Vinh dự lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. “Vương quốc trái cây” đang vào hội với bao kỳ vọng ở ngày mai.
Chọn mặt gửi vàng
Không phải ngẫu nhiên mà Tiền Giang được Chính phủ chọn tổ chức Festival Trái cây VN lần thứ I. Vùng đất được mệnh danh là “miệt vườn” này có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất nước.
Trong những năm qua, nhà vườn Tiền Giang luôn đi đầu trong việc cải tiến, nâng cấp vườn cây ăn trái, mà đáng kể nhất là đã tiếp cận được quy trình sản xuất tốt toàn cầu Global GAP, đưa trái cây VN thoát khỏi “ao làng”, chính thức vươn ra biển lớn.
Trong những ngày qua, trên khắp “vương quốc”, đi đâu cũng bắt gặp không khí náo nức đón chào festival. Những áp phích, hình ảnh cổ động đẹp mắt giăng kín các nẻo đường, từ TP.Mỹ Tho về các vùng nông thôn heo hút. Dù đến chiều tối mới diễn ra lễ khai mạc, nhưng sáng sớm 19.4, cả TP.Mỹ Tho đã ngập tràn không khí lễ hội.
Gặp lão nông Mười Tư, ngụ xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tại khu vực giới thiệu trái cây ngon, ông cho biết, ông đến với festival nhằm giới thiệu trái cây chất lượng cao và phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. Gia đình ông đang trồng vú sữa Lò Rèn theo quy trình Global GAP trên diện tích hơn 1ha. Mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng từ vườn vú sữa.
Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim - ông Nguyễn Văn Ngàn - cho biết, Ban chủ nhiệm HTX chọn những lô hàng chất lượng tốt nhất để đưa đến festival khoảng 1,5 tấn. Đó là sản phẩm được trồng theo quy trình Global GAP, đã được thị trường thuộc loại khó tính nhất là Anh và Canada chấp nhận.
"Thủ đô trái cây"
Cùng với các loại “cây lành trái ngọt” trong tỉnh, TP.Mỹ Tho - nơi diễn ra các hoạt động chính của festival - đang đón nhận lượng lớn trái cây từ mọi miền đất nước. Có thể nói, trong 5 ngày diễn ra festival, Mỹ Tho trở thành “thủ đô trái cây” của cả nước. Festival Trái cây VN lần đầu tiên càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức vào lúc cả nước hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long — Hà Nội.
Từ ý nghĩa đó, Ban tổ chức đặt ra chỉ tiêu là tất cả các loại trái cây ngon, nổi tiếng trên cả nước đều phải có mặt ở Mỹ Tho để trưng bày, bán phục vụ khách dự lễ hội. Giá bán cũng được khống chế - thấp hơn khoảng 10% so với giá thị trường.
Festival diễn ra giữa mùa nắng, thuận tiện cho công tác tổ chức và người tham quan, nhưng gặp bất lợi do là mùa cạn kiệt nhiều loại trái cây. Vì vậy, để vận chuyển trái cây hàng ngàn cây số từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến Mỹ Tho, bán với giá rẻ hơn thị trường, không phải là điều dễ dàng. Ban tổ chức đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng đến festival. Ngoài trái vải thiều Lục Ngạn và nhãn lồng Hưng Yên (đang trái mùa, phải đến với lễ hội bằng sản phẩm khô), còn lại hầu hết các loại trái cây tươi tiêu biểu các vùng miền trên cả nước đều được bày bán ở Mỹ Tho trong 5 ngày diễn ra festival.
Để sẵn sàng hàng hóa từ chiều 18.4, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc đã phải chuyển hàng từ ngày 15 — 16.4. Hàng chục tấn trái cây các loại như hồng xiêm Xuân Đỉnh, ổi Đông Dư, mận Hà Nội, bưởi Diễn, mơ Hà Tây... sớm xuôi tàu hoặc theo xe trên đường vào Mỹ Tho. Những xe hàng chở dừa Bình Định, bơ Buôn Mê Thuột, dâu Đà Lạt, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận khởi hành muộn hơn 1 chút.
Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp hàng khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, vốn có chủng loại trái cây gần giống nhau, sẽ không vội vã đưa hàng ồ ạt. Khoảng cách ngắn, thời gian vận chuyển không lâu, các doanh nghiệp chỉ chuyển hàng đến Mỹ Tho với lượng vừa phải, nhằm tránh rủi ro, nhưng luôn sẵn sàng phương án bổ sung hàng khi cần.
Chị Lê Thị Loan, chủ của 1 trong khoảng 700 quầy trái cây tại festival cho biết, ngày đầu chị chỉ chuyển đến sạp khoảng 1 tấn trái cây các loại, nhưng đã đặt sẵn khoảng 10 tấn, khi cần là trong vòng vài ba giờ sẽ có hàng bổ sung.
Theo dự kiến của Ban tổ chức, sẽ có từ 100 — 200 ngàn khách đến tham quan, mua sắm tại lễ hội. Nếu trung bình mỗi người mua 10kg, sẽ có vài ngàn tấn trái cây tiêu thụ tại lễ hội. Một con số không quá lớn, nhưng qua đó, tình cảm và tâm lý tiêu thụ trái cây VN sẽ tăng lên. Đó mới là điều festival này hướng đến!
Lịch sử sẽ ghi công
Theo Ban tổ chức, kinh phí dành cho Festival trái cây VN lần thứ I trên 22 tỉ đồng, được vận động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của các DN. Ngoài kinh phí, sự hưởng ứng của nhà vườn, của mọi tầng lớp nhân dân khu vực ĐBSCL sẽ đóng góp chung vào thành công chung của một festival tầm cỡ quốc gia.
Tại festival, sẽ diễn ra 3 cuộc hội thảo quan trọng mà sự thành công của nó sẽ rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của trái cây VN, đó là: “Trái cây VN - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”, “Liên kết 4 nhà, giải pháp cơ bản để nâng cao giá trị trái cây VN”; và “Vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn”.
Ban tổ chức festival kỳ vọng, các hội thảo trên sẽ giúp “4 nhà” hợp lực tìm ra những giải pháp tối ưu đưa cây trái VN vươn ra thế giới. Đó là triển vọng mở ra từ Festival trái cây VN lần thứ I.
Xoài lạ có kích cỡ “không đụng hàng” tại Festival trái cây VN. Đó là 2 loại xoài lê có vỏ vàng nhạt như trái lê, trọng lượng khoảng 2,5 kg/trái và xoài Ngọc Vân vỏ màu đỏ tía, trọng lượng trung bình 1,5 kg/trái được trưng bày tại “Hội thi trái cây ngon - an toàn” khai mạc ngày 19.4. Được biết 2 loại xoài này là của ông Trương Văn Bền - một nhà vườn ở Sóc Trăng. Ông cho biết giá bán tại vườn từ 20-25 ngàn đồng/kg và đây là lần đầu tiên ông đưa đi trưng bày tại hội thi trái ngon.
(Theo báo lao động)