Tin ngành điện

Công ty Thủy điện Hòa Bình : Để “Bánh xe công tác” không ngừng quay

Thứ hai, 24/11/2008 | 08:08 GMT+7
Bánh xe công tác là thiết bị quan trọng của tuabin thủy lực. Xác suất sự cố của tuabin thủy lực xảy ra nhiều nhất ở bánh xe công tác. Chính vì vậy, Công ty Thủy điện Hòa Bình luôn quan tâm đến công nghệ sửa chữa bánh xe công tác, nhằm đảm bảo cho tuabin hoạt động đạt hiệu suất cao nhất…
 
Bánh xe công tác là thiết bị quan trọng của tuabin thủy lực. Xác suất sự cố của tuabin thủy lực xảy ra nhiều nhất ở bánh xe công tác. Chính vì vậy, Công ty Thủy điện Hòa Bình luôn quan tâm đến công nghệ sửa chữa bánh xe công tác, nhằm đảm bảo cho tuabin hoạt động đạt hiệu suất cao nhất…

Từ bản chất của hiện tượng xâm thực

Xâm thực là sự phá hủy bề mặt các chi tiết thiết bị máy móc vận hành trong nước, trong đó có bánh xe công tác. Khi vận hành, phía sau mặt cánh bánh xe công tác của tuabin thủy lực luôn phải chịu áp suất thấp, làm cho vùng nước ở đó bị sôi, tạo nên những vùng chứa hơi di chuyển, khi rơi vào vùng có áp suất cao, hơi nước sẽ ngưng tụ lại và va đập rất mạnh vào thành bánh xe công tác tạo ra những tiếng nổ lớn làm bề mặt bánh xe bị phá hủy lỗ chỗ. Nếu xâm thực quá lớn sẽ làm tăng thời gian dừng máy, ảnh hưởng đến chất lượng sửa chữa và tăng vốn đầu tư sửa chữa thiết bị.

…đến kinh nghiệm sửa chữa

Sau nhiều năm quản lý, vận hành các tổ máy phát điện của Thủy điện Hòa Bình, các kỹ sư đã tìm ra nhiều biện pháp giảm tối đa hiện tượng xâm thực bánh xe công tác của tuabin. Ðó là, duy trì áp suất phía dưới bánh xe công tác lớn hơn hoặc bằng áp suất tới hạn; điều chỉnh độ cao tâm bánh xe công tác tương ứng với chiều cao hút cột nước sao cho áp suất vùng bánh xe công tác không thấp hơn áp suất tới hạn. Ðồng thời, trong công tác vận hành phải luôn giữ cho tuabin làm việc trong vùng đặc tính của vận hành do nhà chế tạo quy định.

Ði đôi với công tác vận hành đúng kỹ thuật để nhằm giảm xâm thực bánh xe công tác, các kỹ sư của Công ty đã thực hiện sửa chữa để hạn chế xâm thực. Trong 10 năm nghiên cứu và ứng dụng (1988-1998), các kỹ sư đã cho thấy: Khi bánh xe công tác bị xâm thực, dùng loại que hàn DL9 hay DL11 (của Nga) thì kết quả rất tốt. Nếu trước dây, cứ 4 năm phải hàn mài xâm thực 1 lần, thì sau khi dùng que hàn DL9 hay DL11, thời gian mài xâm thực sẽ là 5,5 năm. Ðặc biệt, dùng que hàn EA 395/9 thì thời gian phải mài hàn xâm thực còn dài hơn (khoảng gần 8 năm- tương đương với 2 lần đại tu). Trong đại tu, sửa chữa lớn, nếu bánh xe công tác bị xâm thực có độ sâu tới 6 mm thì cần được hàn đắp và mài phục hồi bằng các loại que hàn DL9, DL11. Tuy nhiên, trong các kỳ trung tu cũng cần kiểm tra chặt chẽ và xử lý triệt để vùng bị xâm thực, tránh tình trạng để đến khi đại tu mới tiến hành xử lý.

Ông Ðỗ Thành Thục - Phó giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết: Ðể bánh xe công tác luôn hoạt động tốt, Công ty đã tổ chức quản lý vận hành các tổ máy đúng quy trình kỹ thuật. Ðồng thời, thường xuyên bằng kinh nghiệm và kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề gây ảnh hưởng đến bánh xe công tác để từ đó có phương án sửa chữa đúng thời gian và yêu cầu kỹ thuật. Việc sửa chữa lớn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Công ty. Lên kế hoạch sửa chữa lớn đúng thời điểm, thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao sẽ góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo kế hoạch phát điện và cân đối nguồn hợp lý trên toàn hệ thống.

Ðối với Công ty Thủy điện Hòa Bình, công tác sửa chữa lớn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác sản xuất kinh doanh. Bởi, để thực hiện sửa chữa các bộ phận thiết bị, máy móc của Nhà máy thì rất cần sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng những phần việc phải làm sao cho công tác sản xuất kinh doanh của đơn vị vẫn đảm bảo. Ðó là các tổ máy phải luân phiên sửa chữa theo kế hoạch đã đề ra. Trong đại tu, thời gian tốn nhiều nên công tác vận hành các tổ máy còn lại cần phải hợp lý, đảm bảo công suất phát điện đạt hiệu quả nhất. Theo kỹ sư Nguyễn Mạnh Quang - Ðốc công, Công đoạn tuabin thủy lực (Công ty Thủy điện Hòa Bình), thì công tác sửa chữa lớn, ngoài việc đảm bảo về vật tư, thiết bị máy móc để thay thế sửa chữa, còn rất cần đến chuyên môn giỏi. Kinh nghiệm sửa chữa lớn ở Công ty Thủy điện Hòa Bình trong nhiều năm qua cho thấy: Xuất phát từ công tác lãnh đạo, tổ chức tốt nên các kỹ sư rất hăng hái, nhiệt tình để tìm ra phương án tối ưu nhất nhằm khắc phục những khiếm khuyết, hư hỏng của các tổ máy. Hơn nữa, mỗi kỹ sư, người thợ luôn coi nhiệm vụ của Công ty giao như nhiệm vụ của chính gia đình mình, nên càng tận tâm hơn trong công việc.Trong quy trình sửa chữa từ tiểu tu đến đại tu thì công đoạn tiểu tu là rất quan trọng. Các chi tiết hư hỏng được phát hiện từ giai đoạn này được sửa chữa kịp thời, đảm bảo kỹ thuật thì đến các công đoạn sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và từ đó sẽ đảm bảo đạt tiến độ.

Hằng năm, Công ty thường “xuất xưởng” hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân kỹ thuật của các trường, các nhà máy thủy điện trong nước đến học tập kinh nghiệm về các mặt công tác tại đây. Có thể nói, ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng, Công ty Thủy điện Hòa Bình còn là một “trường đào tạo” lớn về công tác quản lý, vận hành, sửa chữa thiết bị nhà máy thủy điện.

Theo: TCĐL số 10/2008

btp