Nhà máy thủy điện Sơn La được chính thức khởi công xây dựng cuối năm 2005 tại thị trấn ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam á với 6 tổ máy, công suất 2.400MW. Để xây dựng và đưa Nhà máy thủy điện Sơn La vào khai thác sẽ có 18.897 hộ gia đình thuộc 8 huyện của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di chuyển. Trong đó, Sơn La là tỉnh có số hộ phải di chuyển nhiều nhất.
Sơn La - đỉnh điểm di dân
Theo dự kiến, khi công trình Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành sẽ tạo nên một hồ chứa rộng 224 km2 với dung tích 9,26 tỷ m3 nước. Với diện tích rộng lớn nằm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Sơn La nên dự kiến sẽ có 12.500 hộ dân thuộc 3 huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu phải di chuyển. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La để làm công tác đền bù, tái định cư, hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi ở mới.
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, công tác kiểm đếm, quy hoạch khu tái định cư (TĐC) đã được UBND tỉnh Sơn La triển khai. Theo báo cáo của BQL dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, đến hết tháng 10-2008, tỉnh Sơn La đã quy hoạch được 62 khu TĐC tập trung nông thôn, TĐC đô thị với 237 điểm có khả năng tiếp nhận 12.235 hộ. Ngoài ra còn có 60 bản thuộc 23 xã thực hiện TĐC xen ghép với khả năng tiếp nhận 865 hộ... Đã có 8.500 hộ thực hiện việc di chuyển đến nơi TĐC mới.
Cùng với việc di dân, tỉnh Sơn La đã thực hiện thống kê bồi thường cho gần 15.000 hộ dân TĐC và hộ dân sở tại bị ảnh hưởng theo đúng chính sách quy định, tương ứng với giá trị đã được phê duyệt. Ước thực hiện đến hết năm 2008, tỉnh Sơn La sẽ cơ bản thực hiện xong việc đền bù và phê duyệt xong quy hoạch chi tiết cho 100% các khu, điểm TĐC phù hợp với kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể. Ông Cầm Chính Nghĩa - Phó trưởng BQL dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La khẳng định: “Với tiến độ như hiện nay, đến ngày 19-5-2009, tỉnh Sơn La sẽ cơ bản hoàn thành việc di dân phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La”.
Niềm vui ở nơi TĐC
Những ngày cuối năm 2008, chúng tôi đến thăm bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - một bản TĐC mới của đồng bào dân tộc Thái chuyển từ xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai đến từ ngày 10-10-2006. Trong tiết trời se lạnh, anh Nùng Văn Tấm (42 tuổi) - Trưởng bản Mai Quỳnh cho biết, cả bản có 36 hộ gia đình với 159 nhân khẩu. Trước đây khi còn ở Quỳnh Nhai, đa số các gia đình đều sống dựa vào nương rẫy. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại du canh đi khai hoang nương rẫy ở vùng khác.
Cuộc sống tuy đủ ăn nhưng không ổn định, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Từ khi chuyển xuống khu TĐC tại Mường Bon, cuộc sống của người dân có nhiều thuận lợi hơn. Các công trình phục vụ cuộc sống như: điện, đường, trường, trạm... được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, thuận tiện. Mặc dù diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp không được rộng rãi như nơi ở cũ nhưng do được chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nên đời sống kinh tế đã khá giả hơn.
Đến nay, qua hai năm đến nơi ở mới cuộc sống của người dân TĐC tại xã Mường Bon đã ổn định, 100% các hộ gia đình trong bản đều có tivi, xe máy..., không còn hộ đói nghèo. Nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập hàng năm cao gấp đôi so với trước đây. Điển hình là hộ gia đình ông Lò Văn Phanh (52 tuổi), trước đây thu nhập hàng năm của cả gia đình khi ở quê cũ chỉ được khoảng 45 triệu đồng/năm, nhưng hai năm qua do được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... nên thu nhập của gia đình ông Phanh đã đạt 100 triệu đồng/năm.
Cũng giống như người dân bản Mai Quỳnh, từ tháng 3-2007, tất cả 31 hộ gia đình với 136 nhân khẩu sống tại bản Nậm Phung, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di chuyển về nơi TĐC tại bản Quỳnh Sơn, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về lương thực, chất đốt, điện sinh hoạt... nên cuộc sống của người dân tại nơi ở mới đã nhanh chóng ổn định. Anh Hoàng Văn Định (35 tuổi) - Trưởng bản Quỳnh Sơn tâm sự: Ngay từ khi được tuyên truyền về chủ trương xây dựng thủy điện Sơn La người dân Nậm Phung hiểu rằng việc di chuyển sẽ làm thay đổi, xáo trộn cuộc sống và sẽ có rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, tất cả người dân trong bản đều đồng tình với chủ trương của Nhà nước bởi đây sẽ là cơ hội để người dân thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi việc sản xuất du canh.
Ai cũng hiểu việc di chuyển cả bản làng đến một vùng đất mới sẽ gặp muôn vàn khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sống tại khu vực phải di chuyển hiểu, tin tưởng và ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình để phục vụ lợi ích chung của Tổ quốc
Theo: ANTĐ