Trên những công trình xây dựng nhà máy thủy điện ở miền Trung thuộc hệ thống thủy điện sông Vu Gia - Thu Bồn, có công trình đang thi công nước rút chuẩn bị cho phát điện vào cuối năm nay, có công trình đang chạy đua với thời gian để chống lũ... Tất cả đều hướng tới mục tiêu “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.
Từ thành phố Ðà Nẵng, vượt qua hơn 120 km đường bộ, chúng tôi có mặt tại công trình xây dựng Nhà máy thủy điện A Vương. Kỹ sư Vũ Tiến Giao, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) cho biết: Công trình thủy điện này gồm hai tổ máy, tổng công suất 210 MW, là công trình đầu tiên được triển khai theo cơ chế 797 và 400 về xây dựng các dự án điện đáp ứng nhu cầu năng lượng phát triển kinh tế đất nước trong Sơ đồ quy hoạch điện VI của Chính phủ. Công trình được giao cho tổ hợp nhà thầu Licogi, Tổng công ty xây dựng miền Trung, Công ty Lũng Lô và Công ty cổ phần LILAMA 45.3 thực hiện. Trong đó, Licogi làm tổng thầu xây lắp. Ðể hoàn thành và đưa Tổ máy số 1 vào sử dụng vượt tiến độ đề ra, các đơn vị thi công đã phát động phong trào thi đua “Lao động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đào hơn 6 triệu m3 đất, đá; 130.000 m3 bê tông CVC; 270.000 m3 bê tông RCC; nhân công huy động lúc cao điểm 6.000 người. Ngay sau khi Tổ máy số 1 hòa điện thành công, các đơn vị thi công đã tập trung lực lượng lắp đặt thiết bị của Tổ máy số 2, phấn đấu vào tháng 11/2008, tổ máy số 2 sẽ chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Kỹ sư Vũ Ðức Chiến, Giám đốc Ban điều hành thi công công trình của nhà thầu Licogi, cho biết: Hiện trên công trường các nhà thầu đang gấp rút thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trên tuyến đập chính, cửa nhận nước, nhà máy chính, đường ống áp lực, tháp điều áp... Tại gian máy, những người thợ của Công ty cổ phần LILAMA 45.3 vẫn đang miệt mài lắp đặt các chi tiết của tua-bin tổ máy. Trên tuyến đường ống áp lực, công nhân của Công ty lắp máy điện nước đang khẩn trương lắp đặt hệ thống van điều áp. Ðội trưởng Tạ Công Lễ cho biết: Ðây là tuyến đường ống thép được tổ hợp từ hơn 100 đoạn, có đường kính từ 3,8 đến 4,2 m, tổng chiều dài 720 m, nặng hơn 1.800 tấn, trong đó ống nặng nhất tới 36 tấn, lại phải thi công trên độ dốc lớn, có đoạn dốc tới hơn 46 độ. Ðây cũng là tuyến đường ống có đường kính và độ dốc lớn nhất Việt Nam hiện nay, việc thi công rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn cao. Ðể bảo đảm công tác lắp đặt đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là khâu an toàn lao động, các kỹ sư và công nhân lắp máy đã sử dụng hệ thống đường ray và tời kéo, kết hợp cẩu 50 tấn và 100 tấn để đưa từng đoạn đường ống vào vị trí.
|
Tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công Thủy điện Sông Tranh 2 |
Rời A Vương, chúng tôi đến với những người thợ xây dựng thủy điện Ðak Mi 4, thuộc địa phận huyện Phước Sơn. Mặc dù công trình vừa mới chịu ảnh hưởng của mưa, bão nhưng tại hố móng nhà máy, vai trái đập chính, hố móng tháp điều áp... máy xúc, máy ủi, xe tải chở đất đá của Công ty cổ phần cơ giới và xây lắp 9 vẫn miệt mài làm việc. Kỹ sư Nguyễn Trọng Toản, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Ðây là công trình do Tổng công ty Ðầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng công suất 180 MW, được khởi công quý II-2007 và Công ty được chọn là nhà thầu chủ lực trong công tác thi công cơ giới. Với năng lực và kinh nghiệm nhiều năm thi công các công trình thủy điện lớn, đến nay, Công ty đã hoàn thành việc đào dọn gần 400 nghìn m3 đất đá hố móng vai trái, đê quây chặn dòng và đào dọn lòng sông đập chính - bậc trên. Khối lượng đá đào hố móng nhà máy kênh xả và tháp điều áp cũng đã hoàn thành gần 50% (khoảng hơn 930 nghìn m3). Ngoài ra, theo yêu cầu của chủ đầu tư để bảo đảm tiến độ công trình, Công ty còn hỗ trợ các đơn vị khác thi công các hạng mục đào đất đá đường dẫn vào ngách thi công, đường dẫn vào tháp điều áp...
Theo tỉnh lộ 616, chúng tôi về xã Trà Ðốc, Trà Tân, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đến với công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, công suất 190 MW. Kỹ sư Nguyễn Bá Tùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới và Xây lắp số 10 Ðà Nẵng cho biết: Sau khi hoàn thành thi công 1.200 m đường hầm dẫn nước của Nhà máy thủy điện A Vương, tháng 2-2006, những người thợ thi công cơ giới 10 đã có mặt tại đây để thi công cụm nhà máy, trạm phân phối điện 220 kV, kênh xả nước và 300 m hầm dẫn nước... Từng tham gia xây dựng nhiều công trình, anh Tùng tâm sự: Hầu hết các công trình thủy điện ở miền Trung nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai vùng đồng bằng và miền núi, chưa có đường giao thông và chịu tác động nhiều của bão lũ và mưa kéo dài, nên việc tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, nhất là thi công cơ giới.
Kỹ sư Nguyễn Bá Tùng cũng cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là việc bù giá chưa kịp thời, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Nếu so sánh với đơn giá tổng dự toán được lập quý III-2007, thì giờ đây một tấn xi-măng đã tăng thêm 600 nghìn đồng, thuốc nổ, xăng, dầu tăng gấp hai lần, thép tăng 2,5 lần... Mặc dù bản thân các nhà thầu đã rất cố gắng, song nếu không sớm giải quyết, có cơ chế bổ sung kịp thời phần chênh lệch đơn giá vật tư, thiết bị thì khó có thể duy trì tiến độ thi công như hiện nay và đáp ứng mốc tiến độ phát điện của các nhà máy.