Tin ngành điện

Nguồn sáng “suối vàng”

Thứ tư, 15/10/2008 | 08:48 GMT+7
Suối Vàng là nhà máy thuỷ điện được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam, tọa lạc tại xã Lát, huyện Lạc Dương, cách Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, theo hướng Tây — Bắc chừng 18 cây số. Thuỷ điện Suối Vàng còn có tên là Nhà máy Thuỷ điện Ankroet do Pháp xây dựng năm 1943.
Suối Vàng là nhà máy thuỷ điện được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam, tọa lạc tại xã Lát, huyện Lạc Dương, cách Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, theo hướng Tây – Bắc chừng 18 cây số. Thuỷ điện Suối Vàng còn có tên là Nhà máy Thuỷ điện Ankroet do Pháp xây dựng năm 1943.

Đến Điện lực Lâm Đồng, chúng tôi được gặp và trò chuyện với Quản đốc của Nhà máy Thuỷ điện Suối Vàng, anh Phạm Văn Cường, người thợ thuỷ điện gần 40 năm gắn bó với nghề. Anh bắt đầu gắn bó với Nhà máy từ khi Bộ Điện - Than có quyết định điều chuyển anh từ Thuỷ điện Thác Bà vào thẳng Lâm Đồng. Rồi anh được đi Liên Xô học lớp đào tạo công nhân vận hành thuỷ điện trong 2 năm. Sau khi trở về, Phạm Văn Cường trở thành cán bộ quản lý vận hành Thuỷ điện Suối Vàng từ năm 1982 đến nay.

Anh thuyết minh “làu làu” cho chúng tôi về lịch sử của Nhà máy thuỷ điện Suối Vàng như nói về chính cuộc đời mình: Vào đầu năm 1939, khi tiến hành khảo sát địa chất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, người Pháp đã phát hiện ra 2 hồ chứa nước lớn: Hồ Đankia có dung tích 20 triệu m3 và hồ Ankroet có dung tích khoảng 1 triệu m3. Thế là ý tưởng xây dựng một nhà máy thuỷ điện đầu tiên tại Đông Dương – Việt Nam trở thành hiện thực. Một thiết kế táo bạo được vạch ra: Đào một đường ngầm trong lòng núi nối thông hồ Đankia với hồ Ankroet nhằm lấy nước cho nhà máy thủy điện đặt dưới thác nước cao hơn 80 m tại hồ Ankroet với 2 tổ máy thuỷ điện có công suất: 2 x 300 kW. Từ năm 1943 đến năm 1945, Thuỷ điện Ankroet đã được xây dựng và vận hành. Nguồn điện hiếm hoi này đủ để cấp điện phục vụ hơn 2.000 biệt thự của Pháp tại Đà Lạt - vốn được mệnh danh là “Paris thu nhỏ” tại Việt Nam.

Đến năm 1956, Thuỷ điện Ankroet được Nhật Bản nâng công suất lên 3.100 kW bằng nguồn kinh phí đền bù chiến tranh. Thuỷ điện Ankroet lúc ấy là nguồn chính cấp điện cho Thành phố Đà Lạt và là nguồn điện hỗ trợ xây dựng Thuỷ điện Đa Nhim. Sau năm 1975, Thuỷ điện Ankroet được bàn giao cho chính quyền cách mạng và trực thuộc sự quản lý của Sở Điện lực Lâm Đồng. Hồi ấy, CBCNV ngành Điện tại đây chỉ có gần mười người nhưng đã nâng được công suất của Ankroet lên 4.400 kW trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Thành phố Đà Lạt. Tổ máy H4 cũ (công suất 300 kW) đã được tháo ra để lắp thay thế bằng 1 máy công suất 1.600 kW; cải tạo hệ thống điều khiển trung tâm từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới qua dự án SEIER. Hiện nay, Thuỷ điện Suối Vàng đang vận hành ổn định từ 5.800 đến 6.000 giờ/năm, đưa điện hoà vào hệ thống lưới quốc gia, phục vụ trực tiếp cho Thành phố du lịch Đà Lạt với sản lượng bình quân 20 triệu kWh /năm.

Tôi hỏi: - Vì sao Thuỷ điện Ankroet lại song hành cùng cái tên Thuỷ điện Suối vàng? - Gương mặt Phạm Văn Cường thoáng một nét buồn, anh chỉ tay về ngọn đồi trước cổng nhà máy, giọng ngậm ngùi:- “Bên kia ngọn đồi là khu vực Nhà tưởng niệm công nhân xây dựng thuỷ điện này do anh em chúng tôi xây dựng và thường xuyên hương khói. Ngày đó, hàng nghìn người thợ chủ yếu là nông dân từ các tỉnh phía Bắc: Hà Đông, Nghệ An, Hà Tĩnh, từ dưới xuôi lên như Quảng Nam, Bình Định... được đưa về đây xây dựng Thuỷ điện Ankroet với thân phận là “culi” cho thực dân Pháp. Họ đã phải bỏ mạng trong quá trình xây dựng công trình. Bằng phương thức thi công rất thủ công, họ đã đào hàng triệu m3 đất đá thông hầm qua núi, nối dòng nước từ hồ Đankia với hồ Ankroet, xây dựng một nhà máy thuỷ điện với hàng trăm tấn thiết bị giữa núi rừng Langbian này, cộng với đói, lạnh và thiếu thốn trăm bề. Cái chết đã đến với họ như vậy và cái tên “Suối Vàng” ra đời từ đó như một sự ám chỉ về một nơi “không có ngày trở về” của những công nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Pháp thuộc.

Quá khứ đau thương là thế, nhưng hôm nay, dòng điện từ Nhà máy thủy điện Ankroet đang từng ngày góp phần tạo nên sức sống cho Đà Lạt - Thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Và như vậy, cái tên “Suối Vàng” đã lại mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa của một mạch sống cho thành phố cao nguyên này. Cái tên Thuỷ điện Suối Vàng cũng đã được ghi danh vào tấm bằng Huân chương Lao động hạng Nhì, được trang trọng treo tại Phòng Truyền thống Nhà máy từ năm 2001.

Chúng tôi chia tay Thủy điện Suối Vàng, trở về trung tâm Thành phố Đà Lạt khi hàng thông trên đồi tưởng niệm công nhân thuỷ điện nhoà dần vào sương đêm. Câu chuyện của anh quản đốc Nhà máy Phạm Văn Cường vẫn dâng lên trong lòng chúng tôi niềm xúc động khôn nguôi. Dù chỉ còn 2 năm nữa thôi, anh Cường sẽ bàn giao lại Thuỷ điện Suối Vàng cho thế hệ trẻ, trong đó có 2 người con trai của anh là Phạm Trung Kiên và Phạm Đăng Định hiện là thợ điện của Điện lực Lâm Đồng, song anh vẫn nung nấu đề xuất với cấp trên một ý tưởng lớn. Đó là nâng công suất Nhà máy lên gấp đôi theo ý tưởng thiết kế kỹ thuật của mình và biến khu vực hồ Thuỷ điện Suối Vàng trở thành khu du lịch sinh thái, thu hút du khách trong, ngoài nước và là nơi an dưỡng lý tưởng cho công nhân ngành Điện. Đây đúng là “ý tưởng vàng” của vị “thủ lĩnh” Nhà máy và chúng tôi cũng hy vọng ý tưởng đó có thể sớm trở thành hiện thực.

Theo: TCĐL số 8/2008

btp