Âm thầm và bền bỉ, ĐTDĐ thương hiệu Việt (THV) đang ngày càng lấn sân, và đã trỗi dậy trở thành một thế lực thực sự trên thị trường ĐTDĐ VN. Điều này, không những bất ngờ, mà còn được cho là "khó mà tin được" như chính ông Vũ Trọng Hữu - Tổng GĐ Cty TNHH XNK Vũ Hoàng Hải (VHH) - đã nói.
Dòng chảy người tiêu dùng (NTD) Việt đến với ĐTDĐ THV đã mang đến nụ cười và cả những hi vọng cho các doanh nghiệp VN.
Một thời không bền vững
Khoảng ba năm về trước, cùng với làn sóng ĐTDĐ Trung Quốc (TQ) tràn vào VN, nhiều DN VN đã sang Thâm Quyến đánh hàng và dán lên nhãn mác mà mình tự đặt để rồi... tự tôn lên thành ĐTDĐ THV. Tuy nhiên, các dòng ĐTDĐ được gọi là THV khi ấy thực chất theo kiểu "hồn Trương Ba da hàng thịt".
Thậm chí còn không được như thế. Nhiều DN VN sang Thâm Quyến, vào các chợ, chọn mẫu và đặt dán nhãn mác theo ý và nhập về VN, chỉ biết bán để kiếm lời chứ không hề có hệ thống về bảo hành tử tế, càng không có những cơ sở chăm sóc khách hàng bài bản. Hậu quả của cách làm ăn kiểu này, cùng với làn sóng ĐTDĐ TQ kém chất lượng ồ ạt tràn sang, khiến NTD VN lãnh đủ. Mỗi sản phẩm sử dụng được vài ba tháng là nảy sinh vấn đề nhưng NTD khó mà kêu ai.
Tình trạng này khiến cho ĐTDĐ TQ và các dòng ĐTDĐ THV kém chất lượng bị NTD quay lưng một thời gian khá dài. Mãi cho đến năm 2007 mới xuất hiện một sự nhen nhóm mới trên thị trường. Theo ông Ngô Nguyên Kha - Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Cty P&T Mobile: "Đó cũng là khoảng thời gian xuất hiện một số nhãn hiệu ĐTDĐ TQ có chất lượng tử tế. Những thương hiệu này sau khi thành công ở TQ đã kiếm đường XK, trong đó có VN, như các thương hiệu Mobell, K-Touch, Wellcom...".
Làm thương hiệu kiểu mới
Cách làm ĐTDĐ THV kiểu cũ, là "ăn xổi ở thì" nên không bền vững. Từ đây, những định hướng mới được các DN có kinh nghiệm, kiến thức về quản trị và thị trường trong quá trình làm ăn với các DN Âu-Mỹ đã được vạch ra. Vẫn có dư luận cho rằng, các thương hiệu Mobell, K-Touch, Cayon là thương hiệu TQ. Tuy nhiên ông Vũ Trọng Hữu cho biết: "Lúc đầu các thương hiệu như Mobell, K-Touch vào VN do tự thân họ.
Tuy nhiên sau đó, Cty VHH đã hợp tác làm ăn, không chỉ đơn thuần NK và phân phối, mà còn thường xuyên hợp tác với bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của đối tác để điều chỉnh từ thiết kế kỹ thuật, kiểu dáng đến các tính năng để phù hợp với thị trường VN. Chính từ đây, các thương hiệu do VHH phân phối mới được nhiều người biết đến.
"Ngoài vấn đề chất lượng là hàng đầu, hai yếu tố quan trọng còn lại để xây dựng thương hiệu thành công là kinh phí và cách làm. VHH đã phải chi cả triệu USD một năm để làm thương hiệu cho mình". VHH cũng khép kín quy trình làm việc của phòng truyền thông từ việc tìm ý tưởng, thiết kế, chọn người mẫu, hợp tác với các studio thực hiện hình ảnh v.v...
Theo ông Ngô Nguyên Kha, sự khác biệt cơ bản trong cách làm thương hiệu kiểu mới chính là sự bài bản và đầu tư tới nơi tới chốn. DN VN không chỉ chọn lựa kỹ đối tác cung cấp sản phẩm, mà còn can thiệp vào quá trình thiết kế sản phẩm, thổi vào thương hiệu một triết lý kinh doanh sống động, như thương hiệu ĐTDĐ Mobistar có câu khẩu hiệu (slogan) "Enjoy More" (Thưởng thức nhiều hơn); còn Cty Viễn thông An Bình (ABTel) thì lấy câu "Q-Mobile - giá trị đích thực của bạn" làm phương châm phục vụ NTD. Chính vì thế, sản phẩm ĐTDĐ THV ngày nay ghi đậm dấu ấn của DN VN chứ không đơn thuần chỉ là mua máy tại các chợ ở Thâm Quyến và dán nhãn lên.
