Tin ngành điện

Giá dầu thế giới giảm:Bao giờ hạ giá xăng?

Thứ năm, 4/3/2010 | 08:05 GMT+7
Giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới đang hạ nhiệt — trong khi việc các DN trong nước tăng giá xăng quá cao (590đồng/lít) bị cho là... quá đà. Với việc giá xăng dầu giảm, trước đó Nhà nước cũng đã ban hành cơ chế thuế nhập khẩu, ngừng trích quỹ 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng này...
Giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới đang hạ nhiệt – trong khi việc các DN trong nước tăng giá xăng quá cao (590đồng/lít) bị cho là... quá đà. Với việc giá xăng dầu giảm, trước đó Nhà nước cũng đã ban hành cơ chế thuế nhập khẩu, ngừng trích quỹ 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng này...

Liệu đây có phải là lúc NTD kỳ vọng vào sự giảm giá bán lẻ xăng dầu?

Hạ nhiệt

Ngày 2.3, các hãng thông tin lớn trên thế giới đều công bố mức hạ nhiệt khá mạnh của mặt hàng dầu thô. Cụ thể, giá dầu thô trên thế giới giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 76USD/thùng so với mức gần 80USD/thùng vài ngày trước. Trong khi đó tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm cũng hạ nhiệt.

Xăng A92 có mức giá là 84,570USD/thùng, mặt hàng diesel giá 84,220USD/thùng, dầu hoả có mức giá 83,340USD/thùng, madút giá 461,620USD/tấn. Nếu so với thời điểm các DN tăng giá bán lẻ xăng hôm 21.2 thì đây là mức giảm nhiệt đáng kể. Cụ thể tại thời điểm ngày 21.2, mặt hàng xăng A92 có mức giá tới 86,21USD/thùng, dầu diesel giá tới 88,87USD/thùng, còn dầu hỏa giá 90,7USD/thùng và madút có giá là 515,7USD/tấn.

Cùng với giá xăng dầu thành phẩm và dầu thô hạ nhiệt, trước đó Bộ Tài chính đã ban hành cơ chế khung thuế nhập khẩu mặt hàng này. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu hoả, nhiên liệu bay được áp dụng: 30% khi dầu thô giá từ 45-dưới 60USD/thùng; 25% khi dầu thô giá từ 60-dưới 7USD/thùng; 20% khi dầu thô giá từ 75-95USD/thùng.

Như vậy là khi giá dầu thô ở khung 75-95USD/thùng như thời gian qua, đương nhiên các DN nhập khẩu xăng dầu cũng được giảm thuế. Đặc biệt từ ngày 15.12.2009, các DN kinh doanh xăng dầu cũng đã được phép ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, do ngân sách nhà nước đã thu đủ số tiền tạm ứng cho các DN để tự xử lý số lỗ kinh doanh trước đó.

Một quan điểm phổ biến trong suốt thời gian qua là khi các chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng tăng ở mức 590đ/lít là quá cao. Cần phải lật lại biểu giá xăng để phân tích. Tháng 3.2009, khi giá dầu thô khoảng 50USD/thùng thì giá bán lẻ xăng chỉ là 11.000đ/lít. Khi đó, xăng A92 có giá khoảng 58USD/thùng; diesel giá khoảng 60USD/thùng. Đây cũng là thời điểm các DN chưa phải trích 1.000đ/lít xăng.

Như vậy, khi xăng A92 tăng thêm khoảng hơn 25USD/thùng thì giá bán lẻ trong nước đã tăng tới 6.490đ/lít – tương ứng mức 17.900đ/lít hiện nay. Đây là mức tăng quá cao. Các chuyên gia cho biết theo tính toán thì với mức tăng của giá xăng dầu thế giới vừa qua, các DN chỉ cần tăng thêm 400đ/lít xăng thì đã có lãi.

Cần kiểm soát giá và... chờ giảm giá

Việc giá dầu trên thế giới hạ nhiệt đã tạo đà cho giá xăng dầu thành phẩm đang hạ theo. Bên cạnh đó, việc chỉ phải chịu 20% thuế suất và không phải trích 1.000đ/lít xăng chính là cơ hội để các DN có thể tính toán đến chuyện giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên trên thực tế, đây có lẽ chỉ là... kỳ vọng của NTD mà không dễ gì các DN kinh doanh xăng dầu đáp ứng.

Tuy nhiên theo cách nhìn của các chuyên gia kinh tế thì với cơ chế kinh doanh hiện nay, thị trường khó lòng chờ đợi sự giảm giá tự nguyện từ phía DN. Chính vì thế, đây cũng là lúc vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy. Theo TS Nguyễn Quang A thì với vai trò độc tôn của Petrolimex hiện nay (chiếm hơn 60% thị phần), các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khác không dám tăng hay giảm giá qua mặt “đại gia” này. Từ đây, tính cạnh tranh giữa các DN đã bị triệt tiêu.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì đúng là kiểm soát độc quyền là rất khó. Thế nhưng, khó thì vẫn cần phải làm và càng khó thì vai trò giám sát càng phải được tăng cường. Các chuyên gia khác cũng cho rằng, trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong đó xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động mạnh và tác động đến giá thành đầu vào của hầu hết sản phẩm thì việc kiểm soát, thậm chí là “kiểm soát đặc biệt” về giá là rất cần thiết.

Cũng theo các chuyên gia, việc đưa các mặt hàng dần tiếp cận với giá thế giới là xu hướng lành mạnh. Thế nhưng, cần tính toán kỹ là tăng vào thời điểm nào và mức tăng như thế nào.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, cần tránh việc tăng giá xăng quá sốc vì rất có thể sẽ tạo ra những tác động xấu. Theo đại diện DN và cơ quan quản lý thì các đơn vị này đang theo dõi diễn biến giá. Khi đủ điều kiện giảm giá thì sẽ thực hiện ngay, để chia sẻ gánh nặng đối với NTD và nền kinh tế.

(Theo báo lao động)

btp