Tin ngành điện

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Những vấn đề đặt ra

Thứ năm, 16/10/2008 | 08:57 GMT+7
Tiết kiệm năng lượng hiện đã và đang là vấn đề “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Song, với những kiến nghị của báo giới, các nhà chuyên môn, cùng những quy định, chế tài xử phạt rõ ràng khi Luật tiết kiệm năng lượng được ban hành sau này liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu: Giảm sức ép về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng,…vì sự phát triển bền vững của đất nước? Thiết nghĩ, trước mắt, chúng ta phải từng bước “dọn” lại những bộn bề trong thực trạng sử dụng năng lượng ở nước ta.

Tiết kiệm năng lượng hiện đã và đang là vấn đề “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Song, với những kiến nghị của báo giới, các nhà chuyên môn, cùng những quy định, chế tài xử phạt rõ ràng khi Luật tiết kiệm năng lượng được ban hành sau này liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu: Giảm sức ép về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng,…vì sự phát triển bền vững của đất nước? Thiết nghĩ, trước mắt, chúng ta phải từng bước “dọn” lại những bộn bề trong thực trạng sử dụng năng lượng ở nước ta.

Những con số báo động

Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu ở Việt Nam chỉ đạt được từ 28% - 32% (thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%). Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Năng lượng tiêu hao cho sản phẩm các ngành công nghiệp chính ở nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ðơn cử, để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 - 13,02 triệu Kcal, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal; luyện thép từ thép phế liệu nước ta cần 2,82 triệu Kcal, thế giới cần 2 triệu Kcal…

Ðó là những con số báo động về thực trạng sử dụng năng lượng ở nước ta. Việc gia tăng mức độ sử dụng năng lượng, luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực hoạt động năng lượng và sẽ khiến suy giảm chất lượng môi trường toàn cầu (ví dụ, việc thải vào khí quyển khí CO2, SO2, NOx gây hiệu ứng nhà kính, phá hỏng tầng Ôzôn, làm biến đổi khí hậu). Hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng của nước ta là nhiên liệu hoá thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ. Quá trình cháy nhiên liệu nói riêng và hoạt động năng lượng nói chung là nhân tố quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng năng lượng đóng góp khoảng 25% lượng phát thải CO2 và khoảng 15% tổng lượng khí nhà kính sinh ra do hoạt động của con người.

Trước thực trạng trên, được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề trên. Nhiều hội thảo quốc tế về tiết kiệm năng lượng được mở ra, nhưng kinh nghiệm từ các nước thì vẫn không áp dụng hiệu quả khi chúng ta vấp phải không ít rào cản: Thiếu năng lực thực hiện chính sách, cơ chế hỗ trợ, kiểm soát và thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhận thức cộng đồng còn hạn chế, chế tài chưa đầy đủ và đủ mạnh cũng như chưa có sự khuyến khích các hoạt đồng tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, các cấp quản lý thiếu sự cam kết, hỗ trợ và hạn chế về dịch vụ thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng… Về cơ bản, những rào cản trên sẽ dần được dỡ bỏ khi trong tương lai, Luật TKNL được ban hành, những quy định liên quan đến TKNL sẽ được thể chế hóa, trách nhiệm và quyền lợi của các đối tượng sử dụng năng lượng sẽ được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, sẽ là một khối lượng công việc rất lớn của các cơ quan hữu quan…

Cần các giải pháp đồng bộ, mạnh tay

Theo ông Philippe Masset — Trưởng ban Chương trình và dự án quốc tế Cơ quan môi trường và tiết kiệm năng lượng của Cộng hòa Pháp: Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, cần phải triển khai thực hiện TKNL cho nhiều đối tượng. Ðặc biệt tập trung vào 3 đối tượng: Xây dựng, giao thông vận tải và công nghiệp. Công cụ thực hiện phải đa dạng như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ thông tin tuyên truyền cho các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng; xây dựng chính sách khuyến khích tài chính cho các đối tượng thực hiện TKNL... Ðối với ngành xây dựng — tiêu thụ 52,5 tổng năng lượng sử dụng trong các thành phố, nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm 40% nhu cầu ở ngành này, chính phủ Pháp đã tiến hành phân loại các tòa nhà để quản lý. Các tòa nhà xây dựng mới phải giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng, các tòa nhà trong quá trình cải tạo, nâng cấp, cấm sử dụng các vật liệu có hiệu suất năng lượng thấp. Tòa nhà có lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng tái sinh sẽ được Chính phủ Pháp khấu trừ 25-50% thuế thu nhập… Ðối với ngành công nghiệp, công cụ chính để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng là lập kế hoạch quốc gia về phân bố hạn ngạch C02…

Còn với những con số đáng báo động ở trên của nước ta, có thể khẳng định tiềm năng về tiết kiệm năng lượng trên hầu hết các lĩnh vực còn rất lớn. Song những con số đó cũng cho thấy thực tế, các chính sách, công cụ nhằm quản lý về sử dụng năng lượng vẫn chưa hoàn chỉnh khiến cho hiệu quả các hoạt động TKNL còn thấp. Ðơn cử trong lĩnh vực xây dựng. Với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị hiện tại, các cơ quan chức năng hoàn toàn chưa quan tâm đến vấn đề hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng cao tầng và thương mại. Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn về xây dựng các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng. Bước đi tiếp theo là yêu cầu kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với các tòa nhà cao tầng để cấp chứng chỉ cho tòa nhà TKNL. Và trước mắt, Bộ đề xuất xây dựng các mô hình quản lý năng lượng mẫu. Tuy nhiên, ý tưởng nhân rộng những “ngôi nhà mẫu” này (theo cách làm của nhiều nước trên thế giới) cũng sẽ hạn chế hiệu quả nếu tất cả chỉ có tính… khuyến khích mà chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bởi lẽ, chi phí ban đầu cho các dự án TKNL sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu không bị xử phạt (một cách xứng đáng), nếu tư vấn thiết kế không đủ tầm và chứng minh được về tính hiệu quả kinh tế lâu dài của các dự án TKNL… thì chủ đầu tư các tòa nhà sẽ đánh giá các mô hình “ngôi nhà mẫu” này chỉ có giá trị… tham khảo mà khôi. Cũng không ngoại lệ trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải, nếu chỉ đơn thuần khuyến khích, tạo điều kiện… mà không có chế tài xử phạt đủ mạnh thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ cho việc thay đổi, sử dụng các trang thiết bị TKNL.

Thiết nghĩ, với thực trạng này, cùng với việc thực hiện đúng trách nhiệm với tinh thần rất cần sự thống nhất trong đầu mối triển khai, tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước dẫm chân lên nhau khi thực hiện các chương trình TKNL. Bên cạnh đó là yêu cầu hoàn thiện chính sách, công cụ về quản lý, lập pháp công chính và hành pháp nghiêm minh khi Luật TKNL chính thức có hiệu lực...

748 triệu kWh - là sản lượng điện tiết kiệm thực hiện trong 8 tháng của toàn Tập đoàn, tăng 112,7% so với chỉ tiêu tiết kiệm điện 8 tháng, đạt 75,8% kế hoạch năm 2008. Ðây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị trong việc chủ động phối hợp với các cấp, ngành nghiêm túc triển khai các biện pháp tiết kiệm điện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động đến mọi đối tượng khách hàng và bước đầu được khách hàng đồng tình, ủng hộ.

Theo: TCĐL số 9/2008

btp