Khác với dư luận, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận, hành động trả lại 13 dự án điện vừa rồi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là dũng cảm.
EVN buộc phải làm ăn có lãi
- Thưa ông, dư luận đang xôn xao về vụ EVN trả lại Chính phủ 13 dự án điện đã được giao. Quan điểm của ông về vụ này như thế nào?
|
Ông Nguyễn Đức Kiên: "Bối cảnh khó huy động vốn như hiện nay thì việc họ (EVN) phải trả lại dự án là chấp nhận được." (Ảnh Bình Minh) |
- Hiện nay dư luận xã hội đang nói EVN “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng quan điểm của tôi cũng như nhiều thành viên UBKT cho rằng EVN đã hành động dũng cảm. Sau khi cân đối vốn, thấy không có khả năng huy động vốn để làm cả 38 dự án và chỉ có khả năng cân đối được 25 dự án thì ngay lập tức đã báo cáo Chính phủ xin trả lại lại13 dự án.
Rõ ràng hiện ngay các ngân hàng đang siết chặt chính sách tiền tệ. Do vậy khả năng huy động vốn qua kênh ngân hàng thực sự gặp khó khăn.
Hơn nữa, đầu vào EVN phải mua điện theo giá thị trường, nhưng đầu ra của EVN vẫn bị khống chế giá bán.
Mà chiểu theo Luật Doanh nghiệp và các nghị định quản lý tài chính buộc doanh nghiệp như EVN phải làm ăn có lãi, lãi năm sau phải cao hơn năm trước.
Thêm vào đó, tình hình hiện nay khó khăn thế nào ai cũng rõ. Chính sách vĩ mô trong năm 2008 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ. Không riêng gì EVN mà nhiều doanh nghiệp cũng đang khó khăn trong huy động vốn.
- Tuy nhiên với vai trò là đầu tầu của ngành điện, việc EVN xin trả lại dự án với lý do không đủ vốn thực hiện liệu có hợp lý, thưa ông?
- Chúng ta nhìn EVN như một doanh nghiệp bình thường, nhưng lại đòi EVN phải làm một công việc đặc biệt quan trọng thì rõ ràng EVN gặp khó là đương nhiên. Bối cảnh khó huy động vốn như hiện nay thì việc họ phải trả lại dự án là chấp nhận được.
Giao cho EVN xây dựng 38 dự án điện trong sơ đồ điện 6, thử hỏi đã có cơ chế gì để EVN có thể huy động được vốn. Trong 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, không hề có nghị quyết riêng nào về việc huy động vốn riêng cho nhóm các công trình điện lực.
Hơn nữa, chúng ta cũng phải thông cảm và thấu hiểu vì hiện nay điện của EVN bán ra Nhà nước khống chế là 3,8 cent/kWh, trong khi EVN đang phải mua điện của TQ là 7,2 cent/kWh, mua điện của nhà máy điện Hiệp Phước còn cao hơn nữa.
Chiểu theo Luật, EVN buộc phải làm ăn có lãi, mà lãi năm sau phải cao hơn năm trước. Điều này khiến họ không thể mạo hiểm được.
- Nhưng không phải cứ khó khăn là trả lại Chính phủ ?
- Qua hành động của EVN vừa rồi, tôi cũng như nhiều thành viên của UBKT cho rằng nếu đứng về góc độ quản lý nhà nước lại thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhiều hơn là trách nhiệm của doanh nghiệp.
EVN là Bộ Điện lực hay Tổng công ty điện lực. Nếu là Bộ thì rõ ràng lỗ hay lãi đều phải làm. Nhưng với cương vị Tổng công ty, là tập đoàn kinh tế thì buộc phải làm ăn có lãi.
Vẫn biết là EVN phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, nhưng rõ ràng phải đi kèm với chính sách kinh tế. Nếu không thì rất khó cho doanh nghiệp.
- Ông có biết vì sao Ngân hàng đang từ chối cho EVN vay thêm vốn?
- Vì tính chỉ số ICOR (tỷ lệ đồng vốn đầu tư bỏ ra để đạt được tỷ lệ tăng trưởng) trong điện lực rất thấp. Nếu chỉ số hoàn vốn của các dự án này cao thì chắn chắn các ngân hàng không nề hà gì mà không cho họ vay vốn.
PVN có kinh nghiệm làm than điện, thuỷ điện không?
- Ông bình luận gì về việc chưa đầy hai tuần khi EVN đề xuất trả lại 13 dự án điện thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lập tức có văn bản xin làm chủ đầu tư của các dự án này?
- Điều này trong nền kinh tế thị trường cũng bình thường thôi. Nhưng phải xem kỹ trong hồ sơ xin tiếp quản 13 dự án này, PVN thuyết trình khả năng huy động vốn ra làm sao. Xem ra PVN có thể sẽ hiệp thương được vốn tốt hơn EVN nhờ lợi thế về dầu. Không rõ PVN có đủ đội ngũ cán bộ để triển khai giải ngân 13 dự án này không. Quả là PVN có kinh nghiệm làm khí điện, nhưng liệu có kinh nghiệm làm than điện, thuỷ điện không. Đây quả là một vấn đề lớn.
Còn nữa, cũng phải chờ xem Nhà nước có cho phép PVN chuyển vốn không nữa chứ?
- Với tư cách là thành viên UBKT của Quốc hội, theo ông 13 dự án này nên giải quyết thế nào?
- Việc giải quyết thế nào thì ở trong thẩm quyền của người nhạc trưởng chính là Chính phủ. Thời điểm này nên bình tĩnh để Bộ Công thương phân tích, phân loại trong 13 dự án này cần chia ra xem cái nào là khí điện, cái nào là thuỷ điện và cái nào là than điện…
Sau khi đã phân tích, đã cân đối lại khả năng hiệp thương vốn với Ngân hàng, Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư biết đâu EVN phải làm tiếp một số dự án, PVN làm một số và biết đâu Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) không tham gia nhưng lại bị chỉ định phải đứng ra để làm một số dự án phù hợp thì sao…
Tôi được biết trong tháng 10 tới đây, Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ các phương án giải quyết.
Vẫn phải cắt điện luân phiên
- Với những khó khăn hiện nay của ngành điện, với sự chậm trễ của nhiều dự án điện, có lẽ tới đây chúng ta sẽ vẫn phải cắt điện luân phiên ?
- Chính xác là như vậy. Ảnh hưởng nhiều là khác.
Trong 25 dự án điện mà EVN đã nhận sẽ có nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ theo tổng sơ đồ điện 6. Có rất nhiều lý do được đưa ra về kỹ thuật, về vốn, phối hợp giữa điện lực với các chính quyền địa phương…
Chính vì vậy tình trạng thiếu điện trong những năm tới vẫn còn cao.
- Xin cám ơn ông!
Bình Minh – Minh Yến(thực hiện)
(Theo VTC)