Tin ngành điện

Bài học từ sự sụp đổ của phố Wall thời Đại suy thoái

Thứ hai, 20/10/2008 | 07:22 GMT+7
Dow Jones sụt 25% chỉ trong hai phiên cuối tháng 10/1929, chấm dứt chuỗi ngày thăng hoa trước đó và mở đầu thời kỳ suy thoái kéo dài trên Wall Street.

Dow Jones sụt 25% chỉ trong hai phiên cuối tháng 10/1929, chấm dứt chuỗi ngày thăng hoa trước đó và mở đầu thời kỳ suy thoái kéo dài trên Wall Street.

Diễn biến chỉ số Dow Jones từ 1928 đến 1934.

Những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi ngày tăng trưởng như mơ. Bong bóng đầu cơ nổ tung vào hai phiên cuối tháng 10/1929. Ngày thứ ba đen tối (29/10/1929) đến với phố Wall khi Dow Jones sụt 25% sau hai phiên xuống dốc. Nhà đầu tư đua bán tháo cổ phiếu, giao dịch đạt mức kỷ lục mà phải mất 40 năm thị trường mới có thể phá vỡ.

Khi cuộc khủng hoảng chạm đáy vào tháng 7/1932, Dow Jones sụt giảm 89%. Hơn 22 năm sau, thị trường mới tìm lại đỉnh cao xác lập hồi 1929, trước khi cơn bão giảm giá xảy ra.

Ngày nay, người ta vẫn còn tranh luận nguyên nhân nào đã dẫn tới sự sụp đổ của phố Wall năm xưa . Chỉ trong một thập kỷ, giá cổ phiếu tăng tới bốn lần, với sự dẫn đầu của các mã thuộc lĩnh vực công nghệ mới như radio, cho thấy rõ nguy cơ bong bóng. Trong khi các quy định liên quan tới giao dịch nội gián rất thiếu và lỏng lẻo, nhà đầu tư dễ dàng mua gom cổ phiếu và tăng quyền kiểm soát trong công ty.

Thị trường càng hoảng loạn khi một loạt các biện pháp quản lý được đưa ra, trong đó có những sắc thuế mới. Ngân hàng trung ương (Cục Dự trữ liên bang) duy trì lãi suất thấp ở mức không ngờ trong nhiều năm liền để hỗ trợ đồng bảng Anh, lúc đó đã được coi như bản vị vàng trong rổ tiền tệ quốc tế.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng.

Phố Wall sụp đổ khiến toàn bộ nền kinh tế Mỹ bước vào cơn suy thoái trầm trọng, rồi lan rộng sang toàn cầu . Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sụt giảm một phần ba, tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức 25% trong khi hàng loạt công nhân chỉ được làm việc vài giờ mỗi ngày.

Ngay lập tức hệ thống ngân hàng bị đặt trong vòng kiểm soát gắt gao. Và hành động đầu tiên của chính quyền mới Roosevelt (Tổng thống thứ 32 của Mỹ) là đóng cửa toàn bộ ngân hàng trong hai tuần, chờ các điều tra viên liên bang kiểm tra sổ sách của từng đơn vị.

Không trợ cấp thất nghiệp, chẳng được chính phủ trợ giúp, người lao động đối mặt với chuyện sa sút thu nhập. Hệ lụy tất yếu xảy ra là tiêu dùng của dân chúng suy giảm, kéo theo sự sụp đổ của nhiều nhà máy, công xưởng.

Những nhân chứng của thời Đại khủng hoảng cho rằng các nhà lập chính sách càng làm cho kinh tế suy thoái nghiêm trọng hơn khi thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa đúng vào lúc cuộc khủng hoảng lan rộng. Thương mại quốc tế cũng đình đốn vì Mỹ xóa bỏ chế độ bản vị vàng (coi vàng là thước đo trong thanh toán) và dựng hàng rào thuế quan nhằm ngăn đồ nhập ngoại.

Thoạt đầu, các nhà chức trách cố lấy lại niềm tin trên thị trường bằng những bài phát biểu, cam kết. Thậm chí Tổng thống Herbert Hoover (Tổng thống thứ 31 của Mỹ) trấn an dân chúng rằng nền kinh tế vẫn vững vàng.

Mọi biến chuyển chỉ bắt đầu khi ông Franklin D Roosevelt trúng cử Tổng thống vào năm 1932. Chính phủ Mỹ bắt đầu chính sách trợ cấp thất nghiệp, ổn định thị trường bằng cách hạn chế sản xuất, khuyến khích hoạt động công đoàn, và xây dựng hệ thống hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, chính quyền Roosevelt không mấy thành công trong kế hoạch khôi phục tăng trưởng kinh tế. Niềm tin của giới kinh doanh vẫn ở mức thấp. Đại khủng hoảng tiếp tục kéo dài bất chấp hàng loạt biện pháp trong kế hoạch mang tên New Deal của Tổng thống Roosevelt đã được triển khai. Tổng sản lượng của nền kinh tế tăng gấp đôi trong suốt chiến tranh. Tỷ lệ thất nghiệp gần như bằng không khi phụ nữ và những người da đen buộc phải đi làm thay thế cho hàng triệu người đã gia nhập quân đội. Khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, Mỹ đã phải vay nợ hơn một nửa số tiền trang trải chiến phí. Nửa còn lại được gây dựng từ các khoản đóng thuế của người dân.

Nhìn về thời Đại suy thoái, ngày nay người ta có thể thấy một số bài học còn hữu ích cho đợt khủng hoảng đang diễn ra. Thị trường tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế liên thông với nhau. Vấn đề phát sinh ở một lĩnh vực, nếu không được giải quyết triệt để sẽ lan sang lĩnh vực khác.

Hành động can thiệp tích cực và khẩn trương của chính phủ là rất cần thiết để xua tan những áp lực đối với nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Phản ứng quá chậm chạp và xuất phát từ tư duy sai lầm của chính quyền cũng như ngân hàng trung ương những năm 1930 khiến suy thoái nghiêm trọng hơn.

 (theo BBC )

btp