Tin ngành điện

Quy hoạch mới về kinh doanh nông sản, thực phẩm:Khó khả thi

Thứ tư, 5/8/2009 | 10:16 GMT+7
Từ 10.8, quyết định về phê duyệt Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM sẽ có hiệu lực. Theo đó, chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được kinh doanh lẻ rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản...

Từ 10.8, quyết định về phê duyệt Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM sẽ có hiệu lực. Theo đó, chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được kinh doanh lẻ rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản...

Hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chỉ được tập trung tại 3 chợ đầu mối. Quy định này nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nông sản, thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cho thấy quy định này chưa ổn và khó khả thi.

Mục tiêu tốt

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, mục tiêu của quy hoạch này nhằm chấn chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Trong đó, đặc biệt là nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Mặt khác, việc quy hoạch lại mạng lưới kinh doanh mặt hàng này còn nhằm đảm bảo an toàn giao thông đô thị.

Hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm ở TP chỉ được tập trung tại 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm gồm chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền (ngoại trừ các điểm bán buôn nông sản, thực phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép). Quy định cũng nêu rõ, các tuyến đường bao quanh 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn không được kinh doanh nông sản, thực phẩm dưới mọi hình thức.

Quy hoạch mới cũng ghi rõ: Các mặt hàng thuộc nhóm thịt gia súc, gia cầm (tươi, đông lạnh, sơ chế), thuỷ sản (tươi, đông lạnh, khô - mắm), các loại rau, củ, quả (tươi, đông lạnh) chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi.

So với quy hoạch về kinh doanh nông sản, thực phẩm năm 2003, quy hoạch mới đã thoáng hơn ở điểm tháo bỏ quy định một số tuyến đường tại quận 1, 5, 6, Gò Vấp không được kinh doanh nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, quy hoạch mới lại đưa ra quy định việc bán lẻ rau củ quả, gia súc - gia cầm, thuỷ hải sản chỉ được bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi, khiến không ít người kinh doanh bán lẻ mặt hàng này lo ngại.

Kinh doanh lương thực, thực phẩm phải được quy hoạch quy củ và an toàn.

Nhưng khó khả thi

Trên thực tế, quy hoạch này khó có thể thực hiện được từ 10.8. Theo Sở Công Thương TP, hiện TP có khoảng 238 chợ có phép hoạt động. Trong số này, hầu hết các chợ đều có cảnh mua bán ngoài lề - xung quanh chợ, trong đó, 3 nhóm hàng rau củ quả, gia súc - gia cầm, thuỷ sản thường xuyên được bày bán, kể cả các chợ thuộc loại có tầm cỡ như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Phạm Văn Hai... Đó là chưa kể đến, các chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường. Thế nên, đến ngày 10.8, quy định dẹp các sạp kinh doanh thực phẩm, rau củ quả ngoài lề các chợ trên thực tế sẽ rất khó khả thi.

Mặt khác, hệ thống các siêu thị, cửa hàng văn minh tiện lợi hiện nay chưa xây dựng đủ mạng lưới để có thể đáp ứng nhu cầu NTD, nhất là nếu như dẹp các đối tượng kinh doanh ngoài 3 thành phần như quy hoạch mới.

Điểm qua mạng lưới phân phối nông sản, thực phẩm tại TPHCM cho thấy, hiện nay ngoại trừ các siêu thị, một vài cửa hàng co.op food mới mở, một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan, Phú An Sinh, CP mart cùng hệ thống cửa hàng tiện lợi như 24h, Shop&Go, Foodcomart..., TPHCM không có nhiều cửa hàng văn minh tiện lợi kinh doanh hàng nông sản thực phẩm đông lạnh lẫn tươi sống. Một số trung tâm thương mại, dù có kinh doanh mặt hàng này nhưng cũng không nhiều...

Từ 10.8, tại TPHCM, chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng văn minh tiện lợi mới được kinh doanh lẻ rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Mặt khác, hiện không ít người kinh doanh các mặt hàng kể trên lo ngại việc cấm bán lẻ các mặt hàng trên (trừ chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi văn minh) trên toàn TP, có vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân? Đối với những điểm kinh doanh đang có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có bị rút lại giấy phép, buộc chuyển đổi ngành nghề và thế nào là cửa hàng tiện lợi văn minh?

Chị Mai Hương - kinh doanh gia súc, gia cầm tươi sống - đông lạnh tại nhà ở đường số 8, quận 2 - thắc mắc: "Với quy định trong quy hoạch mới phê duyệt, sẽ có hàng ngàn tiểu thương đang kinh doanh tại gia phải ngừng do không thuộc các thành phần được phép kinh doanh lẻ các mặt hàng này. Đời sống hàng ngàn hộ tiểu thương sẽ ra sao? Cửa hàng thế nào được cho là cửa hàng văn minh, tiện lợi để được phép kinh doanh? Tuy nhiên, chắc chắn một điều là để trở thành cửa hàng đạt chuẩn văn minh, tiện lợi, sắp tới, các tiểu thương sẽ phải đầu tư. Điều này không thể nào một sớm một chiều thực hiện được, để có thể thực hiện trong khoảng thời gian tới 10.8.2009".

Các tuyến đường không được bán lẻ hoặc lập kho chứa hàng nông sản, thực phẩm

Quận Thủ Đức: Quốc lộ 1A, quốc lộ 13 (phường Tam Bình, Hiệp Bình Phước); Đường Gò Dưa, Tô Ngọc Vân, Ngô Chí Quốc (phường Tam Bình); Tỉnh lộ 43 (phường Tam Bình, Bình Chiểu).

Quận 8 - huyện Bình Chánh: Đại lộ Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, Bình Chánh); Đường Hoàng Đạo Thúy (thuộc phường 7, quận 8 và nối dài quốc lộ 1A, Bình Chánh); Đường 36m thuộc phường 7, quận 8 và ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh; Đường Rạch Cát - Bến Lức; Khu dân cư Bến Lức, Bình Điền, khu dân cư D, E - quận 8, khu đường sông liền kề với chợ đầu mối Bình Điền.

Huyện Hóc Môn: Đường Nguyễn Thị Sóc thuộc các xã Tân Xuân, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Thượng, Bà Điểm; Quốc lộ 22 thuộc các xã Trung Chánh, Bà Điểm, Tân Xuân, Xuân Thới Đông; Đường không tên, xã Trung Chánh.

(Theo báo lao động số 175)

btp