Tin ngành điện

Chứng khoán ngày 25/11: Đã lên điểm!

Thứ ba, 25/11/2008 | 13:24 GMT+7
Sau chuỗi 6 phiên trượt nhẹ, VN-Index đã tăng điểm trở lại, nhưng thị trường vẫn thiếu động lực để tạo một đợt sóng lớn.

Sau chuỗi 6 phiên trượt nhẹ, VN-Index đã tăng điểm trở lại, nhưng thị trường vẫn thiếu động lực để tạo một đợt sóng lớn.

Phiên đầu tuần hôm qua được xem là sự thận trọng chung của giới đầu tư trước tình huống nhạy cảm trên thị trường thế giới, cụ thể là trường hợp của Citigroup.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), thị trường trong nước vẫn chịu tác động mạnh từ thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Và khi trường hợp Citigroup được Chính phủ Mỹ hỗ trợ, chứng khoán nước này tiếp tục lên điểm sẽ là một yếu tố hỗ trợ khả năng quay đầu cho VN-Index.

Và sáng nay, hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam đã có được phiên lên điểm nhẹ, tạm cắt cơn 6 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Mức tăng khiêm tốn 2,21 trong đợt 1 được giữ nhịp suốt phiên. Đóng cửa, VN-Index ở mức 320,33 điểm, tăng 2,4 điểm (0,75%).

Thị trường đã lên điểm, nhưng vẫn đang thiếu động lực để có thể tạo một đợt sóng lớn, một bước tăng mạnh và giao dịch sôi động. Hay nói theo cách bình luận của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), thời điểm này thị trường vẫn đang thiếu năng lượng, nhiều nhà đầu tư vẫn đang ở thế bên lề.

Đây là phiên nối tiếp của không khí giao dịch ảm đạm. Sau phiên “ấm” lên cuối tuần trước, giao dịch hôm nay lại trở về với vùng thấp nhất kể từ đầu tháng về khối lượng. Toàn phiên chỉ có 11,3 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công với 316,4 tỷ đồng giá trị, giảm nhẹ so với phiên đầu tuần.

Hướng tăng điểm đã trở lại nhưng vẫn chưa kích thích lực cầu vào sàn mạnh. Bên cạnh đó, thị trường đang đón nhận khá nhiều thông báo niêm yết mới, tạo một bước chuyển lớn của nguồn cung vào thời điểm cuối năm trên sàn niêm yết.

Riêng trong phiên hôm nay, không khí giao dịch chung chùng xuống, nhưng khối đầu tư nước ngoài đã giao dịch mạnh trở lại, dù họ vẫn tiếp tục bán ròng. Thống kê của HOSE cho thấy khối ngoại đã đẩy mạnh mua vào với hơn 2,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với giá trị đạt trên 93 tỷ đồng (phiên liền trước chỉ có hơn 0,6 triệu với 25,6 tỷ đồng); họ cũng bán ra mạnh với hơn 3,4 triệu đơn vị ứng với giá trị 124,5 tỷ đồng (phiên trước là hơn 1,5 triệu đơn vị với 53,3 tỷ đồng).

Đầu tàu khối lượng giao dịch vẫn là STB của Sacombank, nhưng chỉ có hơn 1,6 triệu đơn vị khớp thành công. Kế đến là SSI, VNM, FPT và VIP, những mã thuộc nhóm dẫn đầu giao dịch trong những phiên vừa qua.

Về giá chứng khoán, đây là phiên lượng mã tăng chiếm đa số với 84 mã, lượng mã giảm chỉ còn lại 53 thành viên và 33 mã giữ giá tham chiếu; trong đó có 1 mã không có giao dịch và một số cổ phiếu có khối lượng khớp rất hạn chế.

Tương tự phiên liền trước, nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục tăng giá để hỗ trợ VN-Index. Cụ thể là STB, FPT, HPG, VPL, VIC, PVD, VSH, ITA, KDC, REE, SAM… DPM cũng đã tăng giá trở lại, trong khi PVF đã bỏ vai trò “chướng ngại vật” ở phiên trước, giữ giá tham chiếu; VNM cũng bớt sự níu kéo khi chỉ giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu, nhưng PPC vẫn tiếp tục giảm giá sàn.

Tăng giá mạnh nhất theo tỷ lệ ở phiên này là HRC kịch trần, kế đến là SFC, PVT, BMC, VTB. Ở hướng ngược lại, nhóm 5 mã giảm giá mạnh nhất là CII giảm kịch sàn, đến TDH, SGC, NHC và BT6.

Qua phiên này, VN-Index đã tăng điểm trở lại. Đây là phiên trước thềm công bố mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11, dự báo có vào cuối chiều này. Một số dự báo trước đó hướng đến khả năng CPI tháng này sẽ tăng ở mức thấp, thậm chí giảm nhẹ, nhưng ảnh hưởng của thông tin này vẫn khó đoán đối với thị trường chứng khoán, nhất là sự “nhạt nhòa” của những thông tin tác động như giảm giá xăng, lãi suất, CPI… từ tháng 10 trở lại đây.

Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index có phiên tăng điểm nối tiếp, dù đã có lúc đảo chiều. Chỉ số này hiện ở mức 105,24 điểm, tăng nhẹ 0,73 điểm (0,7%). Khối lượng giao dịch lại giảm mạnh, xuống chỉ còn gần 5,5 triệu cổ phiếu với 148,9 tỷ đồng.

Tại đây có 74 cổ phiếu tăng giá, 67 mã giảm và 20 cổ phiếu giá không thay đổi. Những cổ phiếu lớn như ACB, PVI, KLS, BVS, VNR… tăng giá, nhưng tăng mạnh nhất thuộc về MKV, TKU, PJC, HLY, NPS. Ngược lại, những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là TBX, L62, VSP, TDN, MIC…

Ngược với diễn biến trên sàn Tp.HCM, tại đây khối đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm mạnh giao dịch. Tổng khối lượng của khối này chỉ đạt 388.300 cổ phiếu, giá trị đạt 7,6 tỷ đồng. Trong đó, họ mua vào 81.500 cổ phiếu với 1,2 tỷ đồng giá trị; bán ra 306.800 cổ phiếu với 6,4 tỷ đồng giá trị.

Theo vnexpress

btp