Mưa dầm đúng vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu đã khiến nông dân Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng. Không chỉ gánh chi phí "leo thang", nhiều nông dân phải khóc theo mưa vì không kiếm đâu ra chỗ tránh mưa cho lúa - lúa xuống màu, lên mộng, phải bán với giá thấp.
Mưa dầm đúng vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu đã khiến nông dân Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng. Không chỉ gánh chi phí "leo thang", nhiều nông dân phải khóc theo mưa vì không kiếm đâu ra chỗ tránh mưa cho lúa - lúa xuống màu, lên mộng, phải bán với giá thấp.
Quặn lòng dưới mưa
Đi dọc con lộ liên huyện hơn chục cây số từ huyện Tân Hồng về thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) mà lòng tôi như se thắt trước cảnh bà con nông dân đang thối ruột nhìn thóc xuống màu, lăm le nhe mộng dù đã lấn lộ đến sát tim đường để phơi hong. Anh Đoàn Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng - cho biết: Dù vắt kiệt sức chở che cho hạt lúa dưới mưa, nhưng sau hàng chục ngày trầm mình trong ẩm thấp, nhiều đống lúa đã chuyển màu xám xịt.
Bán lúa ướt thì đỏ mắt cũng không thấy người mua, còn tìm máy sấy thì càng khó hơn. Ông Dương Nghĩa Quốc - Phó GĐ Sở NNPTNT Đồng Tháp - nói: "Toàn tỉnh có khoảng 700 lò sấy các loại, nhưng do nhiều bà con cùng lúc có nhu cầu sấy lúa chạy mưa nên đã quá tải".
Mưa ròng rã, bị đổ ngã, nhiều thửa ruộng bị giảm năng suất. Nhưng khó nhất vẫn là khâu thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, kể: "Chỉ có 13 công đất mà máy gặt đập liên hợp cũng "bó tay", vì hì hục đến 4 ngày mà vẫn chưa xong". Trong khi đó, nhân công cắt lúa như đang trên đỉnh cao "cơn sốt khan hiếm". Dù chấp nhận trả với giá 300.000 đồng/công, nhưng nhiều bà con ở các huyện: Thanh Bình, Lai Vung, Cao Lãnh... vẫn khó tìm được thợ.
Còn tại An Giang, Kiên Giang, nhiều nông dân cũng bất lực nhìn đống lúa dưới lớp caosu đang bốc mùi chua - dấu hiệu ban đầu của quá trình lên mộng - vì thiếu máy sấy. Theo TS Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT - đó cũng là tình cảnh của đại bộ phận nông dân ĐBSCL khi số máy sấy chỉ đáp ứng 25% nhu cầu.
Nguy cơ thua lỗ
|
Nhiều nông dân đã đưa lúa ra sát tim lộ đường giao thông để phơi mà vẫn không thoát cảnh lúa lên mộng. Ảnh: L.T |
Lúa hè thu "mắc mưa", từ nhiều năm nay đã trở thành chuyện thường niên ở ĐBSCL. Duy có điều năm nay nó xuất hiện trong bối cảnh hạt lúa đang trải qua một mùa vụ có quá nhiều rủi ro nên được xem như cú chạm đẩy người nông dân đến nguy cơ thua lỗ. Ông Trần Văn Yên, nông dân ấp Hòa Tây A, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang), tính toán: Tiền công cắt, bó rồi tiền thuê cộ trâu kéo lúa, tiền bốc vác, tiền sấy... đã đẩy tổng chi thu hoạch lên đến trên 6 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, theo Th.S Nguyễn Hữu An - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang - hè thu 2009 là vụ lúa khó khăn, tốn kém nhất trong vài năm gần đây. Đợt xuống giống trà đầu gặp ngay lúc mưa bão, nhiều thửa ruộng phải sạ lại, làm đảo lộn kỹ thuật sạ hàng, tốn nhiều chi phí tưới tiêu, phun xịt phòng trừ sâu bệnh.
Rồi sau đó trà lúa này còn bị bệnh đạo ôn bùng phát mạnh. Chi phí đầu tư cao mà năng suất rất khiêm tốn (5,08 tấn/ha). Trà lúa thứ hai thì gặp dịch rầy nâu khi mới "cong trái me".
Theo tính toán của nhiều nhà nông, với năng suất 5,3 tấn/ha, giá thành lúa hè thu 2009 dao động từ 3.500- 4.000 đồng/kg. So giá thu mua trên thị trường từ 4.100- 4.200 đồng/kg, mức lãi nông dân thu được nằm dưới đáy mức khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ (40%). Tuy nhiên, đó chưa phải là giới hạn cuối cùng vì giá thu mua lúa trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Theo tính toán của các nhà nông học, phần lớn diện tích trà lúa cuối trổ bông vào thời điểm mưa bão vừa qua, cộng với dịch rầy nâu đang bùng phát mạnh nên khả năng lép hạt sẽ rất cao, năng suất sẽ dưới 5 tấn/ha và màu sắc, chất lượng hạt lúa cũng sẽ xấu hơn.
(Theo báo lao động số 166)
btp