Tin ngành điện

Đề án tái cơ cấu ngành điện: Cần, nhưng chưa thể vội

Thứ năm, 6/8/2009 | 07:49 GMT+7
Thủ tướng vừa có kết luận về Đề án tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công Thương trình, trong bối cảnh việc đầu tư các dự án nguồn điện trong Tổng sơ đồ 6 đang rất bức bách.

Thủ tướng vừa có kết luận về Đề án tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công Thương trình, trong bối cảnh việc đầu tư các dự án nguồn điện trong Tổng sơ đồ 6 đang rất bức bách.

Việc đảm bảo đủ điện để phát triển kinh tế - xã hội đang là mục tiêu lớn nhất, đòi hỏi phải thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào điện, giá điện từng bước theo giá thị trường. Song, việc cải tổ ngành điện vẫn cần có lộ trình.

Theo kết luận của Thủ tướng, ngoài Tập đoàn Điện lực VN (EVN), các DN nhà nước lớn là Dầu khí VN (PVN) và TĐ CN Than - Khoáng sản VN (TKV) sẽ là những DN chủ đạo, chiếm tỉ trọng chi phối tổng công suất nguồn điện cả nước. Hiện các nguồn điện được quy hoạch trong Tổng sơ đồ điện 6 (TSĐ6) để đáp ứng nhu cầu điện đến năm 2015 và các năm tiếp theo đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát thực hiện.

Tuy nhiên, với các dự án mà CĐT không có khả năng triển khai thì giao cho chủ đầu tư khác thực hiện. Các dự án chưa có CĐT thì bộ khẩn trương tìm CĐT để đảm bảo tiến độ công trình nguồn. Thủ tướng yêu cầu việc tái cơ cấu ngành điện phải đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao cho nền kinh tế, gắn với thực hiện cơ chế thị trường về giá điện.

Theo đề án được Bộ Công Thương trình, Thủ tướng cũng giao EVN chủ trì nghiên cứu xây dựng việc tổ chức lại các đơn vị phát điện thành các Cty phát điện độc lập, chú ý quy mô, loại hình công nghệ, năng lực tài chính, lộ trình thực hiện với bước đi thích hợp. Trong quý III/2009, EVN sớm trình đề án thành lập các TCty điện lực làm nhiệm vụ phân phối điện thuộc EVN, bao gồm: 3 TCty điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Hà Nội, TPHCM, hoạt động theo mô hình Cty mẹ-Cty con. 5 TCty này thành lập trên cơ sở tổ chức lại các Công ty điện lực 1, 2, 3, Hà Nội, TPHCM và các công ty điện lực tỉnh- Cty TNHH 1 thành viên đang trực thuộc EVN.

Nhiều ý kiến trước đó cho rằng, có thể thực hiện ngay việc tách các khâu trong quá trình phát điện trước thuộc EVN, nay sẽ ra độc lập do Nhà nước quản lý, như TCty Mua - bán điện quốc gia và TCty Điều độ điện quốc gia ra khỏi EVN và không trực thuộc bất kỳ tập đoàn kinh tế nào, để khắc phục tình trạng EVN "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Trong văn bản của Thủ tướng, vấn đề này cũng được đề cập.

Trước mắt, để khắc phục những vướng mắc khi đàm phán giá mua - bán điện giữa các nhà đầu tư và EVN, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thành lập tổ công tác đàm phán giá mua điện cho EVN với các chủ đầu tư bên ngoài. Tổ công tác này thay vì chỉ có một mình EVN trước đây - sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian đàm phán - thì thành phần tới đây, ngoài EVN sẽ gồm cả đại diện Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Nguyên tắc đàm phán là sẽ xuất phát trên cơ sở suất đầu tư cho từng loại công nghệ sản xuất (như thuỷ điện, nhiệt điện than, khí...), bảo đảm lợi nhuận hợp lý, minh bạch tài chính, có tính quyền lợi của các bên: Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng sử dụng điện.

Đối với khâu điều độ hệ thống điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương ban hành quy chế điều độ hệ thống điện quốc gia, trong đó quy định cụ thể phương pháp lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, có chế tài xử phạt đối với các đơn vị không tuân thủ khi tham gia thị trường điện.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tái cơ cấu ngành điện để có thị trường điện cạnh tranh cần phải đẩy nhanh hơn, đi đôi với nó là việc thực hiện có chế giá điện hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Khi thị trường điện cạnh tranh thì giá điện sẽ không tạo sức ép tăng giá.

(Theo báo lao động số 175)

btp