Thế lực mới trên thị trường
|
Hệ thống bán lẻ ĐTDĐ của VN phát triển mạnh đã tạo cơ hội để đtdđ thv đến với NTD nhiều hơn. Ảnh: CTV. |
Q.Mobile là thương hiệu Việt khai phá hướng đi bền vững cho riêng mình sớm nhất trong số các thương hiệu ĐTDĐ VN. Có luồng ý kiến thiếu thiện chí bắt bẻ: "ĐTDĐ THV thì cũng là của TQ cả thôi?". Trên thực tế, ngay cả các đại gia Nokia, Samsung hiện giờ cũng sản xuất nhiều tại Trung Quốc, và cũng lấy linh kiện từ các nhà cung cấp Đài Loan, TQ... Vấn đề quan trọng là sự kiểm soát chất lượng.
Ông Nguyễn Quang Minh - GĐ ABTel - cho biết: "Dự án Q-Mobile đã xây dựng từ bốn năm trước ngay khi ông còn làm nhà phân phối cho Siemens và sau đó là BenQ-Siemens. Quãng thời gian đó tôi có dịp đi tham quan nhiều trung tâm thiết kế của Siemens và BenQ và rút ra được các ý tưởng, kế hoạch cho riêng mình". Q-Mobile không chỉ hợp tác với các Cty thiết kế của TQ, Hàn Quốc mà còn thuê cả người Đài Loan làm chuyên gia kiểm tra chất lượng cho mình.
Mới được thương mại hoá 14 tháng nhưng nay Q.Mobile đã đánh bật không ít đại gia thế giới khỏi vị trí số 2, số 3 tại thị trường VN. Đến ngày 21.7, chỉ tại khu vực TPHCM, Q-Mobile đã bán được hơn 70.000 máy ĐTDĐ. "Năm 2009 chúng tôi đánh số lượng bán ra đến 2,5 triệu chiếc", ông Minh nói. Trong khi đó, Cty VHH, có sản phẩm bán tại nhiều hệ thống bán lẻ lớn. Thống kê tại một hệ thống bán lẻ, từ ngày 12-19.7, sản phẩm của Cty bán ra đứng thứ hai, vượt lên không ít đại gia nước ngoài.
Số thương hiệu ĐTDĐ VN đang ngày càng đông lên. Mới nhất là Mobistar của P&T Mobile, FPT... Chưa bao giờ các đại gia thế giới cảm thấy lo lắng trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của các dòng ĐTDĐ THV. THV càng khẳng định mạnh mẽ và vững chắc hơn ở phân khúc thị trường ĐTDĐ có giá từ 2-2,5 triệu đồng trở xuống.
- Giá cước di động giảm và những chương trình khuyến mãi ồ ạt của các nhà mạng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng ĐTDĐ tăng mạnh. Hiện nay, lứa tuổi từ 18-45 tuổi có nhiều người sử dụng hai máy ĐTDĐ. Chiếc máy thứ hai, thường là loại giá bình dân. Đây là yếu tố thúc đẩy phân khúc thị trường thiết bị đầu cuối giá từ 1-50USD/chiếc tăng mạnh từ chưa đầy 3 triệu chiếc lên 6 triệu chiếc trong hai năm 2007-2008, tiếp đến là các dòng máy giá từ 50-100USD, 100-150USD.
- Thành lập CLB/chi hội doanh nghiệp ĐTDĐ thương hiệu Việt: Đây là một nhu cầu đã được không ít DN làm ĐTDĐ THV bày tỏ nhằm để "buôn có bạn, bán có phường", đặc biệt là để có sự hợp tác tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, tránh tình trạng bán phá giá, chèn ép, chơi bẩn của các đối thủ. Cộng đồng này cũng sẽ tạo ra sự sàng lọc đối với các THV trá hình nhưng thực chất là làm ăn chụp giật, không có đầu tư chiều sâu bài bản.
(Theo báo lao động cuối tuần)