Tin ngành điện

Sẽ giám sát chặt các PMU giao thông vận tải

Thứ ba, 2/3/2010 | 15:24 GMT+7
Năm 2010, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khối lượng khổng lồ 40.000 tỉ đồng - vượt khối lượng giải ngân năm 2009 tới hơn 20%. Đây là một chỉ tiêu khá cao và không dễ hoàn thành, trong bối cảnh kinh tế được dự đoán là không thuận lợi hơn năm 2009.
Năm 2010, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khối lượng khổng lồ 40.000 tỉ đồng - vượt khối lượng giải ngân năm 2009 tới hơn 20%. Đây là một chỉ tiêu khá cao và không dễ hoàn thành, trong bối cảnh kinh tế được dự đoán là không thuận lợi hơn năm 2009.

Chính vì vậy, vai trò của các ban quản lý dự án (PMU) hết sức quan trọng. Bộ GTVT chủ trương phân cấp mạnh cho các PMU làm chủ đầu tư trực tiếp dự án để nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, siết chặt khâu giám sát nhằm tránh “vết xe đổ” của PMU18.

PMU thoát dần cảnh chủ đầu tư “hờ”

Công bằng mà nói, năm 2009 Bộ GTVT giải ngân đạt 33.000 tỉ đồng có sự đóng góp không nhỏ của các PMU. Việc triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 2 tháng đầu năm 2010 cũng khá tốt . Dự kiến hết quý I/2010, toàn ngành có thể giải ngân được khoảng 30-40% kế hoạch cả năm, bao gồm thanh toán cả một phần khối lượng đã hoàn thành trong năm 2009.

Cơ chế thí điểm phân cấp làm chủ đầu tư trực tiếp các dự án cho các PMU được coi là đòn bẩy hữu hiệu tạo nên những kết quả trên .Thời gian qua, PMU Mỹ Thuận và PMU 1 đã được Bộ GTVT thí điểm giao trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án. Đồng thời, việc phân cấp cho các cục chuyên ngành, các PMU làm chủ đầu tư dự án vừa và nhỏ ngày càng nhiều hơn. Cách làm này giúp các cục và các PMU thoát cảnh chủ đầu tư “hờ”, có thực quyền hơn và trách nhiệm cũng vì thế rõ ràng hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, hiện Bộ GTVT chỉ trực tiếp làm chủ đầu tư những dự án lớn. Cụ thể là 25 dự án, còn lại phân cấp cho các cục quản lý chuyên ngành, các PMU và các sở GTVT. Đây cũng là cách gỡ về cơ chế để tăng năng lực cho các PMU đủ khả năng hấp thu một khối lượng vốn khổng lồ ngày càng tăng trong năm 2010 và những năm sau. Sau khi giao thí điểm làm chủ đầu tư dự án cho Ban QLDA 1 và Ban QLDA Mỹ Thuận, bộ sẽ tiến hành tổng kết, đúc rút những mặt được và hạn chế của việc làm này để xem xét việc tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, có thực quyền thì trách nhiệm cũng nặng hơn. Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xây dựng các thể chế để kiểm soát, giám sát viêc quản lý các dự án một cách chặt chẽ, hiệu quả.

“Các cơ quan chức năng của bộ cần xây dựng đơn giá, định mức phù hợp hơn với thực tế thị trường, giúp các doanh nghiệp quản lý hợp lý hơn; công tác tư vấn giám sát cũng cần nâng cao và phát huy đúng vai trò của mình.

Bộ sẽ xây dựng ban hành mô hình khung các PMU, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và các phòng chức năng trong PMU theo định hướng phân cấp mạnh và quy trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, khi giao quyền cho các chủ đầu tư thì vai trò giám sát, kiểm soát của bộ phải thực hiện một cách chặt chẽ. Nếu công tác giám sát không nghiêm ngặt thì rất khó kiểm soát được việc triển khai, thực hiện của các chủ đầu tư” - người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh.

Những thách thức đặt ra

Tuy nhiên, hiện trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân XDCB của ngành đang nổi lên không ít khó khăn, vướng mắc. Vấn đề nguồn vốn đầu tư cho các dự án đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn hiện hữu. Đơn cử, vốn đối ứng ODA năm 2010 Chính phủ chỉ ghi khoảng 2.000 tỉ đồng, trong khi nhu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công các dự án trọng điểm là rất cao.

Cụ thể năm 2010, các dự án như cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai III giai đoạn 2... qua giai đoạn khởi động, bắt đầu vào giai đoạn thi công cấp tập cần nhiều vốn. Mặt khác, vốn ODA năm 2010 ghi 3.000 tỉ đồng, nhưng thực tế năm 2009 đã giải ngân tới 6.000 tỉ đồng và năm nay có thể lên đến 10.000 tỉ đồng.

Nguồn vốn trái phiếu chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT năm 2010 là khoảng 12.000 tỉ đồng; trong khi đó , với năng lực hiện tại có thể thực hiện đến 17.000 tỉ đồng. Nguồn vốn xã hội hoá theo kế hoạch giải ngân 15.000 tỉ đồng, nhưng thực tế năm nay có thể lên đến 20.000 tỉ đồng. Đây cũng là thách thức không nhỏ với Bộ GTVT.

Một vấn đề khó khăn muôn thuở là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do vướng quá nhiều điểm GPMB. Đơn cử như đường Láng - Hoà Lạc, đường vành đai 3, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Ngoài ra, việc phấn cấp cho các cục chuyên ngành trực tiếp làm chủ đầu tư bên cạnh lợi ích tăng quyền chủ động, năng lực quản lý dự án của các cấp này còn tạo ra nguy cơ sai phạm cao khi các PMU lần đầu thực hiện các dự án lớn . Cũng đã có những trường hợp bộ phải “thổi còi” như với Cục Đường sắt VN vừa qua.

(Theo báo lao động)
btp