dịch ở mức 1.108,10 – 1.109,10USD/ounce mua vào và bán ra.
Cùng lao dốc
Rạng sáng 11.3, giá vàng trên thị trường New York tụt dốc theo chiều thẳng đứng, từ 1.127USD/ounce xuống 1.103USD/ounce, sau đó dao động xung quanh mức 1.105USD/ounce.
Một thông tin tác động mạnh đến thị trường vàng là chỉ số trượt giá của Trung Quốc trong tháng 2 công bố tăng 2,7%, cao hơn so với mức 2,5% dự báo và so với 1,5% của tháng trước. Điều này khiến nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát.
Bên cạnh đó, báo cáo về thâm hụt ngân sách Mỹ tăng cao càng tạo thêm tâm lý lo ngại rủi ro cho nhà đầu tư. Thêm vào đó là thông tin quỹ đầu tư Gold Trust SPDR đã bán ra 0,61 tấn vàng trong làn sóng bán tháo của giới đầu tư thế giới để chuyển qua các kênh khác hấp dẫn và an toàn hơn là dầu thô, chứng khoán và các cặp tiền có lợi nhuận cao hơn.
Vàng giao ngay giảm 1,27% (14,20USD/ounce) trong tháng qua trên sàn Comex của New York Mercantile Exchange, vàng giao tháng 4 cũng giảm 1,27%. Trong khi đó, dầu thô trong tháng 4 được dự báo là sẽ ổn định, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng đã được ổn định sau, chỉ số USD so với các đồng tiền mạnh trong tháng đã xuống 0,090 điểm đến 80,515 điểm nhưng hiện đang đi vào vùng tích lũy từ mức thấp là 80,315 điểm.
Tại thị trường trong nước, giá vàng tiếp tục giảm thêm. Sáng 11.3, giá vàng miếng do Cty SJC niêm yết giảm khoảng 160.000đ/lượng so với hôm trước: Mua vào 26,47, bán ra 26,53 triệu đồng/lượng. Đến chiều, giá tiếp tục giảm sâu hơn: 26,38- 26,44 triệu đồng/lượng.
Tại các cửa hàng, giá mua bán lẻ cũng giảm xuống 26,35 - 26,45 triệu đồng/lượng. Vàng SBJ - Sacombank giá 26,39 - 26,43 triệu đồng/lượng, vàng Phượng hoàng PNJ 26,40 - 26,44 triệu đồng/lượng... Trong khi đó, giá vàng khớp tại sàn E-Xim chiều 11.3 là 25.500.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giá ngày càng rộng
Tuy mức giảm của giá vàng trong nước được cho là tương đối lớn tùy theo các thương hiệu từ trên 150.000 – 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, trong đợt giảm giá mạnh mẽ lần này trên cả hai thị trường là thế giới và trong nước thì giá vàng trong nước tiếp tục có diễn biến giảm chậm hơn giá thế giới và khoảng cách chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường ngày càng được nới rộng ra. Nếu tính theo tỉ giá các NHTM công bố (áp dụng cho ngày 11.3 tại Vietcombank là 19.080 - 19.100VND/USD mua vào và bán ra) thì giá vàng trong nước vẫn cao hơn gần 1 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (giá nhập khẩu cộng thuế và các chi phí khác).
Trước đó, hồi đầu tháng 2, để bình ổn giá và co mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, NHNN đã yêu cầu Cty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng miếng SJC ra thị trường. NHNN cũng áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong quá trình bình ổn giá vàng. Khi đó, giá vàng thế giới đóng cửa ngày 5.2 ở mức 1.064 - 1.066USD/ounce mua vào và bán ra, giá vàng trong nước ở mức 25,9 triệu đồng/lượng, tỉ giá USD/VND liên NH là 17.941USD/VND và tại Vietcombank là 18.469 - 18.479VND/USD mua vào và bán ra. Lúc đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 600.000 đồng/lượng.
Như vậy, chỉ hơn một tháng sau quyết định bình ổn giá của NHNN, khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại được nới rộng. Tuy mức chênh lệch này chưa cao bằng mức gần 2 triệu đồng hồi cuối năm 2008 và mức trên 1 triệu đồng hồi cuối năm 2009, nhưng nó đang có xu hướng được nới rộng dần.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, mặc dù giá giảm mạnh nhưng giao dịch vẫn chưa sôi động. Theo phòng kinh doanh Cty kinh doanh vàng bạc đá quý SJC, trong ngày 11.3, Cty chỉ bán ra trên 3.000 lượng và mua vào trên 2.500 lượng. Khối lượng giao dịch không tăng so với những ngày trước. Lý do là, theo các phân tích kỹ thuật, vàng vẫn đang nằm trong vùng giảm giá. Thị trường thế giới đang có nhiều thông tin bất lợi cho giá vàng và nhà đầu tư đã ồ ạt bán tháo. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước cũng đang tỏ ra thận trọng hơn trong hoạt động mua vào.